Giá Hành Giảm Mạnh Vào Những Ngày Cận Tết
Đến vùng màu xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) những ngày giáp Tết, hầu hết nông dân đều tất bật trong việc thu hoạch hoa màu. Tuy nhiên, trái ngược với niềm vui trúng mùa trúng giá như năm trước, người dân trồng hành lá đang rất lo lắng bởi giá hành lá năm nay đang giảm ở mức rất thấp.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày thu hoạch ruộng hành, nhưng không khí trong gia đình ông Trần Công Lý ở xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự khá nặng nề, ai cũng lo lắng. “Hơn 3 tấn hành lá nhưng chẳng biết có thu được vốn không. Nếu đến ngày thu hoạch mà giá bán vẫn thấp như bây giờ thì chắc 2 công hành năm nay không có lãi ăn Tết, bởi chi phí sản xuất cũng xấp xỉ 5 triệu đồng/công” - ông Lý nói. Theo ông Lý, năm trước giá hành lên tới 20.000 đồng/kg, nên năm nay gia đình ông và nhiều hộ khác đã đầu tư trồng hành, nhưng vào vụ thu hoạch giá hành lại giảm chỉ còn 3.500 - 4.000 đồng/kg nên rất lo lắng.
Nhiều người dân trồng hành cho biết, hành lá ế hàng và rớt giá là do diện tích trồng hành năm nay tăng nhanh, nguồn cung dư thừa nên giá giảm mạnh. Ông Lê Văn Hiến - Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận cho biết, vụ đông xuân năm nay, vùng trồng hoa màu của HTX quy hoạch sản xuất 160ha, trong đó phân bố các loại hoa màu theo nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên vì lợi nhuận của vụ rau màu năm trước đặc biệt là hành lá, nên nhiều nông dân ngoài HTX cũng ồ ạt xuống giống, làm diện tích canh tác hành lá tăng thêm hơn 40ha. Đến lúc thu hoạch đồng loạt thì xảy ra tình trạng cung vượt cầu. Hiện tại, mỗi ngày HTX rau màu vận chuyển trên 10 tấn rau màu các loại đi các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM và Campuchia nhưng vẫn không giải quyết hết lượng rau màu còn tồn đọng, trong đó nhiều nhất vẫn là hành lá.
Theo ông Nguyễn Trạng Sư - Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự, huyện đang trong quá trình quy hoạch lại vùng sản xuất đối với vùng màu Long Thuận nói riêng và sản xuất của 3 xã cù lao. Trong đó, việc hỗ trợ xây dựng tổ chức bộ máy HTX sản xuất tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận đi vào hoạt động hiệu quả. Thông qua đó sẽ tổ chức lại sản xuất, có phân chia vùng sản xuất để tránh tình trạng cung vượt cầu khiến giá cả xuống thấp ảnh hưởng đến người nông dân.
Cũng theo ông Nguyễn Trạng Sư, thế mạnh của HTX sản xuất tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận là sản xuất rau an toàn và đã được chứng nhận VietGap, do đó trong hướng tới, huyện sẽ chỉ đạo các ngành huyện phối hợp với HTX tìm các đầu mối để liên kết tiêu thụ nhiều nơi. Trong đó đón đầu việc hình thành và đưa vào khai thác siêu thị Co.op Mart Đồng Tháp và hệ thống siêu thị khác, để tạo đầu ra ổn định hơn cho rau màu.
Related news
Vụ sản xuất năm 2012, nhiều diêm dân ở Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ đã đầu tư hàng tỷ đồng để mua bạt lót, xây ruộng bằng xi măng để tăng năng suất, chất lượng muối.
Ông Nguyễn Xuân Hà ngụ tại ấp 6, xã Nha Bích, huyện Chơn Thành (Bình Phước) phân trần: Cả 1,2 ha điều 15 tuổi này bán củi chỉ được 20 triệu, nhưng cũng phải cưa vì điều vừa thất mùa lại vừa xuống giá; vụ vừa qua bán chỉ được 20 triệu, trừ chi phí còn chưa đầy 10 triệu.
Đầu tháng tư âm lịch, người nuôi tôm ở Phú Thuận đã hoàn tất việc vệ sinh nền đất, tu sửa bờ bao vuông ruộng và bắt đầu thả con giống dự kiến khoảng 337 héc-ta. Đây là vùng nuôi tôm càng xanh lớn nhất của huyện Thoại Sơn và tỉnh An Giang, với mô hình “1 vụ lúa + 1 vụ tôm” hơn 10 năm nay.
Giá dầu tăng cao, cá tôm ngày càng ít... là nguyên nhân khiến cho hàng trăm tàu đánh cá ở Bạc Liêu, Kiên Giang, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... đang phải nằm bờ.
Sau khi rộ tin trong thịt heo có chất tạo nạc, giá heo hơi “lao dốc” mạnh, từ 45.000 đồng/kg xuống còn 38.000 - 40.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng/kg. Ngược lại, giá con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y vẫn ở mức cao.