Trồng thanh long đúng cách, lãi trăm triệu đồng/vụ
Anh Nguyễn Minh Đức là một trong những người đầu tiên trồng thành công cây thanh long ruột đỏ trên đất xóm An Thịnh, Vật Yên, xã Vật Lại, huyện Ba Vì (Hà Nội).
Để có vườn thanh long ruột đỏ bắt mắt, quả đầy trụ như ngày hôm nay, anh Đức đã mất nhiều năm gây dựng. Anh kể, năm 2013, Trung tâm Khuyến nông TP.Hà Nội triển khai việc trồng thí điểm cây thanh long ruột đỏ trên đất đồi gò huyện Ba Vì. Gia đình anh là 1 trong những hộ đầu tiên đủ điều kiện tham gia dự án. Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ gia đình anh 3.000 hom giống và 4 tạ phân NPK.
Anh Đức vay thêm vốn đối ứng để làm trụ bê tông. Anh còn đầu tư làm toàn bộ hệ thống tưới xương cá, đảm bảo tưới tập trung, tiết kiệm. Đối với cây thanh long, ngoài phân chuồng hữu cơ ủ hoai mục, việc bón phân vô cơ phải hết sức thận trọng, tuân thủ đúng quy định. “Phân vô cơ được chia bón làm 6 – 8 lần/năm. Từ năm thứ 3 trở đi, nên bổ sung thêm các loại phân vi lượng, phân bón lá, đặc biệt là lúc nhánh thanh long đang ra hoa và trái non...”- anh Đức chia sẻ.
Những bệnh thường gặp trên cây thanh long nhất là bệnh thối cành, nám cánh... Anh Đức đã sử dụng các chế phẩm sinh học diệt sâu bọ, đối với các loại bọ cánh cứng, trong thời gian ra hoa và đậu quả, anh Đức thường xuyên tự tay bắt các loại bọ này từ khoảng 21 - 23 giờ đêm. Tuân thủ đúng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kết hợp phòng, trừ sâu bệnh bằng thủ công nên trái thanh long thành phẩm của trang trại gia đình anh Đức đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Không phụ công người chăm, vườn thanh long ruột đỏ của gia đình anh Đức đã cho trái ngọt. Vụ thu hoạch năm 2016, anh Đức cho biết mỗi trụ bình quân cho 50 quả, giá bán dao động từ 20.000-40.000 đồng/kg. “Đầu mùa, quả to, đẹp thường giá bán cao hơn, ước lượng thu hoạch hết gia đình tôi thu về khoảng gần 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng...” - anh Đức thổ lộ.
Việc trồng thanh long ruột đỏ thành công ở đất Vật Lại đã mở ra hướng trồng trọt mới có hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng đúng thị hiếu, nhu cầu của thị trường. “Tôi mong các ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích, xây dựng được vùng trồng thanh long ruột đỏ tập trung ở huyện Ba Vì để bà con nông dân khấm khá...”-anh Đức bày tỏ.
Related news
Không dùng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng vườn cây ca cao, sầu riêng, chôm chôm của ông Đoàn Văn Le (Mười Le) ở ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) hàng năm vẫn cho năng suất cao và được tiếng là sản phẩm sạch. Để có được điều này, người nông dân này đã nuôi, phát triển đàn kiến vàng trong vườn cây với nhiệm vụ săn bắt, diệt trừ sâu bọ.
Những ngày gần đây, cả xã Sông Xoài (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) như ngồi trên đống lửa, khi hàng trăm ha bưởi da xanh rụng hoa trắng gốc…
Theo đề án của Bộ LĐTBXH, hơn 263.000 lao động tại 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do tình trạng cá chết sẽ được hỗ trợ học nghề, tìm việc làm, xuất khẩu lao động... Đề án này đang nhận được nhiều phản hồi của chính quyền và người dân 4 tỉnh.