Giá Rau Tăng, Nông Dân Vẫn Không Vui

Giá rau tại các chợ tăng vọt
Thời tiết nắng nóng, rau, củ là mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh nhất, đặc biệt gần một tháng nay giá rau xanh tại các chợ tăng từ 15-40%. Theo ghi nhận tại các chợ trên địa bàn TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp), giá các loại rau xanh đều tăng khoảng 5.000 đồng - 30.000 đồng/kg so với tháng trước.
Cụ thể: xà lách xoong giá 40.000 đồng/kg, dưa leo 13.000 đồng/kg, hành lá 20.000 đồng/kg, cải thảo 28.000 đồng/kg. Riêng các loại rau trước đây giá khá mềm, hiện cũng tăng nhẹ như bắp cải tròn giá 10.000 đồng/kg, xà lách 25.000 đồng/kg, rau muống 7.000 đồng/bó...
Thời điểm này, tăng giá mạnh nhất là gừng, tại các huyện đầu nguồn do thời tiết không thuận lợi khiến cây phát triển chậm, lượng gừng không đủ cung cấp cho thị trường, đẩy giá lên cao. Hiện tại chợ TP.Cao Lãnh, giá gừng khoảng 70.000 đồng/kg, tăng gần gấp 2 lần so với tháng trước.
Cô Trần Thị Cẩm ngụ P6, TP.Cao Lãnh cho biết: “Thời điểm hiện tại, giá các loại rau hầu như đều tăng”. Chị Nguyễn Thị Ngọc Châu ngụ P3, TP.Cao Lãnh nói thêm: “Gần đây, giá các loại thực phẩm như thịt, cá không mấy biến động nhưng rau xanh lại tăng chóng mặt. Do đây là thực phẩm không thể thiếu cho bữa ăn hằng ngày nên dù tăng cao nhưng vẫn phải mua”.
Có một thực tế ở các chợ truyền thống là nếu có những diễn biến bất thường về thời tiết (mưa dầm hay nắng nóng kéo dài) là rau lại tăng giá. Những chi phí tăng lên đó được giải thích do nguồn hàng khan hiếm, cộng với chi phí sản xuất, vận chuyển ngày càng tăng cao...
Giá rau tại ruộng vẫn rẻ
Theo nhiều nông dân trồng màu ở xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, từ sau Tết đến nay, tình hình sản xuất vẫn diễn ra bình thường. Do đảm bảo nguồn nước tưới vào mùa khô nên vườn màu của bà con không bị giảm năng suất, số lượng nhưng giá bán không cao.
Ông Nguyễn Thái Hùng ngụ ấp Long Hòa, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự cho biết: “Hàng năm, vào đầu mùa nắng, giá rau màu có nhích lên nhưng cây èo uột do nước không đủ tưới. Tưởng năm nay đảm bảo được nguồn nước tưới sẽ trúng hơn các vụ trong mùa mưa, ai dè giá cả lại tệ”.
Khảo sát tại các cánh đồng màu thuộc xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, chúng tôi thấy, hành lá đang có giá 11.000 - 12.000 đồng/kg, dưa leo 6.000 - 7.000 đồng/kg, củ cải trắng chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg...
Ông Lê Văn Chuyển ngụ ấp Long Hòa, xã Long Thuận cho biết: “Tuy là mùa nắng, nhưng phần lớn bà con đều có kế hoạch trồng xen canh, gối vụ và chú ý đúng mức đến việc tưới nước đủ cho cây màu, nên dù thời tiết khắc nghiệt cũng không ảnh hưởng tới nguồn rau. Thậm chí lượng rau năm nay còn dồi dào hơn so với mọi năm, đủ sức cung cấp cho thị trường”.
Anh Trần Văn Năm ngụ xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự nói thêm: “Nhiều hộ có mối làm ăn lâu năm thì vẫn bán được với giá bình thường, có lãi chút đỉnh. Còn các hộ trồng nhỏ lẻ hay bán cho thương lái bất kỳ, thì chịu huề vốn chứ không có lời”.
Như vậy, dù nguồn rau dồi dào, giá rau tại nơi sản xuất vẫn quá rẻ so với giá bán tại chợ, người nông dân chịu nhiều thiệt thòi vì thu nhập chưa tương xứng với công lao động và nguồn vốn đầu tư. Còn người tiêu dùng thì vẫn mua rau màu với giá cao. Thiết nghĩ, nếu có sự quy hoạch, định hướng trong sản xuất và phân phối hợp lý, giảm bớt các khâu trung gian thì đời sống bà con nông dân và người tiêu dùng chắc sẽ nhẹ nhõm hơn.
Related news

Đời sống khó khăn, ngư lưới cụ phục vụ đi biển thiếu thốn, 84 hộ dân ở thôn Đông Thuận, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) thuộc diện di dời phục vụ Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (NMLD DQ) được Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) cho vay vốn giải quyết việc làm.

Dù ngành nông nghiệp đã và đang ráo riết vào cuộc, nhưng việc dùng chất cấm trong chăn nuôi vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Mặc dù nhiều địa phương đã “cán đích” xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Song để giữ vững các tiêu chí đã đạt được, tạo “cú huých” để đưa xã nhà phát triển hơn nữa là vấn đề không hề đơn giản, vì nó chịu sự tác động từ rất nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan.

Không những giữ vững cây chè bản địa mà những năm trở lại đây, huyện Minh Long đã có những chủ trương, chính sách phát triển diện tích chè; đồng thời có hướng đăng ký thương hiệu để cây chè Minh Long trở thành đặc sản của tỉnh nhà.

Kể từ khi khu tái định cư (TĐC) Đồng Sát, thôn Long Thạnh 1, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) được xây dựng và đưa vào sử dụng cũng là lúc cánh đồng Đồng Sát – nằm ngay cạnh khu TĐC buộc phải bỏ hoang vì bị nhiễm mặn.