Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giấm vải Lục Ngạn đi Tây

Giấm vải Lục Ngạn đi Tây
Publish date: Monday. November 30th, 2015

Xưởng sản xuất giấm vải Lục Ngạn của chị Ngân vào những ngày này luôn tấp nập, nhộn nhịp người ra vào.

Ngoài thời gian lên lớp, chị đi lại như con thoi, hết lên xưởng rồi về nhà gặp các đối tác.

Công việc vất vả, nhưng chị rất vui vì năm nay chị đã mua được 100 tấn vải tươi giúp bà con Lục Ngạn để lên men rồi sản xuất giấm vải trong cả năm. Cách làm của chị Ngân đã và đang mở ra một hướng mới trong việc tiêu thụ sản phẩm vải cho bà con huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Trả công cho quê hương vải

Chị Ngân quê ở Tiên Sơn, Bắc Ninh.

Năm 1993, chị về làm dâu đất Chũ – vựa vải của miền Bắc.

Duyên nghề đưa đẩy, chị chuyển luôn công tác về Trường THCS thị trấn Chũ.

Chị Ngân dạy môn hóa học.

Sống ở Chũ, chị được thưởng thức giống vải thiều ngon trứ danh đất Bắc.

Tuy nhiên, mỗi khi bà con được mùa, chị lại chạnh lòng vì vải ngon, ngọt là vậy mà bà con bán giá bèo.

Những ngày chính vụ, nhiều nhà còn không bán được vải.

Bao mùa vải cứ lặng lẽ trôi qua mà cuộc sống của người trồng vải vẫn còn muôn phần gian khó.

Trên lớp học, chị Ngân dạy các học sinh của mình những phản ứng hóa học, rồi cả những công thức cao siêu, nhưng thực tế chưa một nhà nghiên cứu nào giúp bà con bảo quản quả vải.

“Từng quả vải đỏ, to, tròn, căng mọng bị bỏ rụng ở gốc cây khiến tôi chạnh lòng” - chị Ngân nhớ lại.

Điều đó như thôi thúc chị Ngân phải làm một việc gì đó giúp bà con tiêu thụ vải.

Vốn là giáo viên dạy môn hóa học, chị chịu khó mày mò ứng dụng những kiến thức mà mình đã lĩnh hội được vào cuộc sống của gia đình.

Trong đó có việc chị ủ vải để làm giấm.

Ngày ngày chị miệt mài làm đi làm lại nhiều lần.

“Có những đêm trằn trọc không ngủ được, tôi đã vùng dậy để thử nghiệm.

Hết lần này đến lần khác, biết bao lần thất bại, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm lại từ đầu, rồi cuối cùng tôi cũng tìm ra công thức đúng nhất” - chị Ngân nhớ lại.

Năm 2013, sản phẩm giấm vải được chiết xuất thành công.

Đến giờ chị Ngân vẫn còn nhớ như in ngày đầu nếm thử sản phẩm giấm vải do chính mình làm ra: “Giấm có mùi thơm dìu dịu của hương vải thiều đất Chũ.

Vị giấm cũng rất độc đáo mang hương vị thanh, chua, mát độc đáo của miền đồi”.

Chị mời các thành viên trong gia đình dùng thử, ai cũng khen ngon và có mùi vị rất đặc trưng mà các loại giấm khác không có được.

Thời gian đầu, chị làm giấm để phục vụ gia đình.

Sau đó, chị mang giấm cho các đồng nghiệp và bà con quanh vùng dùng thử.

Ai cũng khen ngon.

Tiếng lành đồn xa, chẳng mấy chốc sản phẩm giấm vải của chị đã lan ra toàn tỉnh Bắc Giang.

Được mọi người động viên, chị mạnh dạn sản xuất nhiều hơn để bán cho các đại lý.

Người tiêu dùng nơi nào cũng có phản hồi rất tốt về sản phẩm giấm vải Lục Ngạn này.

Tuy nhiên, sản phẩm làm ra khó bao nhiêu, lúc phân phối còn gian nan hơn nhiều lần.

Đây là sản phẩm mới, không dễ chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.

Trong khi đó, với việc sản xuất nhỏ lẻ, cơ sở vẫn chưa có lãi.

Từ một nhà giáo giáo sớm khuya với đám học trò, nay kiêm thêm cả “giám đốc” tiếp thị khiến chị mệt bở hơi tai.

Có những lúc hàng bị đình đốn, đi bỏ mối đều bị từ chối, chị Ngân đã nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.

Tuy nhiên, cứ đến mùa hè, vải lại chín nhuộm đỏ vùng đất đồi.

Nhìn bà con nông dân một nắng hai sương vất vả mới làm ra quả vải, không bán được hàng, chị lại tự hứa với lòng mình phải vượt qua gian khó.

Chỉ có cách phải đưa vải vào chế biến mới hy vọng tiêu thụ được nông sản cho bà con.

Xuất khẩu giấm vải

Thành công nối tiếp thành công khiến chị Ngân rất vui.

Chồng chị là anh Nguyễn Trường Giang cũng hết lòng ủng hộ chị.

Anh Giang luôn dành thời gian giúp vợ mở rộng sản xuất.

“Tôi là người Chũ nên tôi hiểu tấm lòng mà vợ tôi dành cho quê hương của chồng.

Bán được nhiều giấm là góp phần tiêu thụ vải cho bà con, nên vợ chồng tôi càng quyết tâm từng bước cải tiến nhà xưởng rồi cách làm giấm vải” - anh Giang không giấu niềm tự hào về vợ mình.

Ngày ngày chị Ngân vẫn lên lớp dạy học.

Mùa vải chín rơi vào dịp hè, chị cùng các giáo viên trong trường cùng tập trung mua vải cho bà con rồi chuyển về xưởng sản xuất.

Sau mỗi năm qua đi, rất nhiều người ở các nơi, trong đó có các doanh nhân, doanh nghiệp… muốn liên kết cùng chị Ngân mở rộng sản xuất.

Chị Ngân cũng mạnh dạn đưa sản phẩm của mình lên mạng để quảng cáo.

Bà con người Việt sống ở nước ngoài đọc được và họ đã liên hệ với chị Ngân.

Họ tìm cách đưa sản phẩm giấm Việt sang Anh, sang Mỹ, Nhật… Giấm vải Lục Ngạn được người tiêu dùng nước ngoài đánh giá cao.

Niềm vui nối tiếp niềm vui, từ việc chỉ sản xuất với quy mô nhỏ, giờ xưởng sản xuất giấm vải của chị Ngân đã được mở rộng gấp cả trăm lần so với trước đây.

Đến nay, mỗi tháng chị sản xuất được gần 15.000 lít giấm vải.

“Tôi vẫn chưa muốn dừng lại ở quy mô nhỏ này.

Sau mỗi mẻ ủ giấm, tôi đều cố gắng tìm ra cách làm sao để sản phẩm này được ngon hơn, sạch hơn.

Giấm cũng như rượu càng để lâu càng ngon, giờ tôi đang tìm nơi đặt nhà máy để có thể để men giấm được lâu hơn” - chị Ngân vui mừng cho biết.

Hiện tại, chị Ngân vẫn chưa có lợi nhuận từ việc sản xuất giấm.

Giá bán giấm vải mới chỉ đủ bù cho chi phí.

Dù chưa có lãi, nhưng vợ chồng chị Ngân đang lên kế hoạch mở rộng xưởng sản xuất.

Theo chị Ngân, các đối tác có phản hồi rất tốt về sản phẩm giấm vải.

Họ mong muốn chị mở rộng quy mô lớn hơn nữa.

Vợ chồng chị Ngân đang tìm địa điểm rộng khoảng vài ha để đặt nhà máy vì xưởng sản xuất hiện thời chỉ có 500m2 là quá nhỏ.

Không dừng lại ở sản phẩm giấm vải, vợ chồng chị còn làm thử rượu vải và nước ép vải.

Một công ty ở Bình Thuận đã đồng ý liên kết với vợ chồng chị Ngân để làm nước ép vải xuất khẩu.

Kế hoạch này đang diễn ra suôn sẻ.

“Dự kiến khi nhà máy mới hoàn thành, mỗi năm cơ sở của tôi sẽ tiêu thụ 5.000 tấn vải cho bà con.

Đây là điều tôi mong muốn nhất” - chị Ngân cho biết.

Hữu xạ tự nhiên hương

Công việc kinh doanh bận rộn là vậy, nhưng chị Ngân vẫn thu xếp thời gian lên lớp “gõ đầu trẻ”.

Chị tâm sự rằng, đó là cái nghề chị gắn bó suốt 21 năm qua.

Được góp phần truyền thụ kiến thức cho trẻ em nơi đây, được giúp bà con tiêu thụ vải là điều chị luôn luôn mong mỏi và cống hiến hết mình.

Để tiêu thụ được sản phẩm, chị Ngân đã thành lập trang web giới thiệu sản phẩm.

Qua kênh phân phối thông minh này, nhiều khách hàng đã biết đến chị.

Năm 2015, chị Ngân liên tục đón nhận tin vui, các siêu thị lớn như V+, hệ thống phân phối Vinmax và cả một số đối tác trong TP.Hồ Chí Minh mong muốn hợp tác với chị.

Khách hàng tìm đến, họ rất hài lòng về chất lượng sản phẩm.

Hiện chị Ngân đang hoàn thiện các thủ tục và nâng cao chất lượng sản phẩm để đưa hàng vào siêu thị.

Không chỉ khách hàng trong nước tìm đến, các nhà kinh doanh nước ngoài cũng lên kế hoạch hợp tác để bán giấm vải Kim Ngân.

Chị Ngân kể, vừa rồi đoàn chuyên gia về công nghệ lên men của Trường Đại học AgroSup Dijon (Pháp –liên kết đào tạo sinh viên Trường Đại học Bách khoa về công nghệ lên men) đến tận xưởng xem quy trình sản xuất giấm vải.

Họ rất thán phục về cách làm của chị.

Họ nếm thử giấm vải và nhận xét vị giấm vải rất độc đáo.

Tận mắt chứng kiến sự sáng tạo của người con gái Kinh Bắc, vị trưởng đoàn của Trường AgroSup Dijon đã khen ngợi chị là “người phụ nữ thần đồng”.

Bạn đọc gửi bài dự thi theo địa chỉ: ntnnhn@gmail.com hoặc: thiviettuhaondvn@danviet.vn


Related news

Giống Lúa Chất Lượng Cao Nâng Hiệu Quả Mô Hình Tôm Lúa Giống Lúa Chất Lượng Cao Nâng Hiệu Quả Mô Hình Tôm Lúa

Huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) là huyện chuyên sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Toàn huyện có 1.038 ha nuôi tôm thâm canh và 2.046 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến, trong đó, xã Phú Tân là xã chuyên ngư có 410 ha nuôi tôm thâm canh, 2006 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến; xã Phú Đông có 280 ha nuôi thủy sản.

Tuesday. July 24th, 2012
Hiệu Quả Từ Cải Tạo Vườn Tạp Hiệu Quả Từ Cải Tạo Vườn Tạp

Những năm gần đây, nhiều bà con nông dân ở huyện Châu Thành A (Hậu Giang) đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn trái. Trong đó, xoài cát Hòa Lộc luôn được người dân ưu tiên lựa chọn.

Tuesday. July 24th, 2012
Nuôi Thí Điểm Cá Điêu Hồng Ở Lòng Hồ Thủy Điện Sông Tranh 2 Nuôi Thí Điểm Cá Điêu Hồng Ở Lòng Hồ Thủy Điện Sông Tranh 2

Ngày 24.7, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) tổ chức thả 20 nghìn con cá giống điêu hồng tại 4 lồng bè nuôi cá thí điểm tại khu vực đập phụ, cửa xả nước Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 (thuộc thôn 3, xã Trà Đốc).

Sunday. July 29th, 2012
Chăn Nuôi An Toàn Sinh Học Để Phát Triển Bền Vững Chăn Nuôi An Toàn Sinh Học Để Phát Triển Bền Vững

Chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) là biện pháp đang được nhiều hộ chăn nuôi áp dụng trước tình hình các loại dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp. Những nguyên tắc đơn giản của phương pháp chăn nuôi ATSH có thể áp dụng đa dạng với quy mô từ nhỏ đến lớn.

Friday. August 3rd, 2012
Mô Hình Nuôi Lươn Hiệu Quả Cho Nhà Nông Mô Hình Nuôi Lươn Hiệu Quả Cho Nhà Nông

Những năm gần đây, phong trào nuôi lươn tại xã Mỹ Hiệp Sơn ngày càng được nông dân chọn làm mô hình kinh tế quan trọng của gia đình, bởi chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi, cho lợi nhuận cao và nhất là giá thị trường rất ổn định. Ông Phạm Văn Ba ngụ ấp Hiệp Thành, xã Mỹ Hiệp Sơn (Hòn Đất - Kiên Giang) là hộ điển hình thành công với mô hình này.

Tuesday. August 7th, 2012