Giảm mạnh chỉ tiêu xuất khẩu gạo, khó đạt 6 triệu tấn
Sau nhiều năm luôn duy trì số lượng gạo XK chính ngạch từ trên 6 triệu tấn trở lên, năm nay, nhiều khả năng XK gạo của nước ta chỉ ở mức dưới 6 triệu tấn, khi mà mới đây Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã phải giảm mạnh chỉ tiêu XK gạo do những khó khăn lớn về thị trường.
Lần gần nhất khi XK gạo chính ngạch của cả nước ở mức dưới 6 triệu tấn là năm 2008. Trong năm đó, các doanh nghiệp đã XK chính ngạch được 4,679 triệu tấn gạo. Còn từ năm 2009 đến 2015, XK gạo luôn từ mức trên 6 triệu tấn trở lên. Trong đó, năm 2012 đạt kỷ lục XK với 7,72 triệu tấn.
Nhưng năm nay, nhiều khả năng XK gạo lại chỉ đạt dưới 6 triệu tấn. Trước hết là do XK 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhất là trong quý II. Nếu như trong quý I, XK gạo của từng tháng đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ 2015 (tháng 1 đạt 416,854 ngàn tấn, tăng 88,07%; tháng 2 đạt 439,115 ngàn tấn, tăng 116,92%; tháng 3 đạt 568,793 ngàn tấn, tăng 18,38%), thì các tháng của quý II lại giảm nhiều (tháng 4 đạt 448,383 ngàn tấn, giảm 31,04%; tháng 5 đạt 403,921 ngàn tấn, giảm 23,11%; tháng 6 đạt 380,002 ngàn tấn, giảm 39,78%). Cộng chung lại, XK gạo 6 tháng chỉ đạt 2,657 triệu tấn, giảm 1,99% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên sự trầm lắng của thị trường kéo dài trong suốt quý II đến nay và nhiều khả năng còn tiếp diễn trong thời gian tới mới là nguyên nhân chính khiến cho XK gạo năm nay khó đạt mức từ 6 triệu tấn trở lên như trong những năm qua. Những thị trường tập trung của gạo Việt Nam chưa thấy dấu hiệu sẽ sớm NK thêm gạo trong tương lai gần.
Cuối tháng 6, Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines công bố có đủ gạo trong những tháng giáp hạt (tháng 7 - 9), đồng nghĩa với việc nước này chưa vội NK gạo sau khi đã nhận đủ lượng gạo của những đợt mở thầu cuối 2015. Indonesia cũng chưa quay lại thị trường gạo... Còn thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam là Trung Quốc (chiếm gần 35% lượng gạo XK của Việt nam trong 6 tháng đầu năm), sức mua hiện đang giảm.
Bên cạnh sự ảm đạm của thị trường do nhu cầu yếu, thiếu các hợp đồng tập trung, XK gạo còn đang phải đối mặt với những khó khăn về tỷ giá. Châu Phi là thị trường trong 6 tháng đầu năm nay (tăng 10,75% so với cùng kỳ 2015), nhưng một số doanh nhân ngành gạo cho rằng sắp tới XK gạo sang nhiều nước thuộc châu lục này sẽ gặp khó khăn do đồng Euro mất giá so với đồng USD. Đồng Nhân dân tệ yếu cũng đang cản trở các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh XK gạo sang Trung Quốc, dù nước này vẫn đang có nhu cầu NK nhiều gạo.
Nếu không có những tín hiệu đột phá (tăng lượng NK hay sớm quay lại thị trường gạo...) từ các thị trường quan trọng như Trung Quốc, Philippines, Indonesia... chắc chắn XK gạo nửa cuối năm nay sẽ khó có sự khởi sắc. Có lẽ đã lường trước sự khó khăn, trầm lắng về thị trường, nên VFA đã giảm mạnh mục tiêu XK gạo cả năm nay. Nếu như hồi đầu năm VFA đặt ra mục tiêu XK khoảng 6,5 triệu tấn gạo, thì nay đã hạ xuống chỉ còn 5,65 triệu tấn (6 tháng đầu năm đã XK 2,65 triệu tấn; 6 tháng cuối năm dự kiến XK 3 triệu tấn), giảm 14% so với năm 2015.
Mà nếu XK gạo chỉ dưới 6 triệu tấn, sẽ tạo áp lực lớn về tiêu thụ gạo cho đầu năm sau bởi lượng gạo tồn kho năm nay chuyển sang năm tới sẽ là không nhỏ. Theo ước tính của Cục Trồng trọt, sản lượng lúa năm nay của cả nước vào khoảng 44,251 triệu tấn, giảm trên 1 triệu tấn so với năm 2015. Sau khi cân đối cho sử dụng trong nước và ANLT, sản lượng gạo dành cho XK là 7,595 triệu tấn. Như vậy nếu so với mục tiêu XK giảm xuống chỉ còn 5,65 triệu tấn gạo, thì lượng gạo phải chuyển sang đầu năm sau lên tới gần 2 triệu tấn.
Trước những khó khăn lớn trong hoạt động XK gạo 6 tháng cuối năm, Bộ Công thương vừa phải gửi công văn tới Bộ NN-PTNT, Bộ KH-ĐT, Ngân hàng Nhà nước, UBND các tỉnh, TP ở ĐBSCL, Hiệp hội Lương thực Việt Nam... về tình hình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp và xử lý kiến nghị về xuất khẩu gạo. Dự kiến vào cuối tháng 7 này, Bộ Công thương sẽ tổ chức một hội nghị bàn việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của ngành gạo, với sự chủ trì của lãnh đạo Chính phủ.
XK gạo 6 tháng đầu năm cũng có một số điểm sáng đáng ghi nhận. Trước hết là sự tăng trưởng mạnh của các loại gạo có giá trị cao: Gạo thơm tăng 30,18% để chiếm vị trí số 1 trong các loại gạo XK; nếp tăng 145,25%; gạo Japonica tăng 41,16%. Nhờ đó, tuy lượng gạo XK giảm nhưng giá trị lại tăng 1,13%. Giá lúa gạo hàng ở ĐBSCL nhìn chung tăng so với năm ngoái, lúa khô tại kho tăng bình quân 300 đ/kg, các loại gạo trắng tăng 400 - 550 đ/kg.
Related news
Theo đề án của Bộ LĐTBXH, hơn 263.000 lao động tại 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do tình trạng cá chết sẽ được hỗ trợ học nghề, tìm việc làm, xuất khẩu lao động... Đề án này đang nhận được nhiều phản hồi của chính quyền và người dân 4 tỉnh.
Việc trồng thanh long ruột đỏ thành công ở đất Vật Lại đã mở ra hướng trồng trọt mới có hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng đúng thị hiếu, nhu cầu của thị trường.
Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, từ một công nhân bốc vác lúa gạo, Trần Thanh Khiêm đã tạo dựng cơ nghiệp cho mình, trở thành ông chủ số 1 của hệ thống chuyên bán gạo lẻ ngay giữa vựa lúa lớn nhất cả nước.