Giải Pháp Sử Dụng Đất Phèn Hiệu Quả
Hiện nay, xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng ĐBSCL đang diễn ra mạnh mẽ, việc nghiên cứu, sử dụng hiệu quả những vùng đất phèn rộng lớn của vùng là vấn đề được các nhà khoa học và nông dân quan tâm.
Mới đây, tại diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trên đất phèn vùng ĐBSCL” diễn ra tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, các nhà quản lý, nhà khoa học, cùng nông dân trao đổi, chia sẻ những giải pháp, kinh nghiệm nhằm sử dụng phân bón hiệu quả trên đất phèn.
ĐBSCL là nơi sản xuất lúa gạo lớn nhất cả nước với diện tích tự nhiên gần 4 triệu ha. Trong đó đất phèn và đất phèn mặn chiếm khoảng 1,6 triệu ha, tương đương 40% tổng diện tích tự nhiên và phân bố chủ yếu ở các vùng chính, gồm: Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, Tây sông Hậu và giữa vùng sông Tiền và sông Hậu, bán đảo Cà Mau và Vịnh Thái Lan. Hiện tại diện tích đất phèn của vùng ĐBSCL đã được cải tạo sau nhiều năm canh tác bằng nhiều biện pháp tổng hợp.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều nông dân sử dụng đất phèn chưa đạt hiệu quả cao, chủ yếu do sử dụng phân bón chưa đúng kỹ thuật. Theo Tiến sĩ Chu Văn Hách, Viện Lúa ĐBSCL, người dân còn nặng về kinh nghiệm truyền thống, chưa tiếp cận kịp với các tiến bộ kỹ thuật. Do đó không nhận biết được yếu tố hạn chế trong đất có ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa.
Thêm vào đó, quy trình canh tác của nông dân chưa phù hợp nên chưa phát huy hết hiệu quả của phân bón. Chẳng hạn, đất phèn bị chua do pH thấp, vấn đề đầu tiên là phải tìm giải pháp hoá giải để tăng pH thì một số nông dân lại bón nhiều phân đạm ở đầu vụ.
Ngoài ra, theo các nhà khoa học, người dân bón phân chưa đáp ứng theo nhu cầu của cây ở từng giai đoạn sinh trưởng, bón không đúng chủng loại và liều lượng phân mà cây cần. Bón phân chưa đúng phương pháp, chẳng hạn, lân rất cần với lượng lớn khoảng 60% ở đầu vụ thì người dân lại chia đều bón cho cả 3-4 lần trong vụ.
Ngoài ra, bón phân không đúng mùa vụ và loại đất, bón cùng loại và lượng phân giống nhau cho các vụ trong năm. Thậm chí trong vụ xuân hè (3vụ lúa/năm) hoặc hè thu (2 vụ lúa/năm) lượng phân bón còn cao hơn so với vụ đông xuân.
Một trong những nguyên nhân sử dụng đất phèn không hiệu quả là chế độ canh tác chưa hợp lý, như: sạ mật độ dày, quản lý dịch hại không triệt để… Thêm vào đó, trên thị trường tồn tại nhiều loại phân kém chất lượng mà nông dân không có cách nào để kiểm tra và nhận biết được…
Để canh tác trên đất phèn hiệu quả, nâng cao năng suất cây trồng, các nhà quản lý, nhà khoa học đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, ứng dụng các kỹ thuật canh tác phù hợp nhằm hạn chế độ phèn và tăng hiệu suất sử dụng phân bón như: “ém phèn, né lũ”, sạ ngầm, điều tiết nước hợp lý…
Người nông dân cần phải xây dựng quy trình kỹ thuật sử dụng phân bón hợp lý, hiệu quả. Dù canh tác lúa nước hay những loại hoa màu khác, như: bắp, mía, khóm, khoai mì… cần chú ý thiết kế đồng ruộng hợp lý nhằm thuận lợi cho cải tạo đất phèn và nâng cao hiệu suất của các chủng loại phân bón.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Viện Thổ nhưỡng – Nông hóa, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho rằng: Nếu canh tác lúa nước thì nên đánh rãnh trên ruộng lúa để xả phèn và kết hợp bón lót các chế phẩm cải tạo đất hay phân lân là biện pháp hiệu quả. Nếu canh tác cây trồng cạn cần lên liếp theo thiết kế nhằm tránh nước lũ dâng cao và xả phèn thuận lợi khi mùa mưa. Việc tuyển chọn các nhóm giống lúa thích hợp trên các chân đất phèn cũng góp phần nâng cao hiệu suất của các loại phân bón nhờ hệ thống rễ của những giống này vẫn có khả năng phát triển và trao đổi dưỡng chất.
Một số cây trồng cạn thích hợp canh tác trên đất phèn, như: mía, khoai mỡ, chuối, mè, hoặc một số cây lâm nghiệp như tràm. Bên cạnh đó, luân canh lúa nước với cây trồng cạn sẽ làm thay đổi chế độ không khí của đất, cải thiện độ phì đất có lợi cho hệ rễ cây phát triển. Một số mô hình đã có hiệu quả trên các vùng đất phèn tại vùng ĐBSCL, chẳng hạn: 1 vụ lúa + 1 vụ màu, 2 vụ lúa + 1 vụ màu, 1 vụ lúa + 1 vụ nuôi tôm, cá…
Theo bà Lê Thị Khỏe, Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI), trước thực tiễn biến đổi khí hậu và các chương trình chuyển dịch, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, diện tích trồng cây ăn quả đang phát triển đáng kể trên vùng đất phèn ở ĐBSCL.
Nhìn chung, đối với cây ăn quả việc bón phân dựa theo nhu cầu dinh dưỡng vào giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây, kết quả phân tích đất, mẫu lá hoặc trái, ước lượng năng suất thu hoạch để tính toán lượng phân cần bón và quan sát biểu hiện về sinh trưởng.
Phần lớn nhu cầu dinh dưỡng cây trồng được đáp ứng bằng phân hóa học và bón vào đất. Chính vì vậy để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trên đất phèn cần lưu ý một số vấn đề, như: bón vôi để tăng pH đất phèn; bón phân hữu cơ để tăng hiệu quả phân bón hóa học trên đất phèn, bón lân, đạm, kali cho cây trồng.
Tiến sĩ Chu Văn Hách, Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: Đối với trồng lúa trên đất phèn cần thực hiện biện pháp quản lý tổng hợp và đồng bộ các nhóm giải pháp để giảm thiểu yếu tố hạn chế do ngộ độc phèn gây ra. Có thể sử dụng các giống lúa chịu phèn, như: ngắn ngày AS996, OM6976, OM2517…; trung và dài ngày, như: ST5, OM723-7, OM1348…
Khi bón phân cho lúa trên vùng đất phèn cần tuân thủ theo nguyên tắc 6 đúng: đúng loại, lượng, thời điểm, phương pháp, mùa vụ, loại đất. Bên cạnh đó, quan tâm công tác thủy lợi, dùng nước rửa phèn và quản lý nước tốt trong vụ gieo trồng…
Trên thực tế, nhờ ứng dụng tốt các giải pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả trên đất phèn, nhiều nông hộ đã tăng năng suất cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế. Ông Vu Suổi, thành viên Hợp tác xã Thạnh Thắng chuyên trồng khóm ở xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, cho biết: Xã Hỏa Tiến là vùng đất nhiễm phèn nặng, đa số người dân sản xuất tập trung vào cây khóm.
Khoảng 3-4 năm gần đây, nông dân mới biết và sử dụng phân hữu cơ cho cây khóm. Sử dụng phân hữu cơ vi sinh trên cây khóm giúp cây tăng tuổi thọ, ít bệnh, năng suất cao. Bên cạnh đó còn làm tăng hiệu quả sử dụng của phân vô cơ, từ đó làm giảm số lượng sử dụng phân vô cơ. Mức lợi nhuận sau khi đã trừ chi phí của cây khóm sử dụng phân hữu cơ vi sinh tăng khoảng 30-45% so với phân vô cơ.
Ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: Trước đây, gia đình độc canh cây lúa trên 5.000m2 diện tích đất nông nghiệp mang lại hiệu quả không cao. Vì vậy, gia đình chuyển sang trồng cam sành trên 4.000m2 và còn lại trồng rau màu.
Từ năm 2011, bắt đầu sử dụng phân hữu cơ bón cho vườn cam. Qua 2 năm liên tiếp thực hiện quy trình thâm canh bằng phân hữu cơ, đất trong vườn tơi xốp, thông thoáng và dễ thoát nước. Nhờ sử dụng hiệu quả phân hữu cơ và chủng nấm Trichoderma, vườn cam phát triển tốt, có năng suất ổn định, hạn chế bệnh vàng lá, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm…
Việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, sử dụng phân bón hiệu quả đúng theo khuyến cáo của các nhà khoa học giúp nông dân ĐBSCL có thể tận dụng vùng đất phèn canh tác mang lại hiệu quả kinh tế…
Related news
Những năm gần đây, một số hộ dân ở xã Liên Minh (Vụ Bản - Nam Định) đã mạnh dạn đưa một số con nuôi vào sản xuất như nuôi dế giống, dế thương phẩm, nuôi hươu lấy nhung và lợn rừng cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn… mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Khoảng 9 giờ sáng ngày 21-7, tại tuyến sông Hậu, đoạn khu vực Vịnh Cây Kìm, xã Khánh An (An Phú - An Giang) một con cá tra dầu nặng 86 kg đã dính lưới ngư dân. Con cá tra đã được ngư dân bán lại cho ông Huỳnh Thanh Hồng, Trưởng Công an xã Quốc Thái, với giá 180.000 đồng/kg.
Thời gian gần đây, nghề nuôi bò vỗ béo đã phát triển mạnh tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người chăn nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống cho bà con nông dân.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi 5 sào ruộng cấy lúa hay bị thiếu nước, năng suất bấp bênh sang trồng bí cao sản Đài Loan, anh Hoàng Văn Dũng ở thôn Hà Am, xã Cao Xá (Tân Yên - Bắc Giang) có thu nhập vài chục triệu đồng mỗi vụ.
Đến nay, tổ hợp tác sản xuất chôm chôm Tiên Phú (xã Tiên Long, huyện Châu Thành, Bến Tre) đã có khoảng 60 container chôm chôm “bay” ra thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ. Cũng từ tổ hợp tác này, lần đầu tiên trái chôm chôm của Bến Tre đã tự hào bay xa và hội nhập. Anh Nguyễn Hữu Tâm là người đã ghi công đầu trong việc mở đường cho mặt hàng này xuất khẩu.