Gà Hồ và hành trình đến với thương hiệu nổi tiếng
Qua thăng trầm của lịch sử, giống gà quý hiếm này được gìn giữ và phát triển để đến hôm nay, gà Hồ còn mang giá trị của một nguồn gen quý, một giống gà quý hiếm của Việt Nam có giá trị kinh tế, giá trị ẩm thực cao được người dân Lạc Thổ phát huy nhằm tạo dựng nên một thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Một cặp gà Hồ trưởng thành của gia đình ông Nguyễn Đăng Chung, thôn Lạc Thổ Bắc, thị trấn Hồ (Thuận Thành).
Bài 1: Gà Hồ - Một sản vật quý báu
Với người dân Lạc Thổ thì con gà Hồ chính là một sản vật quý mà cha ông để lại cho đến ngày nay.
Cùng với tranh dân gian Đông Hồ, thì gà Hồ chính là niềm tự hào, hãnh diện của người dân nơi đây.
Đối với những người được nuôi gà Hồ còn là niềm vinh dự, là nghĩa vụ thiêng liêng được cống hiến để gìn giữ và phát huy truyền thống quý báu của quê hương.
Giống gà có một không hai
Không chỉ với người chăn nuôi mà ngay cả với các nhà nghiên cứu khoa học ở Viện Chăn nuôi Quốc gia, Học viện Nông nghiệp Việt Nam… đều khẳng định gà Hồ là một giống gà quý hiếm “có một không hai” ở Việt Nam.
Điều quý hiếm trước hết là nó tồn tại qua hàng thế kỷ với biết bao thăng trầm, tưởng chừng như chỉ được biết đến qua truyền thống lễ hội ở địa phương, qua tranh dân gian Đông Hồ hay qua những câu chuyện kể của các bô lão làng Lạc Thổ.
Thế nhưng, đến ngày nay con gà Hồ vẫn tồn tại và phát triển trong cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây và trở thành một sản vật quý hiếm của người tiêu dùng khắp cả nước…
Tuy nhiên, nếu chỉ mang danh của giống gà quý hiếm, gà “tiến vua” thì chắc gà Hồ không thể được người dân ưa chuộng đến như vậy.
Vấn đề còn nằm ở những đặc trưng và phẩm chất của con gà Hồ mà từ nhà khoa học, người chăn nuôi đến người tiêu dùng đều công nhận và khen ngợi.
Đó chính là vẻ đẹp ngoại hình, phẩm chất thịt của con gà Hồ.
Về ngoại hình, gà Hồ là giống gà to, mau lớn, có ngoại hình màu sắc đẹp, thân hình cường tráng, hùng dũng nhưng thật hiền hậu.
So với các giống gà khác gà Hồ có đặc điểm chung là đầu gộc, mào gà (cả trống và mái) đều là mào sít (mào con chim sít), cao trường, vẩy chân mịn, mầu đỗ lành (hạt đỗ tương), ngón chân mập.
Gà trống có đặc điểm đầu gộc, mào sít, mã mận (màu mận chín) hoặc mã lĩnh (đen), đuôi nơm, chân to mầu hạt đỗ lành, vẩy chân mịn, vóc con gà trường, dáng oai phong, hùng dũng, khi trưởng thành con trống luôn hội đủ 5 phẩm chất của bậc quân tử: Văn, vũ, dũng, nhân, tín...
Gà mái cũng có đầy đủ các tiêu chí như gà trống, nhưng khác là gà mái nhỏ hơn, dáng bầu bĩnh, hiền lành và có 3 mầu: Mã thó (mầu đất thó); Mã nhãn (mầu quả nhãn chín) và Mã sẻ (mầu lông con chim sẻ).
Điều đặc biệt nhất là gà Hồ thường to lớn mà theo người dân nơi đây thì gà trưởng thành nặng trung bình từ 5-6 kg, có thời kỳ dự thi gà trống thuần chủng có thể nặng tới 9-10 kg nên gà Hồ còn có danh hiệu là Đệ nhất đô vật.
Về phẩm chất thì thịt gà Hồ rất thơm ngon, tuy gà to nhưng do được nuôi chủ yếu bằng phương pháp dân dã, tự nhiên nên thịt không khô bã, mà thịt hồng, thơm ngon, da dầy, giòn có giá trị dinh dưỡng cao…
Với những đặc trưng và phẩm chất như vậy nên xưa kia gà Hồ được chọn làm sản vật dâng lên vua chúa nên gà Hồ còn được gọi là gà tiến vua.
Ngày nay, mức độ quý hiếm và giá trị của gà Hồ được thể hiện khi người dân chủ yếu mua làm đồ cúng lễ, biếu tặng trong các dịp lễ, Tết.
Gắn với truyền thống của vùng đất cổ
Theo ông Nguyễn Đăng Chung - Chủ nhiệm CLB gà Hồ, làng Lạc Thổ, trị trấn Hồ thì giống gà này đã có lịch sử hình thành cách đây hơn 600 năm.
Căn cứ vào một số tài liệu còn lưu giữ, vào năm Minh Mệnh thứ 18 (năm 1837) tục gà thờ đã có và bắt đầu dần hoàn chỉnh.
Khi ấy các cụ bô lão, trưởng làng Lạc Thổ đã nghĩ đến việc mang giống gà quý của địa phương để tiến vua sẽ rất ý nghĩa, nên ra sức khuyến khích dân chúng tăng gia sản xuất, phát triển nông trang, chăn nuôi gà Hồ.
Để khuyến khích người dân nuôi gà Hồ, làng đã tổ chức tục lệ thi gà vào ngày mồng 4 tháng Giêng, trong lễ “khao trầu”.
Theo lệ làng, dân Lạc Thổ được chia ra các giáp.
Trong mỗi giáp sẽ họp bàn, quyết định chấm xem bao nhiêu người được nuôi gà trống thờ “khao trầu”.
Người được chọn phải rất mát tay chăn nuôi, tính tình cẩn thận, tỉ mỉ và quan trọng là đạo đức thuộc hàng sáng không một tì vết.
Thế nên ai được giáp “chấm” để nuôi gà lễ đều coi đó là một vinh dự cực lớn.
Tiêu chuẩn gà thi tối thiểu khi luộc chín phải cân nặng bằng ba quan tiền kẽm (một quan tiền kẽm hồi đó tính ra bây giờ thì nặng khoảng 1,2kg).
Gà thờ sau khi đã làm lông, mổ moi, luộc chín, bày lên mâm thau, nhìn con gà chín đầu cổ vươn cao, thân mập tròn, da gà có màu vàng bóng, hai cánh xòe ra, chân quỳ như gà đang bay...
Gà được rước ra nghè để tế thành hoàng, xong xuôi người ta đem gà ra cân, những con gà nặng nhất sẽ được trao thưởng bằng cơi trầu và 3 quan tiền.
Nếu nhất ba năm liền thì ngoài thưởng một năm còn được thưởng một cơi trầu, năm quan tiền và được tặng chức “Trưởng hóa’’ là người được cử ra lo việc chứa và phục dịch các việc trong tiệc ăn uống của dân làng trong một năm, miễn tuần canh, phu đê, tạp dịch mãi mãi…
Những năm qua, nhất là từ khi tái thiết đình làng thì ngày chính lễ hội được chuyển vào ngày 10 tháng 2 âm lịch hàng năm, tất cả các nghi lễ của hội làng đã được khôi phục đầy đủ dần và được mở trong 3 ngày, từ mùng 8 đến mùng 10.
Trong lễ hội có nhiều nét văn hóa đặc sắc với đầy đủ các nghi thức tế lễ, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, các trò chơi, môn thi đấu...
và nhất là không thể thiếu một nét văn hóa đặc sắc mà không nơi nào có được, đó là hội thi gà Hồ.
Tuy nhiên, bây giờ thể lệ thi đã thay đổi với việc thi cả cặp đôi trống mái, đơn trống và đơn mái (gà còn sống), và tiêu chí ngoài trọng lượng lớn, gà còn phải đẹp về hình thức, độ thuần chủng cao và có tiềm năng sinh sản tốt…
Cũng theo ông Chung thì ngoài giá trị kinh tế, chính truyền thống tốt đẹp của quê hương là nhân tố vô cùng quý báu để người dân nơi đây gìn giữ, bảo tồn và phát huy giống gà Hồ, giống gà được coi là quý hiếm bậc nhất trong thiên hạ - đứng đầu trong 5 giống gà Tiến Vua xưa kia trong công cuộc phát triển quê hương hôm nay.
Related news
Nấm Phytopthora hại rễ là nguyên nhân chính gây nên bệnh “chết nhanh” trên tiêu ở Tây Nguyên.
Trong những năm gần đây phong trào chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam phát triển mạnh, đây là khâu đột phá kinh tế mũi nhọn của địa phương tập trung nhiều nhất ở các xã: Cẩm Sơn, Tân Trung, Thành Thới A, Thành Thới B, Minh Đức… với tổng đàn heo toàn huyện lên đến trên 343.000 con, trong đó có 35 trang trại đang hoạt động tốt và 32 trang trại heo đảm bảo số lượng đàn giống sinh sản từ 20-100 con và heo thịt từ 100-500 con đều đạt tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh môi trường.
Từ năm 2005 đến nay, nghề chăn nuôi gà tây ở đây đã từng bước được phục hồi, tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trên phạm vi toàn quốc, một phần đã được xuất qua các quốc gia láng giềng: Lào, Campuchia
Cũng gây điên đảo không kém giá vàng, mặt hàng hồ tiêu đang gây sốc trên thị trường nông sản khi liên tục tự phá vỡ kỷ lục của mình từng ngày, thậm chí từng giờ. Sở dĩ giá hồ tiêu của Chư Sê luôn đứng đầu bảng vì chất lượng và thương hiệu đã được khẳng định. Ông Bính cũng cho biết, người dân Chư Sê cũng có ý thức hái tiêu chín để luôn có sản phẩm chất lượng cao, giá thành tốt
Ngày 30-4, TS Nguyễn Hữu Đạt, giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Bộ NN&PTNT), cho biết lô thanh long đầu tiên của VN xuất khẩu sang thị trường Chile đã đến nơi an toàn, chất lượng tốt.