Dưa Hấu Thuận Đường Sang Trung Quốc
Thương lái Trung Quốc đang mua dưa hấu của Việt Nam với giá cao (khoảng 8.000 – 9.000 đồng/kg) và chưa xảy ra tình trạng ép giá đối với mặt hàng nông sản này.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn), trong 10 ngày trở lại đây, trung bình mỗi ngày có khoảng 300 xe chở nông sản (trong đó 80 – 90% là dưa hấu) đăng ký thủ tục thông quan sang Trung Quốc.
Điều đáng nói, thương lái Trung Quốc đang mua dưa hấu của Việt Nam với giá cao (khoảng 8.000 – 9.000 đồng/kg) và chưa xảy ra tình trạng ép giá đối với mặt hàng nông sản này.
Kéo dài thời gian mở cửa khẩu thêm 2 giờ
Theo ghi nhận thực tế của PV NNVN vào hôm qua (24/3), trên quốc lộ 4A, mật độ phương tiện giao tăng bất thường do hàng trăm xe trọng tải lớn chở nông sản (chủ yếu là dưa hấu) từ các tỉnh, thành thuộc khu vực Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai; các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ như Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên và TP Hồ Chí Minh di chuyển về cửa khẩu Tân Thanh. Tỉnh Lạng Sơn đã huy động lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động để phân làn và điều tiết giao thông trên tuyến đường này.
Khung cảnh bãi đỗ xe cạnh Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh với sức chứa khoảng 350 xe luôn trong tình trạng chật kín, một số phương tiện phải dừng đỗ tạm thời trên đoạn đường dài khoảng 2 km để chờ di chuyển qua biên giới.
Ông Chu Bá Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh cho biết: So với cùng thời điểm này năm 2013, số lượng xe chở dưa hấu đăng ký thủ tục thông quan sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh nhiều hơn do vụ dưa năm nay được mùa. Dưa hấu được xuất sang Trung Quốc từ đầu năm, nhưng tăng đột biến từ ngày 16/3 đến nay (với số lượng trung bình khoảng 200 – 250 xe một ngày) do bước vào thời kỳ cao điểm thu hoạch chính vụ.
Trước đó, các cơ quan, Ban ngành, đặc biệt là Sở Công thương, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn và Bộ đội Biên phòng đã dự báo đúng tình hình, nên đã có những buổi tiếp xúc, đàm phán với Hải quan Trung Quốc thống nhất lùi thời gian đóng cửa cửa khẩu Tân Thanh từ 19 giờ tối (như thường lệ) lên 21 giờ tối bắt đầu từ ngày 17/3, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và thương lái có thêm thời gian trao đổi, mua bán hàng hóa.
Dưa hấu và các mặt hàng nông sản khác như khoai lang, chuối… không nằm trong danh mục áp thuế, được Chính phủ khuyến khích xuất khẩu. Do đó, Cục Hải quan Lạng Sơn và Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh đã tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp, thương lái có thể hoàn thành thủ tục thông quan trong thời gian 5 phút. Tuyệt đối không để doanh nghiệp phải chờ đợi quá lâu ở khu vực biên giới Việt Nam, ảnh hưởng đến công tác bảo quản nông sản.
“Điều đáng nói, mặc dù số lượng dưa hấu xuất sang Trung Quốc lên tới vài ngàn tấn/ngày, nhưng chưa xuất hiện tình trạng thương lái ép giá. Giá thu mua của thương lái Trung Quốc trong khoảng 10 ngày trở lại đây luôn ổn định ở mức trung bình 8.000 – 9.000 đồng/kg. Loại dưa ngon lên tới 10.000 đồng/kg. Và một dấu hiệu vui không kém, đó là số lượng dưa hấu thải loại phải chuyển ngược lại biên giới Việt Nam do mẫu mã xấu, trọng lượng không đảm bảo và chất lượng không ngon rất ít”, ông Toàn nói.
Ông Toàn cho biết thêm, giá thu mua dưa hấu của thương lái Trung Quốc như hiện nay rất có lợi cho cả nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu. Bởi những năm trước, cụ thể là năm 2012, có thời điểm nước bạn mua dưa hấu của Việt Nam với giá từ 1.000 – 1.500 đồng/kg, xe tải chất đầy dưa ở khu vực gần cửa khẩu hàng tuần trời vẫn không bán được.
Vài trở ngại
Theo ông Chu Bá Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, với số lượng xe chở nông sản tăng đột biến như hiện nay, nguy cơ giá dưa hấu của Việt Nam bị thương lái Trung Quốc ép giá trong thời gian tới là có khả năng xảy ra.
Nguyên nhân chủ yếu do chúng ta chưa xây dựng được các Hiệp hội sản xuất và kinh doanh các mặt hàng nông sản; chưa quan tâm đầu tư xây dựng kho lạnh để bảo quản nông sản lâu hơn.
Do đó, chúng ta thu hoạch đồng loạt và bán ồ ạt cùng một lúc. Mặt khác, việc xuất khẩu dưa hấu chủ yếu qua đường tiểu ngạch như lâu nay chúng ta vẫn làm là rất bấp bênh, hoàn toàn bị lệ thuộc vào chính sách biên mậu của nước bạn.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, một trong những vấn đề cản trở hoạt động xuất khẩu nông sản vào thời điểm thu hoạch dưa hấu của Việt Nam sang Trung Quốc là cơ sở hạ tầng như bến bãi, và lực lượng bốc xếp hàng thiếu trầm trọng. Kho chứa hàng bên phía Việt Nam chỉ có thể phục vụ được 300 – 350 xe, nhưng điều đó chưa đáng ngại, vì các phương tiện có thể tạm đỗ dọc các tuyến đường. Tuy nhiên, kho chứa bên phía Trung Quốc lại nhỏ hơn (từ 200 – 250 xe) và không đủ lực lượng bốc xếp hàng.
Bà Vũ Thị Thành, 49 tuổi, một doanh nghiệp tư nhân chuyên xuất dưa hấu từ Bình Định sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh cho biết: Những năm trước, phía Trung Quốc bắt được nhiều lao động vượt biên trái phép và lái xe không có giấy tờ xuất nhập cảnh. Từ tháng 10/2013, Trung Quốc tìm cách khống chế người lao động tự do của Việt Nam.
Cụ thể, trước đây toàn bộ cư dân vùng biên sang lao động ở Trung Quốc được cấp một cuốn sổ thông hành có giá trị trong thời gian 3 tháng. Họ có thể sáng đi tối về nhà chỉ với 30.000 đồng vé xe.
Bây giờ, cư dân vùng biên vẫn được cấp sổ thông hành (thời gian kéo dài lên 1 năm) nhưng bắt buộc phải đi qua cửa khẩu Hữu Nghị. Mà đi qua cửa khẩu Hữu Nghị thì phải mất 200.000 đồng mới đến được nơi làm việc. Nhiều người chán không muốn đi làm.
Lực lượng bốc xếp hàng tại các bến bãi bên phía Trung Quốc vô cùng khan hiếm. Xe chở nông sản phải nằm chờ ở bãi lâu gây ra tình trạng quá tải. Điều đó giải thích cho tình trạng ùn cục bộ tại khu vực trước cửa khẩu ở nước ta chứ hoàn toàn không phải do thương lái Trung Quốc hạn chế mua dưa hấu của Việt Nam.
Cũng theo bà Thành, việc hạn chế số lượng xe chở dưa hấu sang lãnh thổ Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh về mặt nào đó lại có lợi bởi thương lái Trung Quốc không có cơ hội để ép giá như những năm trước. Hiện tại bà Thành đang bán 9.000 đồng/kg dưa hấu cho phía Trung Quốc. Với mức giá này, bà thu mua của nông dân với giá 5.000 đồng/kg, tại ruộng.
Related news
Nam bộ bao gồm 21 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ, hiện có diện tích cây ăn trái 415.800 ha, sản lượng khoảng 4,3 triệu tấn, chiếm 53,2% về diện tích và 57% về sản lượng trái cây trong nước. Gần đây, sản xuất trái cây ở Nam bộ có những bước tăng trưởng khá nhanh về cơ cấu và sản lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Giá củ mì nguyên liệu tăng cao đột biến trong khoảng 5 tháng gần đây có nguyên nhân do thiếu hụt nguyên liệu nên nhiều nhà máy tranh nhau mua, đẩy giá thu mua lên cao.
Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) vừa nhận định giá lương thực toàn cầu có thể tiếp tục giảm trong những tháng tới, sau khi đã xuống tới mức thấp nhất trong hơn 1 năm vào tháng 7 vừa qua, do nguồn cung dồi dào.
Theo đánh giá ban đầu của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NNPTNT, hiện trung bình mỗi tỉnh người dân bỏ ruộng với diện tích từ 100ha trở lên.
Vừa qua, tại Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (An Thái Trung, Cái Bè) đã diễn ra Hội nghị triển khai Quy chế quản lý đàn cá tra bố mẹ chọn giống. Đồng chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và ông Nguyễn Văn Trọng Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, cùng hơn 30 đại biểu là lãnh đạo Sở NN&PTNT, chi cục thủy sản, trung tâm giống và các cơ sở sản xuất giống có nhận đàn cá tra chọn lọc của 10 tỉnh vùng ĐBSCL.