Giá tôm nguyên liệu tăng trở lại
Vừa thu hoạch được hơn 10kg tôm sú, ông Nguyễn Văn Hai, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, cho biết: "Sau thời gian dài giảm giá, hiện giá tôm đang tăng trở lại. Nhưng bây giờ người dân không còn tôm nhiều để bán, chủ yếu là tôm thu hoạch còn sót lại trong vụ nuôi trước. Số lượng tôm không còn nhiều, nhưng bù lại tôm đạt cỡ lớn 20 - 30 con/kg, giá bán khá cao, từ 270.000 - 280.000 đồng/kg. Mức giá này đã tăng khoảng hơn 30.000 đồng/kg so với đầu năm".
Thường xem bản tin kinh tế thị trường trên Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau, bà Trương Ngọc Đậm, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, cho biết: "Đài thông báo là giá tôm đã dần tăng trở lại, nhưng thực tế giá còn thấp hơn hiện tại ngoài thị trường từ 5.000 - 10.000 đồng/kg".
Ông Nguyễn Văn Hiền, người thu mua tôm chợ Nhà Phấn, huyện Cái Nước, cho biết, hiện giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg đang được thu mua tại vuông với giá 105.000 đồng/kg. Với cách tính của người mua, cứ giảm 1 con, sẽ thêm giá 500 đồng, thì loại 70 con có giá lên tới 120.000 đồng/kg.
Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi tôm công nghiệp, anh Nguyễn Văn Đức, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tính toán: "Với giá thức ăn, thuốc thuỷ sản như hiện nay thì giá thành nuôi tôm sú loại 30 con/kg khoảng 120.000 - 140.000 đồng/kg; giá thành nuôi tôm thẻ chân trắng 60 con/kg khoảng 80.000 - 85.000 đồng/kg. Như vậy, với giá bán tôm nguyên liệu như hiện tại, ước tính nông dân nuôi tôm sú có lợi nhuận khoảng 50.000 đồng/kg. Còn tôm thẻ chân trắng có lợi nhuận còn cao hơn nhiều, do thời gian nuôi ngắn, chi phí ít.
Trước tình hình hạn hán, độ mặn trong nước tăng cao, tôm nuôi thường xuyên xảy ra dịch bệnh, tôm nguyên liệu tăng giá trong giai đoạn này đã được dự đoán trước, người nuôi rất phấn khởi và cũng không bất ngờ.
Theo nhiều nông dân nuôi tôm, giá tôm nguyên liệu tăng, người nuôi đem lại lợi nhuận nên rất yên tâm cải tạo ao đầm thả nuôi vụ mới. Tuy nhiên, trong thời điểm này, rủi ro dịch bệnh còn rất cao nên bà con nuôi tôm cần phải thực hiện đúng quy trình nuôi, đầu tư hạ tầng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật mới có vụ nuôi thành công.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong quý I/2016, kim ngạch xuất khẩu đạt 183 triệu USD, đạt 14% kế hoạch, tăng 10% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt tới 181 triệu USD, đạt 15% kế hoạch, tăng 9% cùng kỳ. Theo dự báo, trong thời gian tới, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tăng nhanh, do biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến môi trường toàn cầu, gây thiếu hụt tôm nguyên liệu, giá tôm nguyên liệu và xuất khẩu tăng nhiều trở lại.
Related news
Các loại cá được thương lái trong và ngoài tỉnh mua để xuất sang Campuchia là cá lóc, cá trê, cá rô, điêu hồng và sòng biển.
Một trong những mô hình sản xuất đang được nhiều nông dân miền Tây thực hiện là nuôi cá chép giòn (hay còn gọi là cá hồng giòn). Bởi, sản phẩm cá chép giòn luôn hút hàng và nông dân có thể kiếm tiền tỷ từ mô hình này.
Thời điểm này, lươn loại 1 (từ 200 gam trở lên/con) có giá từ 165.000 – 170.000 đồng/kg, tăng từ 50.000 – 55.000 đồng/kg so cùng kỳ năm 2014.