FPT và Fujitsu thử nghiệm nông nghiệp thông minh tại Việt Nam
Hai bên công bố hoàn thành xây dựng Trung tâm hợp tác nông nghiệp thông minh FPT - Fujitsu (FPT-Fujitsu Akisai Farm and Vegetable Factory) tại Hà Nội, ứng dụng điện toán đám mây Akisai Cloud, nằm trong Hệ thống giải pháp Xã hội thông minh của Fujitsu. Đây là kết quả bước đầu trong khuôn khổ dự án hợp tác được hai tập đoàn giới thiệu vào tháng 10/2014.
Với diện tích hơn 400m2, Trung tâm là nơi ứng dụng các kỹ thuật tối tân, kiến thức và bí quyết trong lĩnh vực nông nghiệp mà hãng công nghệ Nhật đã đúc rút được. Hai mô hình "Nhà kính - Green house" và "Nhà máy rau - Vegetable factory" được vận hành để trồng thử nghiệm và giới thiệu những loại rau có giá trị gia tăng cao. Sau giai đoạn vận hành thử nghiệm ứng dụng công nghệ Akisai, FPT và Fujitsu sẽ chính thức khai trương Trung tâm nông nghiệp thông minh, dự kiến vào ngày 24/2/2016.
Akisai là một dịch vụ trong gói giải pháp Xã hội thông minh Fujitsu Intelligent Society Sollution, được đưa ra thị trường năm 2012 nhằm thúc đẩy đổi mới ứng dụng CNTT trong nông nghiệp. Tại Nhật và nhiều quốc gia trên thế giới, Fujitsu đã thành công trong việc triển khai Akisai Cloud, giúp người nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất trồng trọt đồng thời giảm chi phí canh tác.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, từng bày tỏ trăn trở khi nông nghiệp Việt Nam có năng suất lao động còn thấp hơn cả Lào, Campuchia và chỉ có ứng dụng CNTT mới giải quyết được vấn đề này. Còn theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp rất cần CNTT để tạo ra "năng suất ghê gớm”, hình thành nên một nền nông nghiệp chính xác, thông minh.
Thông qua Trung tâm hợp tác nông nghiệp thông minh, FPT và Fujitsu mong muốn Chính phủ cũng như các doanh nghiệp cùng chung tay ứng dụng công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của mô hình nông nghiệp thông minh tại Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển hơn nữa của nền nông nghiệp Việt Nam.
Related news
Đà Lạt (Lâm Đồng) hiện là một trong số ít địa phương được đánh giá đi đầu cả nước về mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC).
Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC Unifarm được UBND tỉnh Bình Dương quyết định thành lập năm 2009. Sau khi nhận được giấy phép, Unifarm đã nhanh chóng nhập khẩu thiết bị, mời chuyên gia nước ngoài về làm việc và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2010. Với quy mô gần 412 ha, được chia thành nhiều phân khu chức năng như khu nghiên cứu, khu SX...
Ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trong nông nghiệp được hiểu là đưa công nghệ và kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế.