Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dưa Hấu Bấp Bênh, Nông Dân Nghĩa Đàn Chuyển Sang Trồng Bí

Dưa Hấu Bấp Bênh, Nông Dân Nghĩa Đàn Chuyển Sang Trồng Bí
Publish date: Thursday. May 15th, 2014

Những năm gần đây, người nông dân Nghĩa Đàn (Nghệ An) chú trọng trồng cây dưa hấu nhưng giá cả bấp bênh lại sâu bệnh nhiều nên thất thu. Năm 2014 nhiều xã đã định hướng cho người dân chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả hơn. Ở xã Nghĩa Bình, nhờ nắm bắt được nhu cầu thị trường nên nông dân đã chuyển từ cây dưa sang trồng 20 ha cây bí xanh và bí đỏ cho thu nhập cao...

Gia đình anh Ngô Thanh Đắc ở xóm Bình Nghĩa, xã Nghĩa Bình, Nghĩa Đàn có 12 sào cây cao su năm thứ 3. Các năm trước, gia đình trồng dưa hấu xen giữa tán cao su nhưng theo anh trồng dưa rất vất vả, ngoài việc túc trực để phun thuốc trừ sâu, bơm nước thì công chăm sóc cũng rất lớn, rủi ro lại cao do cây dưa hay bị bệnh chết ẻo. Năm nay gia đình quyết định chuyển sang trồng cây bí xanh đặc ruột.

Qua trồng và chăm sóc cho thấy đây là cây cho giá trị kinh tế cao hơn. Anh Ngô Thanh Đắc cho biết: “Với 12 sào bí này tôi đầu tư 12 triệu tiền giàn để bí leo, giàn này sử dụng được 3 mùa. Hiện nay gia đình đang thu hoạch lứa đầu tiên bán với giá 8.000 đồng/kg. Dự tính nếu giá này thì gia đình thu lãi 100 triệu đồng”.

Gia đình anh Nguyễn Văn Bảy xóm Bình Nghĩa, xã Nghĩa Bình đang tập trung thu hoạch bí xanh lứa thứ 2. Dù 8 sào bí xanh của anh ở khá xa nhưng thương lái Hà Nội vẫn đánh xe ô tô vào tận ruộng thu mua. Gia đình anh Bảy là người đầu tiên thử nghiệm trồng bí ở xã Nghĩa Bình vào năm 2013, năm ngoái với 8 sào bí trừ chi phí cho gia đình lãi 80 triệu, năm nay anh tiếp tục trồng và trồng thêm 1 ha bí trốc khỉ. Hiện tại với 8 sào bí xanh đã thu hoạch lứa đầu với giá 10 nghìn đồng/kg.

Trung bình mỗi quả bí nặng từ 2,5 đến 3 kg thì mỗi lứa cho gia đình hơn 20 triệu đồng. Với trung bình 4 lứa trên mỗi vụ nếu thuận lợi cũng mang về thu nhập 60 đến 80 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Bảy cho biết thêm: “Mỗi năm gia đình làm 2 vụ bí, 1 vụ ngô.

Những năm trước làm dưa cực quá, lo lắng mất ăn mất ngủ từ khi trồng đến khi thu hoạch, trồng bí khỏe hơn nhiều mà tiêu thụ cũng dễ. Năm nay ngoài cây bí xanh tôi mạnh dạn trồng thêm 1ha bí đỏ trốc khỉ. Năng suất khá mà khâu tiêu thụ cũng dễ, chuẩn bị thu hoạch đã có người đến đặt hàng”.

Không chỉ gia đình anh Đắc, anh Bảy mà nhiều nông dân trồng bí ở Nghĩa Bình cũng thấy được những thuận lợi cả khi trồng và tiêu thụ cây bí, ngoài chi phí ít hơn thì lúc thu hoạch muộn ít ngày cũng không sợ bí hỏng vì loại quả này để được lâu. Sau mỗi vụ bí lại có thể trồng thêm một vụ ngô để tiếp tục quay vòng mà không sợ hư đất.

Thời gian qua, xã Nghĩa Bình đã chuyển giao đất cho các dự án trên địa bàn là hơn 800 ha, bao gồm cả đất ở Nông trường 1/5. Hiện tại đất nông nghiệp của xã tập trung nhiều ở hai xóm là Bình Nghĩa, Bình Hải. Các năm trước người dân chủ yếu trồng dưa hấu và ngô, trong đó năm 2013 có hơn 57 ha dưa hấu.

Thấy trồng cây dưa bấp bênh, chi phí nhiều nên năm 2013 Nghĩa Bình đã chỉ đạo trồng 7 sào cây bí xanh và hơn 4 ha cây bí đỏ. Qua quá trình làm cho thấy hiệu quả 2 loại cây này hơn hẳn cây dưa và các loại cây màu khác. Vì vậy năm 2014, nông dân Nghĩa Bình tiếp tục nhân rộng hơn 4 ha cây bí xanh và 15 ha cây bí đỏ.

Nếu như năm ngoái diện tích dưa hấu của toàn xã là hơn 57 ha thì nay chỉ còn 40 ha. Bước đầu chuyển đổi người dân rất phấn khởi, với giá bí xanh trung bình 7.000 đồng/kg và bí đỏ là 3.500 đồng/kg thì mỗi vụ 3 tháng người dân có thu nhập trung bình 70 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó thì cây bí có lợi thế hơn dưa hấu là trồng 2 vụ/năm, chi phí và công chăm sóc lại ít hơn, đặc biêt đầu ra sản phẩm người dân không phải lo lắng vì có thương lái đến tận nơi mua.

Ông Phạm Hải - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Bình cho biết: “Năm 2013 trong chương trình xây dựng nông thôn mới xã đã hỗ trợ 150 triệu để nhân dân chăn nuôi, năm nay Nghĩa Bình đang làm đề án hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng sang trồng bí xanh và bí đỏ trốc khỉ.

Với gần 20 ha bí xanh và bí đỏ bước đầu đánh giá thấy hiệu quả hơn hẳn cây trồng khác, xã tiếp tục khuyến khích người dân chuyển đổi và đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án để hỗ trợ nông dân. Trong quá trình trồng, người dân cũng rất phấn khởi, chủ yếu trồng xen những cây này trong vườn cao su, tập trung nhiều ở Bình Nghĩa, Bình Hải, Bình Yên, Bình Thái…”.

Quả thật, với những người nông dân không có niềm vui nào sánh bằng khi sản phẩm làm ra tiêu thụ dễ dàng, lại không phải lo lắng về giá cả. Có thể nói chuyển đổi sang trồng bí là hướng đi đúng và là bước đột phá giúp người dân tăng thu nhập trên đơn vị diện tích và cũng là cách làm năng động khi các cây trồng khác giá cả bấp bênh, kém hiệu quả.

Hơn 1 tháng nay, ở Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang… cũng như nhiều địa phương trong cả nước, người dân thực sự sửng sốt khi dưa hấu giá rẻ chưa từng có. Giá dưa hấu bán tại ruộng từ 4.500 đồng/kg đã tụt dốc giảm còn 1.500 đồng/kg, thậm chí 1.000 đồng.

Nhiều nông dân ở Nam bộ đang điêu đứng với vụ dưa rớt giá thê thảm. Vào rộ mùa thu hoạch, đã xảy ra tình trạng dưa hấu ứ đọng tại cửa khẩu Tân Thanh.

Để điệp khúc "được mùa mất giá" không còn lặp lại và người dân trồng dưa hấu sống được với nghề, chính quyền, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng để người nông dân phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp và trợ giúp nông dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản.

Về phần mình, bà con nông dân cần phải bám sát chỉ đạo của địa phương, không nên sản xuất theo phong trào tự phát, cứ thấy nông sản nào cho lợi nhuận cao là đổ xô vào trồng.


Related news

Kiến Nghị Các Giải Pháp Cấp Bách Gỡ Khó Cho Cá Tra Kiến Nghị Các Giải Pháp Cấp Bách Gỡ Khó Cho Cá Tra

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa kiến nghị Chính phủ quy định xuất khẩu cá tra là ngành sản xuất đặc thù và có điều kiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản xuất khẩu quan trọng này.

Friday. December 14th, 2012
Nuôi Vỗ Béo Dê Cừu, Cách Làm Mới Của Các Gia Trại Ở Ninh Phước Nuôi Vỗ Béo Dê Cừu, Cách Làm Mới Của Các Gia Trại Ở Ninh Phước

Ninh Phước có tổng diện tích tự nhiên 342,3 km2, trong đó diện tích đất canh tác nông nghiệp hàng năm có gần 26.000 ha. Xác định vai trò quan trọng của sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn trong cơ cấu kinh tế, những năm qua Ninh Phước đã thực hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả, năng suất cao.

Monday. July 29th, 2013
Nuôi Cá Lóc Để “Xoá Nợ” Cho Cá Tra Nuôi Cá Lóc Để “Xoá Nợ” Cho Cá Tra

Hơn phân nửa số người nuôi cá tra ở tỉnh An Giang hiện nay đành chấp nhận treo ao, số còn lại một phần đang thoi thóp đeo bám nghiệp nuôi cá tra và có một số người đã đem con cá lóc về nuôi ngay trong ao cá tra với hy vọng làm giảm bớt khoản nợ nần từ nghề nuôi cá tra trước đó để lại.

Sunday. December 16th, 2012
Luôn Đồng Hành Cùng Hội Viên, Nông Dân Luôn Đồng Hành Cùng Hội Viên, Nông Dân

Những năm qua, cùng với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đẩy mạnh các phong trào thi đua, Hội Nông dân thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) đã tranh thủ nhiều nguồn của các cấp hội, tạo mọi điều kiện để hội viên được vay vốn phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống.

Monday. July 29th, 2013
Mô Hình Nuôi Heo Rừng Lai Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao Mô Hình Nuôi Heo Rừng Lai Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Năm 2010, Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa - Phú Yên) đã tiến hành nuôi thử nghiệm giống heo rừng lai với mục đích dùng sản phẩm thịt để nâng cao chất lượng bữa ăn cho cán bộ chiến sĩ trong đồn. Cùng với việc phục vụ nhu cầu của đơn vị, sau hơn 2 năm triển khai, mô hình này đã có hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Tuesday. December 18th, 2012