Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giống bơ ghép cháy hàng

Giống bơ ghép cháy hàng
Publish date: Saturday. September 5th, 2015

Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng chuẩn bị bơ giống cho niên vụ 2016

“Sốt” giống bơ ghép đầu dòng!

Hiện nay, tại Lâm Đồng đang có nhiều giống bơ ghép đầu dòng cho năng suất, chất lượng tốt và mang lại hiệu quả cao cho người nông dân. Những năm gần đây, nhu cầu trồng bơ không ngừng tăng lên, tạo thành một “cơn sốt” cây giống. Sau nhiều ngày đến các trung tâm và cơ sở sản xuất giống bơ ghép đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) công nhận là cây đầu dòng tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm thì hầu hết đều thông báo là hết hàng để bán.

Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng (51 Hà Giang, TP Bảo Lộc) là địa chỉ tin cậy số 1 của bà con nông dân. Ngoài việc sản xuất các loại giống chè, cà phê, sầu riêng…, thì bơ ghép cũng là cây giống đang được Trung tâm chú trọng sản xuất. Ông Trần Minh Điện, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Trung tâm đang sở hữu một vườn bơ đầu dòng có diện tích hơn 2 sào với 21 dòng bơ đã được Sở NN - PTNT Lâm Đồng công nhận là cây đầu dòng, chuyên lấy chồi sản xuất giống”.

Cũng theo ông Điện, Trung tâm có các giống bơ ghép như BLĐ/004, BLĐ/005, BLĐ/007, BLĐ/011, BLĐ/018, BLĐ/033, CĐD.BO.43.01 (cây bơ 36),CĐD.BO.43.02 (cây bơ 34)... đã và đang được người dân lựa chọn trồng nhiều nhất. Từ năm 2014 trở về trước, trung bình mỗi năm, Trung tâm sản xuất từ 14 - 16 ngàn cây bơ giống và giá bán cũng chỉ ở mức từ 35 - 40 ngàn đồng/cây.

Riêng năm nay, con số đó đã tăng lên 22 ngàn cây và giá bán đạt tới mức từ 45 - 60 ngàn đồng/cây. Do giống bơ ghép đang “sốt”, nên chỉ trong vòng hơn 1 tháng (từ đầu tháng 6 đến đầu tháng 7), Trung tâm đã xuất bán hết.

Tại huyện Bảo Lâm, Trang trại cây giống Trung Hiếu (đóng tại thôn Tiền Yên, xã Lộc Đức) cũng là một địa chỉ sản xuất giống bơ có uy tín. Ông Nguyễn Đăng Trung, Chủ Trang trại Trung Hiếu, cho biết: Hiện nay, trang trại của ông đang có 2.500 cây bơ trồng xen với 10ha cà phê và đã cho thu hoạch; trong đó, có 3 giống bơ ghép BLD/05, BLD/034 và BLD/036 được Sở NN - PTNT công nhận cây bơ đầu dòng để sản xuất giống.

Năm nay, trang trại của ông đã sản xuất được khoảng 60 ngàn cây bơ giống, nhưng đã bán hết ngay từ đầu mùa mưa với giá từ 40 - 50 ngàn đồng/cây.

Theo kế hoạch, trong mùa mưa năm 2016, Trang trại Trung Hiếu sẽ sản xuất khoảng 100 ngàn cây bơ giống để cung cấp cho người dân. Tương tự, tại các cơ sở sản xuất giống bơ đã được Sở NN - PTNT công nhận cây bơ đầu dòng, như: Hòa Linh (phường Lộc Phát), Xuân Bách (phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc), Bùi Văn Chính (thôn 12, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) và Cơ sở cây giống Trung Thành (xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm)… đều đã bán hết giống bơ ghép từ cuối tháng 7 vừa qua.

Mối lo giống bơ ghép không rõ nguồn gốc!

Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù tại các cơ sở sản xuất giống bơ có uy tín tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm đã hết cây giống để bán, nhưng nhu cầu của người dân thì vẫn còn rất lớn.

Nắm bắt được điều này, nhiều cơ sở sản xuất giống tư nhân đã vận chuyển cây bơ giống từ các tỉnh miền Tây, như: Sóc Trăng, Tiền Giang, Bến Tre… về bán cho người dân tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, nhưng hầu hết chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận là cây đầu dòng. Chính vì thế, chất lượng bơ giống như thế nào đang là câu hỏi đặt ra đối với cơ quan chức năng và người dân địa phương.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, tại một số cơ sở kinh doanh cây giống tư nhân, như: Phố Hoa, Ba Thiện (phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc), Hạnh Nhơn, Thanh Huệ (thôn 4, xã Lộc An, Huyện Bảo Lâm)… thì cây bơ giống họ đang bán đều được chuyển từ miền Tây lên. Trong đó, tại xã Lộc An (huyện Bảo Lâm) đang có khoảng 10 cơ sở kinh doanh, buôn bán các giống bơ do miền Tây sản xuất.

Hiện, giá bơ giống miền Tây dao động từ 20 - 28 ngàn đồng/cây (chỉ bằng một nửa giá các giống bơ đầu dòng do Lâm Đồng sản xuất). Họ còn tiết lộ, ở miền Tây không trồng bơ, nên chồi ghép cây giống được lấy từ các vườn bơ của người dân ở 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắc Lắc.

Nói về vấn đề này, ông Đậu Văn Xuân, Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Bảo Lâm, cho biết: “Tính đến nay, Bảo Lâm đã có trên 1.000ha bơ ghép được người dân trồng xen với cây cà phê; trong đó, có hơn 300ha được trồng mới trong năm 2015. Qua khảo sát, bơ đang là 1 trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương.

Trong 2 năm trở lại đây, người dân địa phương đang chú trọng phát triển cây bơ trồng xen với cây cà phê để tăng thu nhập. Tuy nhiên, bơ là cây trồng lâu năm và phải mất ít nhất 4 năm mới cho thu hoạch.

Vì thế, người dân nên cẩn trọng tìm đến các cơ sở sản xuất giống có uy tín để chọn những giống bơ có nguồn gốc rõ ràng nhằm tránh hiện tượng trồng rồi phải chặt bỏ, gây thiệt hại kinh tế về sau”.


Related news

Cơ Hội Tăng Thu Nhập Từ “Gạo Cát Tiên” Cơ Hội Tăng Thu Nhập Từ “Gạo Cát Tiên”

Ở Lâm Đồng, “Gạo Cát Tiên” là sản phẩm lúa gạo duy nhất được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền. Đó là loại gạo được sản xuất từ giống lúa OM 4900.

Thursday. May 24th, 2012
Ông Cảnh Nuôi Nai Thoát Nghèo Ông Cảnh Nuôi Nai Thoát Nghèo

Ông Trịnh Cảnh ở thôn Đại Phú, xã Hòa Quang Nam (Phú Hòa, Phú Yên) là một trong những người đi đầu trong việc chuyển đổi từ nuôi heo và bò sang nuôi nai, nhờ vậy mà kinh tế gia đình ông ngày càng khá hơn.

Tuesday. July 31st, 2012
Đa Dạng Đối Tượng Trong Nuôi Trồng Thủy Sản Ở Thái Bình Đa Dạng Đối Tượng Trong Nuôi Trồng Thủy Sản Ở Thái Bình

Sau 2 tháng xuống giống nuôi trồng thủy sản (NTTS) nước lợ vụ xuân hè năm 2012, hầu hết tôm cá nuôi tại ao, đầm của Thái Thụy (Thái Bình) đều sinh trưởng và phát triển tốt. Sau những vụ “độc canh” con tôm sú gặp rủi ro, “thất bát” vì dịch bệnh, năm nay nông dân bước đầu chuyển hướng đầu tư, đa dạng hoá đối tượng nuôi thả, chú trọng khâu cải tạo ao đầm, kỹ thuật chăm sóc… quyết tâm giành vụ NTTS thắng lợi cả về sản lượng và giá trị thu nhập.

Wednesday. May 16th, 2012
Nông Dân Lý Sơn Thu Lãi Cao Từ Dưa Hấu Nông Dân Lý Sơn Thu Lãi Cao Từ Dưa Hấu

Sau hành, tỏi, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) còn nổi tiếng với dưa hấu. Dưa hấu trồng ở đảo này có vị thơm ngon đặc biệt nên được thị trường ưa chuộng, giúp hàng trăm nông dân Lý Sơn có thêm nguồn thu nhập.

Thursday. May 24th, 2012
Khá Lên Nhờ Nuôi Dê Khá Lên Nhờ Nuôi Dê

Từng là một đội viên du kích, xã đội trưởng gan dạ, dũng cảm trong kháng chiến chống Mỹ, sau ngày thống nhất đất nước, người thương binh ¼ Nguyễn Văn Hồng được điều động vào đội công tác của tỉnh Quảng Nam bổ sung cho đội ngũ cán bộ cốt cán xây dựng điểm kinh tế mới Cư Phiăng, xã Hòa Phong (Krông Bông). Ở quê hương mới, ông Hồng từng đảm nhiệm công tác Đoàn, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Sơn Phong, sau đó công tác tại Công ty Vật tư Nông nghiệp huyện Krông Bông và về nghỉ mất sức năm 1986 vì lý do sức khỏe.

Tuesday. August 7th, 2012