Đưa Nông Sản Sang Nga Chăn Nuôi Vắt Chân Đón Cơ Hội
Bộ NN-PTNT đang chạy đua với thời gian nhằm tháo gỡ các thủ tục cho các mặt hàng nông sản, đặc biệt là sản phẩm thịt lợn XK sang Nga.
Trước mắt dự kiến ngày 20/10 tới, phía Nga sẽ sang Việt Nam để làm việc và trực tiếp kiểm tra, trọng tâm là các DN đăng ký XK thịt.
Khai thông trở lại
Theo Bộ NN-PTNT, sau khi dừng NK nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt là các sản phẩm chăn nuôi từ Mỹ và EU và Canada, Nga đang chuyển hướng mở cửa NK nông sản từ một số thị trường khác, trong đó có Việt Nam (VN). Đây là cơ hội lớn cho XK nông sản nước ta, đặc biệt với ngành chăn nuôi vốn đang gặp rất nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ.
Ngày 11/10 vừa qua, Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã kết thúc chuyến làm việc với Bộ Nông nghiệp và Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga để tháo gỡ các vướng mắc giữa hai bên nhằm sớm đẩy mạnh trở lại việc XK các mặt hàng nông sản, đặc biệt là khơi thông trở lại việc XK thịt của VN sang Nga vốn đã đình trệ từ lâu.
Thông tin từ đoàn công tác của Bộ NN-PTNT vừa tại Nga trở về cho biết, mặc dù để XK thịt sang Nga còn rất nhiều khó khăn cần giải quyết, tuy nhiên tinh thần chung cho thấy, phía Nga sẽ nới lỏng hơn các biện pháp kiểm soát đối với hàng nông sản VN so với trước.
Đối với mặt hàng thịt lợn, Cục Thú y cho biết, trước năm 1996, đã từng có 8 DN đã được phía Nga cho phép XK thịt lợn, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân nên đến trước năm 2006, chỉ còn duy nhất Cty TNHH Kỹ nghệ súc sản Vissan được phía Nga cấp phép. Tuy nhiên sau đó, do xuất hiện dịch LMLM nên toàn bộ các sản phẩm thịt lợn của VN đã bị cấm vào Nga.
Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) cho biết, khác với các thị trường khác như EU, Mỹ, Nhật... thường kiểm soát việc cho phép NK thông qua các tiêu chuẩn chất lượng chung của thế giới như Codex, thị trường Nga có đặc thù riêng khá khó khăn, đó là họ vẫn đang duy trì phương thức cấp phép NK cho từng DN XK lẫn NK.
Theo đó, họ chỉ cấp phép hạn chế theo kiểu quota về chủng loại sản phẩm, số lượng, thời gian cho phép NK. Điều này có nghĩa muốn XK được thịt lợn sang Nga, DN nước ta phải có hai yếu tố: Một là phải có hợp đồng thương mại với nhà NK, và DN đó lẫn nhà NK phải đều được phía Nga cấp phép...
Như vậy, Bộ NN-PTNT sẽ phải lập một danh sách các DN trong nước có nhu cầu và đủ năng lực XK thịt lợn sang Nga, sau đó phía Nga sẽ trực tiếp cử đoàn công tác sang VN để trực tiếp kiểm tra và cấp phép cho từng DN nếu đủ yêu cầu.
Bộ NN-PTNT cho biết, dự kiến ngày 20/10 tới, phía Nga sẽ cử đoàn công tác sang làm việc với Bộ NN-PTNT và trực tiếp kiểm tra các DN theo danh sách mà phía VN đề xuất. Tuy nhiên, hiện phía Nga chưa tiết lộ sẽ kiểm tra các địa điểm và những tiêu chí nào.
Nafiqad cho biết thêm, hiện phía Nga đã chuyển cho Nafiqad và Cục Thú y hồ sơ bằng tiếng Nga về điều kiện và quy trình để có thể XK thịt vào nước này.
Khẩn trương tìm DN
Để chuẩn bị cho màn ra mắt với phái đoàn của Nga sẽ sang VN vào tuần sau, hôm qua (14/10), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cùng các đơn vị của Bộ đã có cuộc họp bàn, khẩn trương các công tác chuẩn bị.
Theo đó, Thứ trưởng Vũ Văn Tám giao Cục Chăn nuôi phối hợp với Cục Thú y, Nafiqad gấp rút rà soát, lập danh sách các DN ngành chăn nuôi có nhu cầu và năng lực để gửi cho phía Nga trước ngày 16/10.
Ông Tám cho biết, trước mắt, do thời gian rất gấp nên căn cứ vào đề xuất của Cục Chăn nuôi và các Sở NN-PTNT, từ đó lập danh sách DN tạm thời dựa trên các thông tin về năng lực SX, chế biến để lựa chọn DN phù hợp. Trong tuần này, Cục Thú y phối hợp với Cục Chăn nuôi và Nafiqad thành lập tổ công tác xuống các DN để kiểm tra “tiền trạm” nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất.
Về năng lực của các DN, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá, nhiều DN do một thời gian dài đình trệ nên dây chuyền chế biến “đắp chiếu” nhiều năm khó có thể khôi phục trong ngày một ngày hai.
Một số DN chăn nuôi lớn không có dây chuyền chế biến, trong khi DN có dây chuyền chế biến lại không có vùng nguyên liệu. Tuy nhiên theo ông Vân, việc tìm kiếm DN đủ điều kiện và năng lực XK thịt đi Nga không phải là không có.
Theo gợi ý của Cục Chăn nuôi, trước mắt Cục sẽ đề xuất một số DN mới, đang có tiềm lực mạnh về chăn nuôi lẫn chế biến để trình cho phía Nga. Tiêu biểu như Cty Dabaco (công suất chế biến thịt 100 nghìn tấn/tháng, gồm cả thịt gà và lợn); Cty Green food; Cty TNHH Minh Hiền (Hà Nội) với công suất chế biến giết mổ 100 nghìn tấn/tháng; Cty CP XK Thực phẩm Foodex (Hà Nội); Cty CP Thái Dương...
Trong số này, Cty Dabaco và Cty Foodex được đánh giá là hoàn toàn có khả năng đáp ứng yêu cầu của phía Nga về năng lực SX và điều kiện vệ sinh ATTP khi sở hữu các dây chuyền giết mổ, chế biến rất hiện đại, kho lạnh đảm bảo tiêu chuẩn của Nga.
Đặc biệt Cty Foodex có vùng nguyên liệu liên kết giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc với hàng trăm trang trại có thể đảm bảo các yêu cầu của Nga về an toàn dịch bệnh, đặc biệt là tại các huyện Vĩnh Tường và Lập Thạch (Vĩnh Phúc), đồng thời có dây chuyền giết mổ chế biến với khả năng đảm bảo từ 300-400 nghìn tấn thịt/tháng. Đây cũng là DN có quan hệ khá thông thạo thị trường Nga.
Bên cạnh đó, Cục Chăn nuôi cho biết sẽ nghiên cứu bổ sung thêm nhiều DN, trong đó một số cái tên đáng chú ý như các đơn vị thuộc Cty C.P Việt Nam, Cty CP Thực phẩm Đức Việt, Cty CP Chế biến Thực phẩm Nông sản XK Nam Định; Cty CP XNK Thực phẩm Thái Bình (đã từng được Nga cấp phép XK thịt lợn trước 2006)...
“Mặc dù phía Nga chưa cho biết địa điểm và các tiêu chí kiểm tra cụ thể trong chuyến làm việc tới, tuy nhiên nhiều khả năng họ kiểm tra trước hết tại các nhà máy chế biến giết mổ của các DN, sau đó có thể sẽ là các vùng chăn nuôi cụ thể của các DN này. Vì vậy, các DN đã đăng ký XK sẽ phải có bước chuẩn bị chu đáo nhất” – ông Hoàng Thanh Vân nhận định.
Related news
Vào ngày cuối cùng của năm, 31/12/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 101/NQ-CP thống nhất chưa thực hiện các quy định tại điểm b và điểm c Khoản 3 Điều 6 của Nghị định số 36/2014/NĐ-CP (NĐ 36) với sản phẩm cá tra philê XK là: phải đảm bảo hàm lượng nước tối đa không được vượt quá 83% so với khối lượng tịnh và tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng phải phù hợp với quy định của nước nhập khẩu, các trường hợp khác tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10% đến hết ngày 31/12/2015.
Giá dầu giảm sâu, giá hải sản giữ ổn định là động lực, niềm vui lớn để ngư dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đưa tàu vươn khơi bám biển. Với những điều kiện thuận lợi trên, ngành nông nghiệp dự báo khai thác thủy sản sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng trong thời gian tới.
Năm 2015, HTX tiếp tục chăm lo lợi ích, nâng cao lợi nhuận cho thành viên và đề ra chỉ tiêu kết nạp thêm 10 hộ thành viên mới, huy động thêm vốn điều lệ từ 900 triệu lên 1 tỉ đồng, mua bảo hiểm cho 90% người tham gia HTX, sản xuất cá thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 2.000 tấn, có 100% thành viên được học tập kỹ thuật nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP, phấn đấu lợi nhuận chung của HTX lên 4 tỉ đồng…
Đây cũng là chợ cung cấp thủy, hải sản lớn nhất thế giới. Sản lượng cung cấp mỗi ngày lên tới 1.800 tấn, trong đó cung cấp khoảng 480 loại thủy, hải sản đến từ khắp nơi trên thế giới. Tsukiji Market cũng là nơi tập hợp tất cả các sản phẩm thủy, hải sản có chất lượng cao từ khắp nơi trên thế giới.
Mặt hàng tôm xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng trưởng hơn 32% đã giúp Việt Nam vượt qua Thái Lan, lên đứng thứ 4 toàn thế giới cung cấp tôm xuất khẩu vào thị trường Mỹ về số lượng và vượt lên trên Ecuador xếp thứ 3 về giá trị. EU là thị trường đứng thứ 2 xuất khẩu tôm của Việt Nam với mức tăng trưởng hơn 17%.