Giải Pháp Cho Thương Hiệu Thanh Long Bình Thuận
Những năm gần đây, nhất là từ khi triển khai thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, một trong những loại cây chủ lực của Bình Thuận là thanh long phát triển ngày càng mạnh, góp phần khai thác có hiệu quả quỹ đất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của nông dân. Tuy nhiên, bên cạnhđó xuất hiện những vấn đề đáng lo ngại, nếu không có các giải pháp đồng bộ, kiên quyết sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.
Điều mọi người đều dễ nhận thấy là việc xây dựng và quản lý quy hoạch phát triển thanh long còn lúng túng, diện tích cây thanh long tăng quá nhanh một cách tự phát do lợi nhuận cao. Theo kế hoạch mấy năm trước đây, diện tích cây thanh long đến năm 2015 là 15 nghìn ha, nhưng đến nay con số đã xấp xỉ 30 nghìn ha.
Cùng với việc phát triển ồ ạt về diện tích là tình hình dịch bệnh, có những thời điểm như vào tháng 4/2014, bệnh đốm nâu lan tràn, với trên 12 nghìn ha bị bệnh. Làm người trồng khốn đốn do không tiêu thụ được sản phẩm. Hiện nay bệnh đốm nâu đã tạm lắng, nhưng dự báo mùa mưa tới bịch bệnh này sẽ tiếp tục phát triển gây hại cho thanh long, nếu các biện pháp phòng trừ ngay từ bây giờ không triệt để.
Diện tích thanh long càng phát triển, sản lượng ngày càng tăng, với khoảng nửa triệu tấn như hiện nay, nhưng thị trường thanh long khá bấp bênh, chủ yếu lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nên mỗi khi thị trường này có biến động, giảm nhập hàng là thanh long bị tồn đọng phải vứt bỏ, trong lúc đó việc đầu tư chế biến sản phẩm thanh long và tiêu thụ nội địa chưa được chú trọng, vẫn là khâu yếu chưa khắc phục được.
Giải pháp giữ thương hiệu
Để khắc phục những hạn trên, yêu cầu chung đặt ra là phải phát triển thanh long theo hướng bền vững, coi trọng chiều sâu, tập trung nâng cao chất lượng và giá trị, giữ vững thương hiệu thanh long Bình Thuận, ổn định đầu ra, trước mắt phải hạn chế cho được việc phát triển thêm diện tích thanh long.
Giải pháp cần tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện là tiến hành khảo sát thực trạng, đồng thời rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển thanh long trong thời gian tới một cách phù hợp trên cơ sở dự báo tốt thị trường tiêu thụ, công bố công khai và quản lý chặt quy hoạch.
Chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức của người trồng, doanh nghiệp kinh doanh và người tiêu dùng trong việc sản xuất, sử dụng thanh long sạch. Khuyến khích, hướng dẫn người trồng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, tiết kiệm năng lượng. Cùng với việc hạn chế diện tích trồng mới là tăng diện tích thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đáp ứng sản phẩm xuất khẩu qua các thị trường “khó tính”.
Diện tích sản lượng thanh long ngày càng tăng, để tránh rủi ro chỉ bằng con đường đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ thanh long. Phải tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, nhưng cũng đồng thời hết sức chú ý thị trường nội địa.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư nhà máy gia nhiệt, chiếu xạ, các cơ sở đóng gói bảo quản, tiêu thụ thanh long gắn với xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm ISO, HACCP. Thực hiện tốt chủ trương dán tem chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm thanh long cùng với việc tăng cường quảng bá, giới thiệu thương hiệu thanh long Bình Thuận.
Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng gắn với quy hoạch phát triển thanh long trên từng địa bàn, trước hết đẩy mạnh phong trào làm giao thông nông thôn, làm thủy lợi nhỏ. Đặc biệt ngành điện lực có phương án cụ thể để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về điện phục vụ cho chong đèn thanh long trái vụ trong vùng quy hoạch.
Đặc biệt chú ý công tác phòng chống dịch bệnh trên cây thanh long, trước mắt là phòng trừ bệnh đốm nâu. Hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn khoảng 4 nghìn ha nhiễm bệnh, nếu không diệt trừ tận gốc, mùa mưa tới khả năng bệnh sẽ lây lan rất lớn. Do vậy cần làm tốt tuyên truyền, kể cả giải pháp bắt buộc để người trồng thanh long tự giác phá bỏ những diện tích thanh long bị bệnh, thực hiện việc ủ cành bằng chế phẩm BIO-ADP, để diệt trừ tận gốc mầm bệnh ngay trong mùa khô này.
Related news
Trong những ngày qua, hàng trăm nhà vườn ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai) than trời vì giá chôm chôm rẻ như bèo, chưa đến 4 ngàn đồng/kg. Người dân đang rất lao đao vì không tìm được đầu ra cho mặt hàng này.
Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Việt Nam khẳng định, cả cơ quan ông cũng như CITES tại Trung Quốc chưa cấp bất cứ giấy phép nào để có thể giao dịch thương mại cá tầm giữa 2 nước.
Nhằm đa dạng hóa các loại vật nuôi, năm 2012, Trạm Khuyến nông huyện Krông Pa (Gia Lai) triển khai mô hình nuôi kỳ đà thương phẩm hộ gia đình tại thị trấn Phú Túc. Mô hình được triển khai tại 3 hộ gia đình, với tổng kinh phí gần 292 triệu đồng, trong đó Nhà nước đầu tư 170 triệu đồng, vốn nông dân đối ứng gần 122 triệu đồng.
Trước những khó khăn của ngành chăn nuôi cả nước, sáng 28/5, tại Cao Bằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị đánh giá thực trạng ngành chăn nuôi và định hướng, giải pháp phát triển chăn nuôi giai đoạn 2013 - 2015 các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.
Hiện nay, nông dân các xã: Mỹ An, Đốc Binh Kiều, Mỹ Hòa của huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) bắt đầu thu hoạch lúa hè thu sớm.