Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gian nan nghề muối

Gian nan nghề muối
Publish date: Saturday. August 1st, 2015

Mùa muối thường bắt đầu từ tháng 3, thời điểm chính vụ vào các tháng 4, 5, 6 kéo dài sang tận tháng 9, 10. Thời gian này, diêm dân đổ ra ruộng muối như trẩy hội. Vừa thoăn thoắt múc nước cái bằng bầu, tay trang ra các ô nề muối, bà Vũ Thị Tong ở xóm Nam Giang, xã Hải Đông (Hải Hậu) cho biết: “Có lẽ chẳng có nghề nào vất vả, gian truân hơn nghề muối của chúng tôi. Lúc nắng to nhất cũng chính là lúc chúng tôi phải tập trung dồn sức cho vụ muối”.

Hiện tại, 4 lao động chính của gia đình bà đang tập trung sản xuất trên diện tích 9 sào muối. Bình thường diêm dân thường bắt đầu công việc từ lúc 4-5h sáng để xe cát chờ nắng lên. Cát mặn đã phơi dưới nắng mặt trời được trải vào đồng rồi được tưới nước biển dẫn từ mạng lưới kênh xương cá để lọc sạch và làm tăng độ mặn của nước biển.

Cát biển liên tục được diêm dân sử dụng trang để rải và san mịn trên bề mặt ruộng. Sau đó, cát được đưa vào máng trạc để lọc lần 1 lấy nước con; từ nước con sẽ múc sang các ống thống tròn (làm phên nứa đan tròn và bồi vôi) chứa để hôm sau lắng lấy nước cái; cuối cùng nước cái được múc đổ vào các ô nề và nhờ nắng, gió kết tinh thành những hạt muối. Bà Tong cho biết: “Nắng to, bình quân chỉ cần 7h-10h là cả ruộng muối có thể kết tinh, nhưng có ngày trời âm u thì lượng muối được kết tinh ít hơn. Cao điểm vụ muối, mỗi ngày gia đình tôi thu được 400kg muối. Hiện tại, giá muối thô thấp, chỉ từ 1.000-1.200 đồng/kg. So với công sức bỏ ra của diêm dân đúng là như “muối bỏ bể”. Bên cạnh sự vất vả, nghề làm muối còn lắm rủi ro.

Diêm dân luôn coi mỗi ngày làm việc là một phen “đánh bạc với trời”. Trong khi người khác tìm chỗ trú, tránh cái nắng gay gắt, diêm dân lại gồng mình sản xuất. Nắng càng to, diêm dân càng mừng nhưng khi chỉ có vài giọt mưa làm giảm sút độ mặn của nước biển thì phải mất 2-3 ngày, thậm chí cả nửa tháng sau, khi có nắng, diêm dân mới có thể tiếp tục công việc sản xuất. Trong khoảng thời gian chờ thu hoạch, diêm dân phải thường xuyên túc trực bên ruộng để kiểm tra chất lượng, tránh cho muối không bị lẫn tạp chất. Nghề làm muối sợ nhất những cơn mưa bất chợt, nhất là vào cuối ngày, khi hạt muối đã cơ bản thành hình. Chỉ một cơn mưa, công sức của diêm dân bao ngày nhọc nhằn trên đồng ruộng sẽ tan thành bọt nước, đổ sông, đổ bể mà không có cách nào cứu vãn.

Muối không như những hàng hóa khác, người sản xuất không thể để dành hay “ém hàng” chờ giá mà phải bán luôn sau khi thu hoạch vừa để nhường ruộng sản xuất những mẻ muối sau, vừa vì không có cách nào giữ muối khỏi tan nếu bị mưa hoặc gió táp. Gặp hôm mưa bão là diêm dân phải “treo ruộng”(!). Sự vất vả, gian nan của nghề muối không chỉ in dấu trên những tấm áo đầm đìa mồ hôi, trên những đôi vai, tấm lưng như muốn còng đi vì mệt nhọc mà còn để lại dấu ấn trên bàn tay diêm dân bằng những mảng chai tay màu vàng trầm đục pha trộn với màu hồng của da non chưa kịp lành do muối biển luôn ăn mòn.

Nghề muối nhọc nhằn là vậy, nhưng sản phẩm làm ra luôn thường xuyên đối mặt với tình trạng “được mùa, mất giá”. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ nhiệm HTX Đông Hải, xã Hải Đông (Hải Hậu) cho biết, nhiều năm nay, HTX đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức thu mua muối ngay từ đầu vụ để giúp diêm dân an tâm bám nghề. Hiện tại, 10/14,5ha muối sạch của HTX đã được Cty CP Muối và Thương mại Nam Định ký hợp đồng tiêu thụ; mức giá thu mua muối sạch là 1.500 đồng/kg.

Đến nay, HTX đã sản xuất và bán cho Cty được hơn 273 tấn muối biển nhạt Royal. Toàn bộ các hệ thống thống, chạt được Cty hỗ trợ thay thế bằng bình chứa, bình lọc nhựa tổng hợp với hệ thống lọc tiên tiến bằng than hoạt tính và cát sỏi, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia. Bên cạnh đó, HTX chủ động phối hợp Cty TNHH một thành viên KTCTTL huyện cải tạo hệ thống kênh cấp 1, 2, 3 đảm bảo dẫn nước biển tới tận các ruộng muối. Thời gian tới, Cty sẽ đầu tư xây dựng kho muối với sức chứa hơn 400 tấn để tiện thu mua muối cho bà con diêm dân.

Không chỉ ở xã Hải Đông, các xã ven biển chuyên sản xuất muối như Hải Chính, Hải Lý, Hải Triều, Nghĩa Phúc đều chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như thay thống, chạt truyền thống bằng nhựa và tăng diện tích sử dụng ô nề kết tinh trải bạt nhựa, mở rộng diện tích sản xuất muối sạch; nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm muối, hướng tới muối phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Sở NN và PTNT phối hợp với các ngành, các địa phương hỗ trợ tạo điều kiện cho diêm dân vay vốn cải tạo hạ tầng ruộng muối, hỗ trợ về kỹ thuật đảm bảo diện tích muối bền vững hằng năm đạt 600ha. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia tiêu thụ muối cho diêm dân, củng cố mối quan hệ bền vững dựa trên cơ chế chia sẻ lợi ích thông qua chuỗi giá trị giữa diêm dân - HTX - doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Rời cánh đồng muối, chúng tôi canh cánh một nỗi niềm, bao giờ “quà của biển” mới đem lại “vị ngọt” cho diêm dân.


Related news

Thanh Long Ruột Đỏ Đạt Chuẩn VietGAP Thanh Long Ruột Đỏ Đạt Chuẩn VietGAP

Sau thời gian ứng dụng quy trình sản xuất trái cây sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, Sở Khoa học - công nghệ Trà Vinh vừa trao giấy chứng nhận VietGAP cho 14 hộ nông dân trồng thanh long ruột đỏ của Hợp tác xã thanh long ruột đỏ Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh với tổng diện tích hơn 24ha.

Saturday. May 24th, 2014
Hỗ Trợ Kiên Giang Phòng, Chống Dịch Bệnh Tôm Nuôi Hỗ Trợ Kiên Giang Phòng, Chống Dịch Bệnh Tôm Nuôi

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 30 tấn hóa chất sát trùng Chlorine thuộc hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh Kiên Giang phòng, chống dịch bệnh tôm nuôi.

Sunday. May 25th, 2014
Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Diễn Biến Phức Tạp Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Diễn Biến Phức Tạp

Bao gồm: Triệu Vân, Triệu An, Triệu Lăng, Triệu Phước (huyện Triệu Phong); Hải An, Hải Khê (huyện Hải Lăng); Trung Hải, Trung Giang, TT. Cửa Việt (huyện Gio Linh) và Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thái, Vĩnh Thành, Vĩnh Thạch (huyện Vĩnh Linh).

Sunday. May 25th, 2014
Mô Hình Nuôi Cá Lồng Bè Lãi Cả Trăm Triệu Mô Hình Nuôi Cá Lồng Bè Lãi Cả Trăm Triệu

Kiên Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL có số lượng nuôi cá lòng bè trên biển lớn nhất, tập trung nhiều nhất là huyện Kiên Lương, Kiên Hải, Phú Quốc và thị xã Hà Tiên. Mỗi năm đóng góp sản lượng cá nước mặn lên hàng triệu tấn tiêu thụ trong nước và phục vụ nhu cầu XK rất lớn.

Sunday. May 25th, 2014
Nuôi Bò Hiệu Quả Kinh Tế Cao Nuôi Bò Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Những năm gần đây, người chăn nuôi tỉnh Tiền Giang phát triển mạnh mô hình chăn nuôi bò (bò thịt và bò sữa). Hằng năm, Tiền Giang có hàng trăm hộ gia đình thoát nghèo nhờ được hỗ trợ vốn chăn nuôi và phát triển đàn bò...

Sunday. May 25th, 2014