Kiếm tiền tỷ từ nuôi cá chép giòn
Cá chép giòn được chế biến, bán tại các nhà hàng ở Bạc Liêu khoảng 500.000 đồng/kg, vượt cả con tôm sú. Tuy nhiên, do cá chép giòn nuôi ở miền Bắc, còn khá mới với nông dân Bạc Liêu nên bà con chưa dám ứng dụng mô hình. Gần đây, một tin vui cho bà con là ở miền Tây đã có người thực hiện thành công mô hình này. Đó là ông Lê Văn Dũng - ở vùng cù lao Long Phú Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Trước đây, gia đình ông Dũng có mấy chục năm nuôi cá tra, vừa nuôi cá thịt, vừa sản xuất cá giống, nhưng hiệu quả mang lại không cao, rủi ro nhiều. Do vậy, khi anh em trong nghề giới thiệu mô hình nuôi cá chép giòn ở tỉnh Hải Dương, ông Dũng liền đến nơi tìm hiểu.
Về nhà, qua nhiều lần nuôi thử nghiệm, thấy nuôi cá chép giòn bằng lồng bè cá phát triển tốt, từ đó ông Dũng đầu tư phát triển loài cá này. Tận dụng lồng bè nuôi cá của gia đình trước đó, ông chuyển hết sang nuôi cá chép giòn. Theo ông Dũng, so với các loài cá khác, cá chép giòn ít dịch bệnh, sức tăng trưởng nhanh. Đặc biệt, lợi nhuận từ nuôi cá chép giòn cao hơn 5 - 6 lần so với các loại cá khác.
Cá chép giòn được nuôi trong bè từ 3 - 5 tháng bằng thức ăn công nghiệp. Sau đó, cá được tuyển lựa cho nuôi riêng khoảng 2 tháng bằng đậu tằm - một loại đậu xuất xứ từ các nước ôn đới, với đặc điểm có độ đạm cao (chiếm 31%), nhưng hàm lượng lipid thấp (chỉ có 0,15%). Đây chính là yếu tố quyết định làm tăng độ dai, nên thịt cá chắc và giòn, tạo cảm giác khoái khẩu cho thực khách.
Giá cá chép giòn bán tại bè khoảng 200.000 đồng/kg, mỗi con nặng từ 2 - 3kg nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây được xem là mô hình kiếm ra tiền tỷ của người nuôi cá chép giòn.
Với điều kiện và khí hậu không khác gì Đồng Tháp, thiết nghĩ, ngành Nông nghiệp Bạc Liêu cần nghiên cứu mô hình này để chuyển giao cho nông dân. Bởi nhu cầu tiêu thụ cá chép giòn luôn cao, và cá chỉ bán ở các nhà hàng lớn, còn các hàng quán và chợ gần như chưa có.
Related news
Những ngày cuối tháng 3/2016, người nuôi ếch thương phẩm ở các xã: Tân Hội Trung, Bình Hàng Tây, Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) lo lắng vì thời tiết thay đổi bất thường, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm quá lớn, dịch bệnh phức tạp, tỉ lệ hao hụt cao, giá thức ăn lại tăng, thời gian nuôi kéo dài.
Tình hình xâm nhập mặn trên sông Tiền đang diễn biến phức tạp khiến nhiều hộ gia đình nuôi cá bè tại tỉnh Tiền Giang lo lắng.
Cách đây hơn chục năm, cá tra, cá ba sa của Việt Nam khi xuất sang thị trường Mỹ bị vùi dập bởi vụ kiện phá giá, kiện không được gọi là catfish. Giờ đây, chính những catfish Mỹ đang quẫy dậy sóng trên sông Kinh Thầy vì giá hạ…