Giảm Ô Nhiễm Môi Trường Chăn Nuôi Bằng Đệm Lót Sinh Học
Xã Minh Lập (Đồng Hỷ - Thái Nguyên) hiện có 31 trại nuôi gà, trung bình mỗi trại nuôi từ 3.000 - 7.000 con/lứa. khoảng 2 năm trở lại đây, một số hộ dân trong địa bàn xã đã áp dụng mô hình chăn nuôi gia cầm trên nền đệm lót sinh học bằng chế phẩm men vi sinh, kết quả cho thấy đây là cách làm khoa học, đem lại hiệu quả tốt hơn so với kiểu nuôi gà truyền thống.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, nuôi gà trên nền đệm lót sinh học là phương pháp sử dụng vi khuẩn lên men có khả năng phân giải mạnh chất hữu cơ và ức chế các vi sinh vật có hại, tiêu hủy phân làm giảm đi các khí độc và mùi hôi trong chuồng. Nguyên liệu được sử dụng làm đệm lót chuồng là mùn cưa hoặc trấu trộn với chế phẩm men vi sinh Bio-TMT.
Để phát huy tối đa tác dụng của phương pháp này, hầu hết các hộ nuôi gà đều áp dụng trên nền chuồng bằng xi măng hoặc bằng gạch. Cách làm đệm lót sinh học cũng không quá cầu kỳ. Đầu tiên, người nuôi gà sẽ dùng 1kg chế phẩm trộn đều với 5-7kg bột ngô hoặc cám gạo, cho thêm từ 2-3 lít nước sạch, trộn đều cho ẩm, sau đó cho vào túi hoặc thùng để vào chỗ mát, ủ trong 2-3 ngày.
Tiếp theo là rải trấu lên toàn bộ nền chuồng với độ dày từ 10 - 20cm rồi mới thả gà vào. Sau 7-10 ngày đối với gà nuôi úm và 2-3 ngày đối với gà nuôi thịt thì tiến hành rắc chế phẩm đã được ủ trước đó lên toàn bộ nền chuồng, lượng rắc khoảng 50-60g chế phẩm/m2. Ngoài ra, để hạn chế tối đa mùi hôi, mỗi tuần 1 lần người nuôi có thể hòa chế phẩm này với nước để phun đều lên toàn bộ diện tích đệm lót.
Những vi khuẩn lên men có trong chế phẩm sẽ giúp phân chuồng tiêu hủy tơi xốp, khô ráo. Nếu đảm bảo điều kiện về độ ẩm và nhiệt độ, các trại nuôi gà có thể hết một lứa gà mới phải thay lớp đệm lót khác. Sau khi bỏ đi, lớp đệm lót được thu gom và bán lại cho các hộ trồng cây ăn quả để bón cây rất tốt.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Minh Lập cho biết: Trước đây, người dân trong xã chỉ vệ sinh trại gà bằng cách rắc vôi bột, phun hóa chất khử trùng và rải trấu nên không khí ở các trại nuôi gà rất ngột ngạt, hôi hám.
Nhưng từ khi một số trại áp dụng việc nuôi gà trên nền đệm lót sinh học thì mùi hôi ở những trại này giảm đi rõ rệt do men vi sinh đã tiêu hủy phân gà, môi trường bớt bị ô nhiễm khiến cho gà sinh trưởng tốt hơn, ít bị nhiễm bệnh. Thời gian đầu, trong xã chỉ có 1 trại gà được nuôi thử nghiệm theo cách làm này nhưng đến nay toàn xã đã có 10 trại sử dụng đệm lót sinh học.
Để thấy được hiệu quả của việc nuôi gà bằng phương pháp mới này, chúng tôi đã đến trại gà của gia đình anh Nguyễn Văn Kiên, ở xóm Theo Cày. Với diện tích trên 500m2, mỗi năm anh Kiên nuôi 2 lứa gà hậu bị với quy mô 4.000 con/lứa. Đầu năm 2012, anh được cán bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn nuôi gà trên nền đệm lót sinh học, sau khi nuôi thử nghiệm 1 lứa gà, thấy được hiệu quả, anh Kiên đã duy trì phương pháp nuôi gà này từ đó cho đến nay.
Trò chuyện với chúng tôi, anh cho biết: Trước đây, nhà tôi nuôi gà theo cách truyền thống thì vài ngày tôi lại phải thay trấu 1 lần, vì vậy công việc dọn chuồng rất vất vả, nhất là mùi hôi thối từ chất thải không những gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ xung quanh.
Nhưng khi tôi áp dụng phương pháp chăn nuôi trên đệm lót sinh học thì vấn đề môi trường được cải thiện một cách đáng kể, việc dọn chuồng cũng nhẹ nhàng hơn vì 4 tháng tôi mới phải thay đệm lót chuồng mới cho gà. Số đệm lót chuồng cũ tôi để bán, trừ chi phí còn được lãi gần 2 triệu đồng…
Ngoài những ưu điểm trên thì việc sử dụng chế phẩm men vi sinh để nuôi gà còn có ưu điểm là tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi, phòng ngừa các bệnh đường tiêu hóa, giảm mùi hôi của phân thải khi bổ sung chế phẩm vào nước uống cho gia cẩm với tỷ lệ 1/500.
Anh Quách Văn Sơn, ở xóm Cà Phê 1 chia sẻ: Mỗi lứa, nhà tôi 1.500 con gà hậu bị, tuy mới nuôi 2 lứa gà trên nền đệm lót sinh học nhưng tôi thấy có sự khác biệt rõ rệt. Ngoài việc giảm mùi hôi thì khi cho gà uống chế phẩm, đàn gà không bị mắc các bệnh về đường hô hấp và đường ruột như trước kia, tỷ lệ hao hụt thấp, gà tăng trọng nhanh. Đặc biệt, mỗi lứa gà tôi tiết kiệm được từ 15-20 bao cám.
Có thể nói, nuôi gà trên nền đệm lót sinh học là phương pháp dễ làm, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo điều kiện cho người nuôi bỏ được tập quán chăn nuôi cũ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh và đặc biệt là giảm thiểu được việc ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng nông mới ở địa phương.
Related news
Ngày 12-8, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan về tiến độ xây dựng văn bản hướng dẫn Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7 về một số chính sách phát triển thuỷ sản. Nghị định có hiệu lực từ ngày 25-8 tới đây, có nhiều chính sách ưu đãi đối với ngư dân về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, thuế, hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới,…
Ông Nguyễn Thành Công, Chủ nhiệm HTX SX muối Ninh Thuỷ, phường Ninh Thuỷ, TX Ninh Hòa cho biết: Thời điểm này đang là cuối vụ SX muối, với diện tích SX muối trải bạt hơn 12 ha, từ đầu vụ đến nay HTX SX được 1.300 tấn muối tăng 400 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Với giá muối trải bạt như hiện nay từ 1- 1,1 triệu đ/tấn, HTX làm muối ra đến đâu thương lái đều mua sạch.
Ông Huỳnh Văn Ánh, Phòng NN- PTNT huyện Duy Xuyên cho biết, vụ xuân hè năm nay nông dân trên địa bàn huyện gieo trồng khoảng 250ha đậu xanh, tập trung nhiều nhất ở những khu vực bãi bồi ven sông thuộc các xã Duy Châu, Duy Trinh, Duy Thu, Duy Tân, thị trấn Nam Phước. Năng suất đậu xanh đạt 18-20 tạ/ha, tăng 1-3 tạ/ha so với vụ sản xuất năm ngoái.
Những năm qua, nông dân huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã phát triển nghề trồng kiệu, vừa giải quyết việc làm vừa mang lại nguồn lợi kinh tế trên vùng đất nhiễm phèn.
Nhà nước vay tiền làm hệ thống công trình thủy lợi, người phải trả là dân. Cứ theo nhận định trên của GS Võ Tòng Xuân, thì hóa ra lâu nay, ngoài việc ép giá nông dân để mua rẻ gạo, các DN xuất khẩu gạo của ta còn mang cả số tiền mà nhà nước phải đi vay để đầu tư cho hạt gạo, đi biếu không nước ngoài, trong khi họ đã giàu nứt đố đổ vách.