Được Mùa Ruốc Biển

Những ngày này, làng biển Thủy Đầm, Bá Hà… (phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) nhộn nhịp từ sớm bởi từng chiếc ghe thuyền đầy ắp ruốc cập bờ, mang theo bao niềm vui cho ngư dân.
Vừa trở về sau chuyến khai thác ruốc biển, ông Phan Cảo (thôn Thủy Đầm, phường Ninh Thủy) cho biết, khai thác ruốc không phải là nghề chính của ngư dân Ninh Thủy, nhưng năm nay ruốc xuất hiện dày nên nhiều tàu thuyền khai thác xa bờ ở Ninh Thủy đã tranh thủ ở lại bờ để khai thác.
“Hơn 1 tuần nay, ruốc biển nhiều nên tàu tôi chưa vội đi câu cá nhám mà ngày nào cũng ra biển cào ruốc, mỗi chuyến đi cũng khai thác được 6 - 7 tạ ruốc tươi. Khi về bờ có thương lái tiếp cận thu mua ngay, giá bán lại cao nên thu nhập của ngư dân rất khá” - ông Cảo chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thông thường mùa ruốc biển ở vùng biển vịnh Vân Phong bắt đầu từ khoảng tháng 10 Âm lịch và kéo dài đến hết tháng Giêng năm sau. Năm nay, mùa ruốc đến muộn hơn nhưng đầu mùa sản lượng khai thác được khá cao. Ngư dân Phan Kim (thôn Bá Hà, phường Ninh Thủy) cho hay: “Gần đây, có thể do ảnh hưởng của thời tiết, có bão nên ruốc xuất hiện gần bờ, đi theo từng luồng rất dày.
Để đánh bắt ruốc, ngư dân dùng ánh sáng đèn dụ đàn ruốc tập trung rồi lấy vợt xúc; hoặc cào ruốc ở tầng nổi vào ban ngày với loại lưới dày. Tuy mới đầu mùa, nhưng nhiều ngư dân đã trúng đậm ruốc biển. Như gia đình chúng tôi, cứ khoảng 5 giờ sáng thì bắt đầu đi biển đến khoảng 12 giờ trưa lại về; mỗi chuyến như vậy có thể khai thác được khoảng 25 giỏ ruốc (mỗi giỏ 25kg), nhiều hơn những năm trước 3 - 4 giỏ”.
Khoảng 8 giờ sáng, đứng trên bờ biển phường Ninh Thủy nhìn ra vùng biển phía Nam vịnh Vân Phong, cách bờ chừng 1 - 2 hải lý có hàng chục ghe, tàu ngược xuôi cào ruốc. Còn ở trên bờ, nhiều người đứng đợi tàu vào với tâm trạng hồ hởi. Hướng mắt nhìn ra biển ngóng tàu của 3 người con trai đang đi cào ruốc, ông Lê Văn Hai (thôn Thủy Đầm) cho biết, hơn tuần nay, hôm nào tàu của gia đình ông cũng đánh bắt được 4 - 5 tạ ruốc biển tươi. Sau khi trừ chi phí, biển cho “lộc” khoảng 6 - 7 triệu đồng/chuyến.
Đến phường Ninh Thủy lần này, chúng tôi chứng kiến niềm vui của những ngư dân như được nhân đôi khi giá ruốc đang ở mức cao. Hiện ngư dân đưa ruốc vào bờ bán với giá khoảng 400.000 - 500.000 đồng/giỏ 25kg (khoảng 16.000 - 20.000 đồng/kg). Chính vì vậy, mỗi chuyến biển của ngư dân đi cào ruốc được khoảng 20 - 30 giỏ/chuyến, thu nhập đạt 8 - 15 triệu đồng. Ông Hai tâm sự: “Nhờ được mùa, được giá nên những ngày này, gia đình nào có tàu cũng tận dụng hết thời gian để ra khơi khai thác ruốc biển, có ngày đi 2 chuyến”.
Trò chuyện với chúng tôi khi đang thu mua ruốc tươi về phơi khô, bà Nguyễn Thị Phượng (ở thị xã Ninh Hòa) cho biết: “Hiện nay, tại các địa phương ven biển của thị xã Ninh Hòa có rất nhiều điểm thu mua ruốc tươi, sau đó phơi khô bán lại cho thương lái tỉnh khác và các điểm thu mua xuất khẩu, giá ruốc khô khoảng 150.000 - 180.000 đồng/kg. Tại mỗi điểm, trung bình mỗi ngày thu mua được 4 - 5 tấn ruốc tươi. Như điểm thu mua của gia đình tôi, từ đầu mùa đến nay đã thu mua được gần 50 tấn”.
Theo ông Phạm Tấn Đang - Chủ tịch UBND phường Ninh Thủy, từ nhiều năm nay, khi ruốc xuất hiện, ngư dân trên địa bàn phường dừng các nghề khai thác xa bờ để đi khai thác ruốc. Hiện có hơn 70 tàu thuyền của ngư dân Ninh Thủy đi khai thác ruốc ở vùng biển phía Nam vịnh Vân Phong, mỗi tàu có khoảng 4 - 6 ngư dân cùng đi. So với những nghề khác, khai thác ruốc cho thu nhập cao hơn nhiều, mỗi ngư dân có thể kiếm được tiền triệu mỗi chuyến.
Nguồn bài viết: http://www.baokhanhhoa.com.vn/kinh-te/201412/duoc-mua-ruoc-bien-2356594/
Related news

Trên 5 công đất lúa, nông dân Lê Văn Danh (ấp An Nhơn, xã Lương Phi, Tri Tôn, An Giang) thử nghiệm chuyển đổi trồng đậu nành, với 4 loại giống triển vọng: VĐ19, HLĐN29, HL07-15, 17A. Sau 3 tháng canh tác, ông Danh thu hoạch được 200 kg/công, bán 17.000 đồng/kg, thu lợi nhuận gần 1,7 triệu đồng/công.

Việc liên tục gặp vướng mắc, đề nghị bạn hàng gửi thư xác nhận không những ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động XK của chính DN mà còn ảnh hưởng tới uy tín của NAFIQAD đối với cơ quan thẩm quyền của nước NK, phát sinh thêm nguồn lực, thời gian của NAFIQAD để giải quyết các vụ việc.

Nhiều năm qua, thanh long trở thành loại cây trồng “ưa chuộng” của nông dân tỉnh Bình Thuận. Dù giá cả có lúc trồi sụt nhưng về tổng thể, trồng thanh long hiện vẫn cho thu nhập cao gấp 3 - 5 lần so với trồng lúa và cao gấp hàng chục lần so với một số loại hoa màu khác.

Trong 9 tháng đầu năm 2014, khối lượng thủy sản NK vào Nga giảm 19,2%, trong khi thủy sản XK sang Ukraine giảm 58%. Ngày 7/8/1014, Nga ban hành lệnh cấm NK thực phẩm từ Australia, Canada, EU, Mỹ và Na Uy.

Cáo buộc về việc lạm dụng lao động trong ngành thủy sản khiến Thái Lan nỗ lực đẩy mạnh quảng bá ngành tôm ở Châu Âu. Thủy sản chiếm 40% XK thực phẩm của Thái Lan và một điểm tựa của nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, hình ảnh của ngành thủy sản đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi những cáo buộc về việc sử dụng lao động di cư bất hợp pháp, bắt họ phải lao động không lương trên biển trong nhiều năm.