Giống ớt cay chỉ thiên F1 BĐC.01
Giống ớt cay chỉ thiên lai F1 BĐC.01, do các cán bộ nghiên cứu Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ và Viện Cây ăn quả miền Nam chọn tạo từ tổ hợp lai ớt cay Lý Sơn với ớt chỉ thiên quả dài Quảng Bình.
Đặc điểm: Chiều cao cây 75-93cm. Chiều cao phân cành 28-31cm. Đường kính tán cây 85-90cm. Chiều dài quả 6,6-7,2cm. Đường kính quả 1,1-1,3cm. Khi chín quả chuyển từ màu xanh nhạt sang đỏ đậm. Độ cay trung bình và thơm. Quả chín tập trung. Năng suất bình quân đạt 24,5-26,8 tấn quả/ha. Trong vụ ĐX thời gian từ trồng tới thu hoạch lần đầu là 60 - 64 ngày.
Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật: Ớt BĐC.01 có thể dùng ăn tươi hoặc chế biến. Thích hợp gieo trồng trong vụ ĐX và XH ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.
Kỹ thuật trồng: Chọn đất bằng phẳng, tưới tiêu thuận lợi. Ruộng trồng ớt phải xa nhà máy, bệnh viện, nghĩa trang và bãi rác. Đất cần được cày phơi ải 10-15 ngày. Sau làm nhỏ, dọn sạch cỏ dại. Lên luống trồng hàng đơn rộng 1-1,2m; cao 15-30cm. Nếu trồng hàng đôi lên luống rộng 1,5-1,6m. Mật độ trồng 20.000 cây/ha (mùa khô); 18.000 cây/ha (mùa mưa). Khoảng cách trồng 50cm/cây.
Phân bón (1ha): Phân hữu cơ hoai mục 25 tấn. Đạm urê 300kg. Supe lân 400-500kg. Kali Clorua 300kg. Vôi bột 100kg. Bón lót toàn bộ lượng phân chuồng và phân lân + 20% lượng phân đạm và 30% lượng phân kali.
Bón thúc lần 1 (khi cây bén rễ hồi xanh) 10% lượng phân đạm. Bón thúc lần 2 (khi cây ra nụ) 20% lượng phân đạm + 20% lượng phân kali. Bón thúc lần 3 (khi cây ra quả rộ) 30% lượng phân đạm + 30% lượng phân kali. Bón thúc lần 4 (sau thu hoạch quả lần đầu) 20% lượng phân đạm + 20% lượng phân kali. Bón vôi kết hợp với làm đất nếu pH đất dưới 6.
Tưới nước ngay sau trồng và với các đợt bón phân (đảm bảo độ ẩm đất vườn luôn ở mức 70-75% sức giữ ẩm đồng ruộng). Không để thiếu nước trong giai đoạn cây ra hoa và cho quả. Tỉa bỏ toàn bộ các chồi non ở nách lá bên dưới điểm phân cành đầu tiên (tỉa chồi vào lúc trời nắng ráo). Nhổ tiêu hủy sớm các cây bị nhiễm bệnh. Khi tán đã xòe rộng cần ngắt bỏ (sớm) chỉ để lại những quả ra từ tầng lá thứ 4 trở lên. Cắm cọc chống đổ cho cây ở những vườn ớt sinh trưởng khỏe (sai hoa, nhiều quả).
Phòng trừ sâu bệnh: Ớt là loại quả sử dụng trực tiếp, nên cần tuân thủ nghiêm ngặt qui trình sản xuất rau gia vị an toàn, bao gồm, sử dụng giống sạch bệnh. Trồng cây giống khỏe. Ruộng trồng ớt phải rãi nắng. Không trồng nhiều vụ liên tục trên cùng một chân ruộng. Không luân canh ớt với các cây họ cà như, cà chua, cà tím, cà bát, cà pháo, khoai tây, thuốc lá.
Bón cân đối đạm, lân, kali. Không dùng phân chuồng hoặc nước phân chuồng tươi để tưới/bón cho ớt. Tiêu thoát nước kịp thời khi độ ẩm đất quá cao. Thu gom tiêu hủy hết tàn dư thực vật trước trồng và sau thu hoạch. Cày lật đất và phơi ải sớm. Dùng các chế phẩm Trichoderma bón vào đất trước khi gieo trồng.
Thu hoạch khi quả chuyển màu đỏ ở đỉnh (dùng ăn tươi) và đỏ đều trên quả (dùng để chế biến).
Related news
Ớt là loại gia vị không thể thiếu trong bếp của mỗi gia đình, nó chứa nhiều vitamin A rất bổ cho mắt, vậy tại sao không trồng ớt tại nhà?
Ở Việt Nam việc canh tác ớt chưa được đầu tư thâm canh cao nên năng suất thấp, thường chỉ đạt 800 – 1.000kg/1.000m2.
Sâu hại ớt và biện pháp phòng trị hiệu quả là điều được đặc biệt quan tâm của nhà vườn trồng ớt. Loài cây gia vị này rất thông dụng và mang lại hiệu quả kinh tế