Giống đậu cô ve leo siêu cao sản VC5
Giống đậu cô ve leo siêu cao sản VC5 do Bộ môn Cây thực phẩm, Viện Cây lương thực - Cây thực phẩm chọn lọc thành công từ tập đoàn giống đậu cô ve nhập nội.
Đậu cô ve leo CV5 năng suất, chất lượng cao
Giống đã được phổ biến ra sản xuất diện rộng từ tháng 1/2018.
Đặc điểm: Thời gian sinh trưởng 85 - 95 ngày. Khả năng sinh trưởng phát triển tốt. Thân cây màu tím. Lá xanh đậm. Hoa trắng phớt tím. Hạt màu tím đậm. Chiều dài thân chính 3,5 - 4,5m, đốt thân ngắn, ra hoa sớm, tập trung. Quả dài 18 - 23cm, chiều rộng quả 1,4 - 1,8cm, ít hạt (trung bình mỗi quả có 8 - 9 hạt), ruột đặc, vỏ nhẵn màu xanh non, hấp dẫn, ăn giòn đậm hơn các giống đậu cô ve khác.
Giống đậu cô ve leo VC5 rất sai quả. Quả ra thành từng chùm, mỗi chùm có 3 - 5 quả. Nếu thu quả đúng tiêu chuẩn sẽ quả kéo dài thời gian thu hoạch tới 35 - 45 ngày. Năng suất rất cao, bình quân đạt 22 - 24 tấn quả/ha.
Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:
Thời vụ (các tỉnh miền Bắc): Vụ xuân hè gieo từ 20/1 - 15/2. Vụ thu đông gieo 25/8 - 15/9. Vụ đông xuân gieo 5/10 - 15/11.
Làm đất, lên luống: Đậu cô ve leo VC5 có thể gieo trồng trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng tốt nhất trồng trên đất phù sa sông, hoặc đất thịt nhẹ, giàu dinh dưỡng, pH từ 6 - 6,5. Cày phơi ải đất 12 - 15 ngày, sau đó làm nhỏ, lên luống cao 25 - 30cm, rãnh rộng 30cm, mặt luống rộng 60 - 80cm, gieo 1 hàng/luống, sau cắm 2 luống kép/1 giàn hoặc luống rộng 1,5 - 1,8m thì gieo 2 hàng/luống và cắm 1 luống/giàn. Gieo hạt theo hốc cách nhau 35 - 40cm, để 2 cây/hốc và hàng x hàng 1,2 - 1,3m, sau gieo lấp đất phủ kín hạt.
Phân bón (cho 1ha): 20 tấn phân hữu cơ hoai mục + 120kg N + 100kg P2O5 + 120kg K2O, tương đương 20 tấn phân hữu cơ mục + 260kg đạm ure + 500kg lân supe + 200kg kaliclorua hay 20 tấn phân hữu cơ + 50kg đạm tưới ban đầu + 500kg NPK (13:13:13-TE) dùng bón/tưới thúc.
Cách bón: Bón lót toàn bộ phân lân, phân hữu cơ, 1/2 lượng đạm, 1/2 lượng kali hoặc 1/2 lượng NPK. Bón thúc hết số phân còn lại khi cây bắt đầu ra hoa rộ. Có thể bón phân qua lá khi vườn cây sinh trưởng kém.
Chăm sóc khác: Duy trì độ ẩm đất 70% trong ruộng đậu, đặc biệt đảm bảo nước cho cây vào các thời kỳ cây ra hoa và nuôi quả lớn. Chú ý tiêu thoát nước kịp thời, không để cây bị úng ngập do mưa lớn kéo dài. Khi cây có 5 - 6 lá thật thì tiến hành cắm giàn theo kiểu chữ A hoặc chữ X, cần làm giàn cao 2,5 - 3m cho cây leo thì mới đạt năng suất cao. Ngắt bỏ sớm các lá già, lá bị sâu bệnh hại nặng, để tạo độ thông thoáng cho ruộng đậu, gia tăng năng suất.
Phòng trừ sâu bệnh: Đậu cô ve leo nói chung, thường bị một số sâu bệnh hại chính như, rệp, ruồi đục lá, sâu đục quả, nhện đỏ, bệnh lở cổ rễ, bệnh thán thư, bệnh, phấn trắng. Cần xử lý triệt để sâu bệnh ở giai đoạn cây con. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc vi sinh, thảo mộc. Phun phòng khi vết bệnh mới phát sinh, phun trừ khi sâu non tuổi nhỏ. Không luân canh đậu cô ve với các cây trồng cùng họ (bầu, bí, mướp, cà bát, cà pháo...). Thu gom tiêu huỷ triệt để tàn dư thực vật trước và ngay sau vụ thu hoạch.
Thu hoạch quả phải đảm bảo đủ thời gian cách ly sử dụng thuốc BVTV và phân đạm để sản phẩm đạt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thu hoạch 1 - 2 lần/ngày, hái quả đúng độ chín (khi vết hạt hiện rõ trên thân quả), không thu quả già, chất lượng quả sẽ kém và giảm năng suất.
Địa phương đã áp dụng thành công: Đậu cô ve leo VC5 đã trồng đạt hiệu quả cao trên diện rộng tại các tỉnh, thành phố như Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội và Hải Phòng.
Related news
Đậu cô ve vàng là loại đậu tính ôn, có tác dụng nhuận tràng, bồi bổ nguyên khí. Đậu cô ve vàng không chỉ có chứa nhiều nguyên tố vi lượng như là protein, canxi, sắt, mà còn có nhiều kali, magie, ít natri. Do đó rất thích hợp với những người cần phải ăn uống ít natri như bị tim, thận, cao huyết áp. Khi ăn cần chú ý nấu chín, nếu không dễ bị ngộ độc.
Thời vụ: Vụ sớm gieo hạt vào cuối tháng Giêng đến giữa tháng 2, muộn hơn gieo vào cuối tháng 2 đến đầu tháng 3. Theo chúng tôi gieo đậu ở vụ muộn nên chọn giống đậu côve lùn.
Đậu cô ve kháng bệnh tốt, dạng leo, hạt trắng, da xanh trung bình, thịt dầy, ít xơ, hạt nhỏ, trái dài 16-18cm, đường kính 0,6-0,7cm.
Đậu cô ve leo thuộc nhóm cây chịu lạnh. Nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng, phát triển và tạo quả 18o – 22oC. Tuy nhiên, ở nhiệt độ thấp hơn (8o – 10oC) cây vẫn chưa bị tổn thương như đậu tương hoặc đậu vàng. Đậu cô ve leo (đậu trạch, đậu bở, đậu trạch lai) là cây ưa ánh sáng, do vậy rất cần giàn để leo. Cây có bộ rễ lớn ăn sâu nên khả năng chịu hạn khá.
1 - Thời vụ, giống - Vụ đông xuân: Gieo trồng từ 15/10-15/11. - Vụ xuân hè: Gieo trồng từ 20/1-15/2.