Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gặt Lúa Đêm

Gặt Lúa Đêm
Publish date: Saturday. June 1st, 2013

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa kịp thời vụ, những năm gần đây nhiều địa phương ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã thực hiện việc gặt lúa đêm. Vào chính vụ, khắp cánh đồng về đêm bao la của huyện vùng trũng này lấp lóa ánh đèn của máy gặt đập liên hợp cùng tiếng í ới gọi nhau của những người nông dân. Không khí hối hả trên đồng ruộng về đêm tạo nên một cảm giác khác lạ, rộn rả và vui tươi…

Chập tối, chúng tôi có mặt tại cánh đồng xã Hải Hòa đã thấy nhiều chiếc máy gặt đập liên hợp ở đây đã nổ máy để sẵn sàng “tăng bo” ca đêm. Ông Nguyễn Văn Cầu, một chủ máy gặt đập liên hợp có thâm niên ở xã Hải Hòa hồ hởi nói: “Gặt đêm trời mát nên rất khỏe khoắn. Nhiều gia đình nông dân rất ủng hộ việc gặt đêm vì tiện lợi và kịp thời vụ”. Ông Cầu nổ máy chạy ra phía đồng lúa để gặt. Dưới ánh đèn pha của máy gặt, từng hàng lúa đã được máy ngoạm thẳng lối, nhả lúa vào bao liên tục. Trên máy gặt, những người buộc bao lúa cũng làm việc không ngơi tay. Những chủ ruộng chỉ việc đứng gần bờ và bốc lúa bao lên xe cải tiến, xe trâu hoặc xe tải để đưa về nhà.

Chị Nguyễn Thị Thao, chủ của khoảng hơn 1 ha lúa tại xã Hải Hòa vui vẻ nói: “Nông vụ tấn thời nên gặt hái phải nhanh để còn chuẩn bị đất cho vụ tới. Vì vậy chúng tôi rất thích gặt đêm do tiện lợi và thoải mái, đặc biệt ít mệt mỏi và nắng nực như ban ngày. Một cái lợi nữa là lúa gặt ban đêm về là sáng mai có thể phơi luôn nên có thì giờ để tiếp tục làm công việc khác”. Những cánh đồng lúa bên cạnh, nhiều máy gặt đập liên hợp khác cũng đang hoạt động hết công suất. Cả cánh đồng về đêm loang loáng ánh đèn pha cùng với tiếng máy reo rộn rả.

Tại cánh đồng xã Hải Thiện, chủ máy gặt đập liên hợp Lê Trực cũng đang ngồi điều khiển máy gặt, chăm chú theo từng đường gặt dù đã hơn 21 giờ đêm. Tranh thủ nghỉ ngơi giữa chừng, bên ấm chè, ông Trực trò chuyện rôm rả với những người nông dân. “Năm nay đầu vụ chuột cắn phá đến cuối vụ nhiều diện tích lúa sắp thu hoạch lại bị rầy nâu gây hại khiến bà con rất lo lắng. Tuy nhiên nhờ chủ động chăm sóc nên cây lúa vụ đông xuân này vẫn cho năng suất khá cao. Theo kinh nghiệm gặt trên nhiều cánh đồng, tôi cho rằng lúa năm nay sẽ đạt không dưới 58 tạ/ha”, chủ máy Lê Trực cho biết.

Nông dân Lê Giáp, 52 tuổi ở thôn 5, xã Hải Thiện có trên 1,5 mẫu ruộng cho biết trước đây gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn bởi thu hoạch không kịp vào thời điểm chính vụ. “Gia đình tôi ít người nên vào chính vụ việc gặt hái gặp nhiều khó khăn. Trước đây gia đình tôi phải gặt liên tục khoảng trên 10 ngày mới cơ bản xong nhưng nay nhờ có máy gặt thêm vào ban đêm nên thời gian rút ngắn hơn rất nhiều, đỡ phải lo mưa lũ bất thường lại kịp thời vụ”, ông Giáp nói thêm.

Không chỉ tại Hải Hòa, Hải Thiện mà nhiều xã khác như Hải Quế, Hải Dương, Hải Thành, Hải Tân, người dân cũng tổ chức gặt lúa vào ban đêm. Thông thường trời ban đêm ít mưa, không khí mát mẻ nên việc thu hoạch lúa rất thuận lợi, ít tốn sức.

Đánh giá về việc gặt lúa đêm, ông Nguyễn Mãnh, Chủ tịch UBND xã Hải Hòa nói: “Gặt lúa đêm đã góp phần vào việc đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa. Điều này sẽ rút ngắn thời gian thu hoạch, bảo đảm năng suất vì tránh được hiện tượng lúa rụng do bị chín muồi, gặt chậm, tránh được thời tiết bất thường gây ngập úng, ngã rạp”.

Thông thường trước đây, kế hoạch thu hoạch lúa của huyện Hải Lăng đều có thời gian kéo dài trong khoảng 1 tháng. Tuy nhiên hiện nay, do người dân đã tranh thủ gặt lúa cả ban đêm nên thời gian thu hoạch thực tế đã được rút ngắn hơn từ 5-7 ngày. Vụ đông xuân năm nay, toàn huyện gieo cấy được 6.793 ha lúa với các loại giống chủ lực có năng suất, chất lượng và giá thành khá cao như HT1, Khang Dân, Xi 23, P6, HC 95...

Nếu như những năm trước, khi cơ giới hóa trong thu hoạch chưa được áp dụng rộng rãi thì thời gian thu hoạch kéo dài khá lâu bởi việc huy động nhân lực gặt tay và máy gặt thủ công để gặt hết toàn bộ diện tích trong thời gian ngắn là không thể. Cũng chính vì điều này nên trước đây, nhiều vụ gặt của huyện Hải Lăng đã gặp không ít rủi ro.

Nông dân Lê Thiện, người có thâm niên làm ruộng trên 40 năm ở xã Hải Thiện cho hay: “Hồi trước nhiều vụ lúa được mùa đang chờ thu hoạch thì bỗng nhiên gặp gió lốc làm ngã rạp hết. Rồi có những đợt lúa đang chuẩn bị thu hoạch thì gặp mưa trái mùa làm chìm ngập trong biển nước. Nhưng bây giờ thì vui rồi, có đê bao ngăn lũ, có máy gặt đập liên hợp hoạt động cả ngày lẫn đêm nên chẳng còn lo lắng nhiều”.

Ông Thiện cho biết thêm, vụ này gia đình ông làm 1,2 mẫu ruộng ở đồng xa nhưng chỉ trong vòng 1 tuần đã gặt xong, giờ đã gần khô khén hết.

Ông Dương Viết Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hải Lăng cho biết, đầu vụ xuất hiện tình trạng chuột cắn phá lúa trên diện rộng, đến cuối vụ lại xuất hiện rầy nâu rải rác nhưng được sự chỉ đạo sát sao của huyện cũng như sự tích cực ra quân diệt chuột, trị bệnh của bà con nông dân nên đã hạn chế thấp nhất thiệt hại, năng suất và chất lượng lúa được đảm bảo. Hiện trên toàn huyện đã huy động được khoảng 140 máy gặt đập liên hợp cùng với các loại máy gặt thủ công khác ra đồng để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành thu hoạch lúa đông xuân nhằm sớm triển khai sản xuất vụ hè thu sắp tới. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Hải Lăng đã thu hoạch được hơn 90% diện tích lúa.

“Thời gian thu hoạch vụ đông xuân thường phải nhanh, càng nhanh càng tốt để còn làm đất gieo cấy vụ hè thu, tránh thiệt hại do bão lũ, dịch bệnh. Theo tính toán của chúng tôi, vụ thu hoạch lúa đông xuân năm nay huyện Hải Lăng sẽ hoàn sớm hơn so với dự kiến, năng suất (toàn huyện đạt gần 55 tạ/ha) và chất lượng lúa vẫn được đảm bảo. Trong đó việc thu hoạch lúa vào ban đêm cũng đã góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa”.


Related news

Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Diêu Hồng Trong Lồng Trên Sông Tam Kỳ Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Diêu Hồng Trong Lồng Trên Sông Tam Kỳ

Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Nam phối hợp với trung tâm Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao Kỹ thuật Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thành phố Tam Kỳ triển khai thí điểm mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng trên sông Tam Kỳ.

Thursday. September 4th, 2014
Dưa Hấu Tăng Giá Trở Lại Dưa Hấu Tăng Giá Trở Lại

Sau rằm tháng 7, phần lớn các loại rau màu giảm giá thì dưa hấu tăng giá trở lại. Khoảng một tháng rưỡi trước, giá dưa ở mức thấp từ 3.000-3.200 đồng/kg thì hiện nay tăng thêm 600-1.000 đồng/kg.

Tuesday. August 26th, 2014
Nhập Khẩu Thủy Sản Đạt 720 Triệu USD Trong 8 Tháng Nhập Khẩu Thủy Sản Đạt 720 Triệu USD Trong 8 Tháng

Việt Nam chủ yếu nhập khẩu tôm sú từ Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu chế biến của doanh nghiệp. Nguyên nhân do thời gian qua dịch bệnh bùng phát, nguồn tôm nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu nên doanh nghiệp phải tìm nguồn nguyên liệu thay thế.

Thursday. September 4th, 2014
Xử Lý Chưa Nghiêm, Vi Phạm Tràn Lan Xử Lý Chưa Nghiêm, Vi Phạm Tràn Lan

Thời gian qua, tình trạng lấn chiếm đất đai, đào hồ nuôi tôm trái phép diễn ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh. Chính quyền địa phương xử lý thiếu kiên quyết nên vi phạm diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các vùng nuôi trong tỉnh bị bỏ ngỏ nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.

Tuesday. August 26th, 2014
Gần 40% Thức Ăn Chăn Nuôi Nhập Khẩu Từ Trung Quốc Gần 40% Thức Ăn Chăn Nuôi Nhập Khẩu Từ Trung Quốc

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 7 tháng đầu năm 2014, Việt Nam chi hơn 1,45 triệu USD cho nhập khẩu 1.656 con lợn giống, tăng 1,7 lần về giá trị và 1,9 lần về khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong 7 tháng, Việt Nam đã nhập khẩu 944.965 con giống gia cầm với tổng trị giá hơn 3,67 triệu USD.

Thursday. September 4th, 2014