Giống Lúa Lai SL8H-GS9

Với mục tiêu luôn áp dụng TBKT vào sản xuất để tăng cao năng suất chất lượng cây trồng, bước vào đầu vụ mùa này Trạm BVTV & GCT Nghĩa Đàn, Nghệ An đã đưa giống lúa lai SL8H-GS9 vào gieo trồng khảo nghiệm. Kết quả năng suất đã cho thu hoạch được 7,08 tấn/ha, cao hơn giống lúa lai truyền thống 1,74 tấn/ha.
Hội thảo mô hình ngày 20/10/2010 được tổ chức trên đồng đất của xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Đàn đã thu hút hàng trăm cán bộ xã, HTX và bà con nông dân thuộc hai đơn vị ở thị xã Thái Hoà và huyện Nghĩa Đàn. Trạm trưởng Trạm bảo vệ thực vật và giống cây trồng Nghĩa Đàn, ông Nguyễn Viết Trung cho biết: Giống lúa lai 3 dòng SL8H-GS9 được lai tạo bởi tập đoàn SL Agritech Philipines, đơn vị nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam là Cty CP Đại Thành (trụ sở đóng ở Liên Bão - Tiên Du - Bắc Ninh). Giống lúa lai 3 dòng này đã được Bộ NN-PTNT công nhận là giống lúa tạm thời từ tháng 4/2010. Đây là cuộc khảo nghiệm lần đầu tiên tại tỉnh Nghệ An.
Ông Trung tiếp tục cho biết: Giống lúa lai SL8H-GS9 Trạm gieo trồng vào ngày 26/6/2010, với mật độ gieo cấy 40-45 khóm/m2. Giống đối chứng là lúa lai Nhị ưu 838. Trong thời gian gieo cấy, cây lúa gặp phải nắng hạn gay gắt, trong quá trình sinh trưởng thời tiết tiếp tục gây bất thuận nặng nề, sâu bệnh nói chung và sâu cuốn lá nói riêng đã bùng phát trên diện rộng, đến khi lúa trổ bông lại gặp phải mưa lũ. Những yếu tố đó đã làm ảnh hưởng rất lớn tới năng suất và sản lượng cây trồng.
Tuy nhiên qua theo dõi và đánh giá tại ruộng, hội thảo đã đưa ra kết quả: Thời gian sinh trưởng giống lúa SL8H-GS9 tương đương với lúa Nhị ưu 838 (từ 105-106 ngày). Đường kính gốc rạ SL8H-GS9 là 7 mm, Nhị ưu 5 mm. Chiều dài bông SL8H-GS9 23,5cm, Nhị ưu 22 cm. Chiều cao cây lúa SL8H-GS9 115 cm, Nhị ưu 110 cm. Trên thực tế giống lúa SL8H-GS9 đã thể hiện tính nổi trội hơn so với giống lúa Nhị ưu 838 như tính chống đổ khá, chống chịu tốt với điều kiện thời tiết bất thuận, khả năng đẻ nhánh khoẻ, tập trung, từ cấy 1 dảnh/khóm đến thu hoạch có 6 bông hữu hiệu/khóm.
Về sâu bệnh, trong vụ này do thời tiết bất thuận nên giống lúa SL8H-GS9 đã bị nhiễm nhẹ một số bệnh như sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu. Đặc biệt giống lúa mới này có tính chống chịu rất tốt với bệnh bạc lá. Trong lúc đó giống lúa Nhị ưu 838 bị nhiễm nặng sâu cuốn lá và nhiễm nặng bệnh bạc lá. Đối với năng suất, qua thống kê tại các nhóm nông dân kiểm tra trên ruộng khảo nghiệm đã cho thấy giống lúa SL8H-GS9 đã cho thu hoạch được 354 kg/sào (500m2), trong khi đó ruộng đối chứng Nhị ưu 838 chỉ thu được 267kg/sào.
Như vậy trong lần đầu tiên khảo nghiệm giống lúa SL8H-GS9 đã cho năng suất cao hơn giống lúa Nhị ưu 838 là 87 kg/sào(tức là cao hơn 1,74 tấn/ha.) Theo lý thuyết khuyến cáo nếu thời tiết thuận lợi và thâm canh tốt thì năng suất lúa LS8H-GS9 sẽ cho thu hoạch đạt 14 tấn/ha. Về chất lượng, qua sản phẩm do Cty CP Đại Thành cung cấp đã cho thấy giống lúa mới này có hạt gạo dài, cơm dẻo, vị ngọt đậm và mùi thơm đầy hấp dẫn. Theo đó Trạm BVTV & GCT Nghĩa Đàn đã lập kế hoạch tiếp tục nhân rộng vùng khảo nghiệm, để khẳng định tính ưu việt của lúa lai SL8H-GS9.
Related news

Giống Lúa PĐ211 được chọn tạo bằng phương pháp lai hữu tính từ tổ hợp lai Sahel 108/P6 với sự trợ giúp của kỹ thuật nuôi cấy bao phấn, quá trình chọn lọc theo định hướng thâm canh, có chất lượng dinh dưỡng và thương phẩm tốt (Sahel 108 là giống lúa chịu hạn và P6 là giống lúa thâm canh có hàm lượng protein cao).

Trong khuôn khổ dự án “Xây dựng mô hình nhân nhanh giống mía mới cấy mô”, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN (Sở KH-CN tỉnh Bình Định) vừa khảo nghiệm thành công 2 giống mía mới cấy mô cao sản K95-156 và Suphunburi 7, năng suất chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh khá, tương đối phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Bình Định.

Nhóm chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Sinh học Nông nghiệp quốc gia (NIAS) ở Tsubaka, Nhật Bản đã lai tạo được một giống lúa mới với rễ sâu có thể duy trì được năng suất cao ngay cả trong thời tiết hạn hán.

Trung tâm Giống Nông nghiệp Đồng Tháp vừa thực hiện lai tạo thành công bộ giống lúa mới triển vọng vụ Hè Thu 2013 trong đó nổi bật là giống ĐTS 9, có thể thay thế các giống lúa có phẩm chất kém đang được trồng phổ biến hiện nay.

Giống đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống quốc gia năm 2009 trên toàn quốc và đoạt giải Nhất Hội thi sáng tạo kỷ thuật toàn quốc năm 2010.