Gà tẩm bột sắt tái xuất hiện
"Công nghệ" là hỗn hợp bột sắt với dầu hôi!
Bởi khi nhìn thấy da gà màu vàng óng, người tiêu dùng (NTD) sẽ lầm tưởng đó là gà ta, gà thả vườn chứ không phải gà công nghiệp.
Nhờ vậy, thịt gà tẩm loại hóa chất này sẽ có giá bán cao hơn nhiều so với gà công nghiệp.
Mới đây, ngày 28/9, Chi cục Thú y TP.HCM xác nhận đã xử phạt hành chính số tiền trên 21 triệu đồng đối với ông Võ Văn Diệp, là chủ lò mổ gà lậu tại ấp Tam Thôn, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, đồng thời tạm đình chỉ lò mổ này để tiếp tục điều tra làm rõ về hành vi dùng hóa chất làm cho gà có màu vàng óng ánh.
Trước đó, sáng ngày 27/9, Trạm Thú y huyện Hóc Môn phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường,Công an TP.HCM bất ngờ ập vào kiểm tra lò giết mổ gà lậu của ông Diệp.
Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện 310 con gà công nghiệp còn sống và 100 con đã làm sẵn.
Ông Diệp không xuất trình được giấy phép kinh doanh của cơ sở, gà giết mổ tại hiện trường cũng không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Đặc biệt, đoàn kiểm tra phát hiện ông Diệp sau khi làm gà, nhúng vào hỗn hợp hóa chất để da gà có màu vàng óng bắt mắt.
Qua làm việc, ông chủ cơ sở đã thừa nhận mua một loại bột hóa chất nhằm “tẩm” da gà với đặc điểm là màu hơi sẫm, ánh kim tại chợ Kim Biên, quận 5. Sau đó về pha với hỗn hợp dầu hôi rồi đem đun sôi.
Gà công nghiệp được làm sạch có màu tái nhợt sẽ được nhúng vào hỗn hợp hóa chất trên “biến” thành màu vàng óng. Sau đó sẽ đem đưa đi tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn Q.12, các huyện Hóc Môn, Củ Chi.
Đoàn kiểm tra quyết định thu giữ các loại hóa chất tại lò mổ của ông Diệp để tiếp tục điều tra làm rõ.
Một thành viên trong đoàn kiểm tra cho biết, gà công nghiệp được nuôi ở các trang trại chăn nuôi có giá bán buôn với số lượng lớn bình quân khoảng 40 ngàn đồng/kg.
Còn các lò mổ gia cầm lậu họ mua gà công nghiệp “siêu rẻ” giá chỉ có 35 ngàn đồng/kg trở xuống. Nhưng khi mang về giết mổ và tẩm hóa chất bán ra cho người tiêu dùng với giá gà ta, gà thả vườn từ 70-80 ngàn đồng/kg, lợi nhuận cao gần gấp đôi.
Ngoài ra, có không ít người bán gà còn dùng Acid orange, một loại phẩm màu công nghiệp được dùng trong SX nhang và nhuộm vải để nhuộm cho da gà có màu vàng tươi hấp dẫn.
Loại phẩm màu này lại có giá rẻ hơn “bột sắt”, khoảng 70 nghìn đồng/kg, trong khi phẩm màu vàng tự nhiên dùng cho thực phẩm trên thị trường bán giá cao hơn rất nhiều lần.
Cách đây không lâu, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh cũng đã phát hiện một số đối tượng đang tổ chức giết mổ gia cầm trái phép tại khu vực đất trống thuộc ấp 3, xã An Phú Tây.
Các đối tượng nhanh chóng tẩu tán tang vật vi phạm, tại hiện trường chỉ còn vài con vịt sống và vịt đã được giết mổ, cùng với một số dụng cụ dùng để giết mổ, đặc biệt có một hộp hóa chất vàng dùng để nhuộm gia cầm sau khi giết mổ.
Còn tại quận Thủ Đức, cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra phát hiện 4 trường hợp vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch và tang vật xử lý tiêu hủy gồm 21 con gà sống và 127 kg thịt gà có màu da vàng óng.
Theo ông Nguyễn Minh Phúc, cán bộ giảng dạy Khoa Kỹ thuật hóa học (Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM), loại hóa chất mà cơ quan chức năng vừa phát hiện có thể đó là “bột sắt”, một loại hóa chất không xa lạ gì với người tiêu dùng trước đây.
Bởi loại bột này chỉ cần đổ vào nửa muỗng cà phê là có thể nhuộm vàng được cả trăm con gà.
Khi nhuộm xong thì nước màu sẽ ngấm sâu vào da gà, có rửa cũng khó bị phai nên rất khó phát hiện.
Trước đây, những người bán gà thường dùng bột nghệ để nhuộm màu nhưng màu không đẹp lại mau phai nên họ chuyển sang nhuộm bằng “bột sắt”.
Và đa số những cơ sở mổ gia cầm lậu kể cả những người bán gà “quán cóc, vỉa hè” đều dùng loại hóa chất này để nhuộm trước khi mang đi bán để thu lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, việc tạo ra hỗn hợp gồm “bột sắt” với “dầu hôi” của ông Diệp thì có lẽ đây là “công nghệ” chế biến mới và căn cứ vào thành phần hóa học của hỗn hợp thì nó có tác dụng không chỉ tạo màu da vàng óng mà còn “bảo quản” được lâu thịt gà không bị ôi, thối trong điều kiện nắng nóng, nhiệt độ bên ngoài cao.
Cũng theo ông Phúc, “bột sắt” là loại màu công nghiệp chứa chất 2,4 diaminoazobenzene hydrochloride.
Chất này được dùng trong công nghiệp sản xuất polymer, thuốc nhuộm tóc, SX cao su (chất chống ôxy hóa cao su), mực in... và nghiêm cấm sử dụng trong thực phẩm.
Chất bột màu này là dạng độc tố, khi tích lũy trong cơ thể người có khả năng gây tổn hại cho gan và thận, gây ung thư da, bàng quang.
Tiếp xúc thường xuyên sẽ gây viêm da nặng, kích ứng mắt và chảy nước mắt, hen suyễn, viêm dạ dày, suy thận, chóng mặt, run, co giật.
Loại này được dùng chủ yếu trong công nghiệp nhuộm, giá nhập từ Trung Quốc khoảng 100 ngàn nhưng mang về Việt Nam bán giá cao gấp 2-3 lần. Hóa chất này gây độc hại cho gan và thận, có thể gây chết người nếu ở liều lượng cao.
Related news
Sau khi được Nhà nước hỗ trợ khu tái định cư ở ấp Phước Thiện, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh chỉ vọn vẹn gần 01ha đất (gồm 0,5ha diện tích mặt nước để nuôi thủy sản, còn lại là đất nền nhà và đất trồng cây rừng), cuộc sống của vợ chồng ông Ngô Oanh Rương gặp rất nhiều khó khăn.
Ngày 19.7, ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: Đến nay, ngư dân các xã ven biển trên địa bàn tỉnh Bình Định đã thành lập 369 tổ, đội đoàn kết khai thác thủy sản trên biển với 1.424 tàu cá tham gia.
Nhiều năm qua, ngành hàng tôm luôn có giá trị cao trong nhóm đầu các mặt hàng thủy sản xuất khẩu (XK). Người dân chuyển đổi sản xuất theo nghề nuôi tôm từng làm giàu, đời sống sung túc. Thế nhưng từ đầu năm đến nay trước những thay đổi bởi thời tiết bất thường, dịch bệnh và thị trường XK sụt giảm, trong khi tôm nguyên liệu gặp cạnh tranh giảm giá đã đẩy người nuôi tôm lâm vào thế khó.
Năm tháng đầu năm nay, XK tôm của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 89,1 triệu USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thống kê của Trung tâm Thương mại thế giới (ITC), giá tôm Việt Nam hiện nay đang cao hơn so với giá NK trung bình của Hàn Quốc, và cũng cao hơn so với giá tôm của Ấn Độ khoảng 2 USD/kg và cao hơn của Trung Quốc 4 - 5 USD/kg.
Đuổi kịp xu hướng phát triển của nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng, nghề chăn nuôi gà truyền thống ở Thanh Chương (Nghệ An) đang được chuyển đổi theo hướng thương mại hoá. Trên nền tảng sẵn có vững chãi với điều kiện tự nhiên và con người thuận lợi, nuôi gà quy mô lớn đang mở ra cho người nông dân Thanh Chương một lối đi mới rất đáng để hy vọng.