Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Giữ lửa cho tàu cá vươn khơi

Giữ lửa cho tàu cá vươn khơi
Author: Dũ Tuấn
Publish date: Friday. July 22nd, 2016

Có mặt những lúc ngư dân cần

Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bình Định, năm 2015 địa phương này có 66 tàu cá với 553 ngư dân bị tai nạn trên biển (trong đó: 15 người chết, 8 người bị thương và 12 tàu cá bị chìm, 34 tàu cá khác bị hư hỏng nặng). Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh cũng đã xảy ra khoảng 21 sự cố tàu thuyền trên biển với 148 ngư dân bị nạn.

Ông Đặng Ngọc Diễm (trú huyện Hoài Nhơn, chủ tàu cá BĐ 95956-TS) kể: “Cuối tháng 2, khi tàu chúng tôi với 13 thuyền viên đang trên đường khai thác thủy sản cách Vũng Tàu khoảng 35 hải lý về phía Đông thì chẳng may gặp gió mạnh, tàu bị phá nước và chìm khiến chúng tôi lâm nợ khoảng 900 triệu đồng. Ngày 1.3, các thuyền viên đã được tàu SAR 413 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III cứu hộ và đưa vào bờ an toàn nhưng tàu đã nằm lại giữa biển sâu”.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn ngư dân hoàn tất các thủ tục tham gia Nghị định 67, để được hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm ngư lưới cụ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đăng ký đăng kiểm tàu cá, tăng cường cán bộ túc trực tại  2 trạm bờ  (TP.Quy Nhơn - Hoài Nhơn) để giám sát tàu cá và thông tin liên lạc qua lại với ngư dân...”.
Ông Trần Văn Phúc – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định

Theo ông Diễm, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp Hiệp hội Thủy sản, Quỹ HTND Bình Định trao cho gia đình ông số tiền 20 triệu đồng để khắc phục khó khăn. “Số tiền này là sự động viên thiết thực để gia đình tôi tiếp tục vươn khơi bám biển. Chiếc tàu mới tôi đang đóng tại trạm cơ khí Tam Quan khoảng 800CV, trị giá 4,4 tỷ đồng và đang sắp hoàn thành. Khi ấy, tôi lại vươn khơi bám biển để cùng anh em ngư dân Bình Định giữ gìn chủ quyền biển đảo”- ngư dân Diễm chia sẻ.

Lúc 14 giờ ngày 9.1, tàu cá BĐ 95207-TS của ông Phạm Tiết (trú thôn Trường Xuân Nam, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) cùng 7 thuyền viên trên tàu đang đánh bắt cá ngừ đại dương ở vùng biển Hoàng Sa thì bị tàu vận tải nước ngoài tông chìm. Đến 17 giờ 30 phút cùng ngày, thuyền trưởng Tiết và các ngư dân được một tàu cá của ngư dân Hoài Nhơn ứng cứu trong tình trạng kiệt sức. Sau lần ấy, ngư dân Tiết vẫn tiếp tục vươn khơi.

Gia đình ngư dân Nguyễn Văn Thải (thôn Vĩnh Lợi 3, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) cũng rơi vào cảnh túng quẫn sau vụ tai nạn trên biển. Theo đó, tối 22.3.2015, tàu cá do ngư dân Thải làm chủ có 13 thuyền viên đang đánh bắt trên vùng biển Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) đã bị một tàu lạ đâm chìm, khiến 2 thuyền viên bị chết.

“Sau sự cố tàu cá của gia đình bị đâm chìm (thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng) không lâu, chồng tôi là ngư dân Thải mất vì bạo bệnh nên kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Cũng nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Quỹ HTND góp phần động viên, giúp tôi vượt qua khó khăn trước mắt, từng bước ổn định cuộc sống”- bà Hồ Thị Kim Liên (trú thôn Vĩnh Lợi 3, xã Mỹ Thành) cho hay.

Đồng hành cùng ngư dân

Với đội tàu 3.228 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên thường xuyên vươn khơi xa cùng hàng chục ngàn thuyền viên khai thác thủy sản tại các ngư trường lớn như Hoàng Sa, Trường Sa, đến nay, ngư dân Bình Định đã thành lập được 516 tổ, đội đoàn kết khai thác thủy sản với 2.111 tàu tham gia. Nhờ hỗ trợ, chia sẻ nhau trong việc tìm kiếm nguồn lợi thủy sản và hỗ trợ  đảm bảo an toàn tàu cá nên hầu hết các tổ đoàn kết đánh bắt trên biển đều đang hoạt động rất hiệu quả.

Bà Lê Thị Kim Mai- Chủ tịch Hội Nông dân Bình Định cho biết: “Hiện nay, chúng tôi tập trung củng cố các tổ chức hội ở các xã, phường ven biển để tổ chức các dịch vụ, tư vấn hỗ trợ ngư dân. Hàng năm, các cấp hội mở lớp và phối hợp mở khoảng 250 lớp dạy nghề trên lĩnh vực thuỷ sản với hơn 7.500 người tham gia, phối hợp  các ngân hàng tín chấp cho ngư dân vay vốn mua sắm ngư lưới cụ, cải hoán đóng mới tàu thuyền khoảng 200 tỷ đồng với gần 6.000 hộ vay, cho vay từ Quỹ HTND 5 dự án với 1,15 tỷ đồng cho 65 hộ vay”.

Tiêu biểu như ngư dân Bùi Thanh Ninh (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) với 16 chiếc tàu công suất 6.000CV, thành lập 4 tổ đội đánh bắt xa bờ với hơn 100 lao động làm nghề câu cá ngừ kết hợp vây ánh sáng. Ông Ninh được công nhận Hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương và Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014.

Để hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn với ngư dân bị nạn trên biển, từ năm 2013 Quỹ HTND Bình Định đã vận động các tổ chức, các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước với số tiền khoảng 6 tỷ đồng để chia sẻ rủi ro với ngư dân bị nạn trên biển.

Ông Nguyễn Hữu Hào - Giám đốc Quỹ HTND Bình Định, cho biết: “Quỹ HTND đã tổ chức nhiều đợt thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho nhiều ngư dân gặp nạn trên biển. Số tiền trao tặng cho ngư dân mỗi đợt không lớn nhưng đã góp phần động viên, giúp ngư dân vượt qua khó khăn trước mắt, tiếp tục ra khơi bám biển khai thác thủy sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo”.


Related news

Nông dân trồng bắp lo lắng vì bệnh sọc lá Nông dân trồng bắp lo lắng vì bệnh sọc lá

Hiện nay, nông dân trồng bắp xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang rất lo lắng, nhiều diện tích trồng bắp bị bệnh sọc lá, gây thiệt hại cho người dân. Toàn xã có khoảng 70 ha trồng bắp, tập trung nhiều tại ấp Bình Khương I có khoảng 50 ha, nhưng hiện tại đã có hơn 30 ha bị mất trắng vì bệnh này.

Thursday. July 21st, 2016
Quýt ngọt, sai nhờ bón phân DAP Lào Cai Quýt ngọt, sai nhờ bón phân DAP Lào Cai

Mới qua một mùa sử dụng nhưng kết quả cho thấy phân bón DAP Lào Cai này rất tốt với cây quýt. Năm nay, nhiều hộ có thu nhập tăng thêm nhờ loại phân bón này đấy – anh Làn Mậu Thành, chủ trang trại quýt ngọt ở thôn Sả Hồ, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) chia sẻ.

Friday. July 22nd, 2016
Tiêu được giá, điều... hụt hơi Tiêu được giá, điều... hụt hơi

Điểm “sáng” nhất trên thị trường xuất khẩu nông sản là mặt hàng tiêu khi giá liên tục giữ ở mức cao; mặt hàng điều tuy giảm, nhưng khách hàng đã tới tấp đặt mua đến hết năm.

Friday. July 22nd, 2016