Dứa Có Nguy Cơ Tồn Đọng
Từ đầu tháng 4 đến nay, cả tư thương và nông dân xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (Lào Cai) như “ngồi trên đống lửa” vì dứa đã đến cuối kỳ thu hoạch, nhưng thương lái bỗng dừng việc thu mua, vận chuyển.
Một số hộ dân dọc tuyến Quốc lộ 4D từ xã Bản Phiệt tới xã Bản Lầu cho biết, thời điểm trước đó vào tháng 3, xe tải cỡ lớn xếp hàng trên tuyến đường này để thu mua dứa. Giờ đây mỗi ngày chỉ còn lác đác vài chuyến xe tải nhỏ, dứa tồn đọng lại nhiều, trên đồi có một lượng lớn dứa quá chín mà chưa được thu mua.
Ông Phạm Đăng Khởi, thôn Na Mạ 2, xã Bản Lầu nói: “Tôi đã mất ngủ 3 đêm liên tục rồi”. Cách đây 4 năm ông Khởi vay vốn ngân hàng để đầu tư, trồng 7 vạn gốc dứa, mỗi năm thu được 40 tấn quả, cơ bản đủ trang trại nợ và có vốn để dành. Mấy ngày nay tư thương dừng việc vận chuyển và thu mua trong khi ông Khởi mới bán được 2 tấn dứa, gần 40 tấn dứa đến kỳ thu, nhưng vẫn còn trên đồi.
Gạt giọt mồ hôi lăn dài trên gò má xạm đen, ông Khởi ngậm ngùi: “Thời điểm này của những năm trước, nương dứa nhà tôi đã tiêu thụ được phần nửa, năm nay xem ra khó khăn”.
Ông Phạm Đăng Khởi cũng cho biết thêm: Tưởng dứa năm nay được giá, nông dân sẽ phấn khởi, với tình hình thu mua như hiện tại giá dứa sẽ lại tụt dốc nhanh chóng. Nếu không được thu mua kịp thời, số dứa sẽ thối nát và phải đổ đi.
Cùng tâm trạng với người sản xuất, tư thương thu dứa “trong lòng cũng như có lửa đốt”. Anh Nguyễn Văn Lâm, một tư thương trú tại xã Bản Lầu có cách mua dứa là đặt cọc tiền đối với chủ nương khi dứa còn xanh.
Trung bình mỗi nương anh Lâm đặt 10 triệu đồng, thậm chí có nương tới 30 triệu đồng. Đúng kỳ thu hoạch thì các xe tải mà anh Lâm đã hợp đồng nhất định không chở hàng, vì e ngại bị phạt theo quy định cân tải trọng.
Hiện, anh Lâm đang có 350 tấn dứa trên đồi, trong tháng 4 anh phải thu hoạch và tiêu thụ cho các nhà máy và chợ đầu mối ở các tỉnh miền xuôi nhưng với tình hình không tìm được người nhận chở hàng thì nguy cơ thất bại là trong tầm tay.
Trong khi đó, nhiều tư thương đã giảm giá thu mua dứa của nông dân từ 5.000 đồng xuống 4.000 đồng/kg ngay khi cước phí vận tải tăng từ ngày 1/4.
Chị Nguyễn Thị Thủy, một tư thương khác chuyên kinh doanh dứa cũng cho biết, từ ngày 1/4, từ sáng sớm đến khuya, mỗi ngày chị phải nhận hàng trăm cuộc điện thoại của nông dân gọi bán dứa. Thậm chí có gia đình mới 4 giờ sáng đã gõ cửa năn nỉ chị Thủy mua dứa vì nó đã chín già, nhưng chị đành khước từ vì khó khăn trong khâu vận tải.
Theo cách tính của các tư thương, nếu các xe chở đúng tải trọng quy định thì mỗi kg dứa khi đến Hà Nội đã tăng hơn trước tháng 3 khoảng 20 đến 30% giá trị, không đơn vị tiêu thụ nào chấp nhận giá này, nếu tiêu thụ thành công thì cầm chắc phần lỗ.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ ngày 1/4, thực hiện chủ trương cân tải trọng xe tải trên các tuyến giao thông đã khiến các chủ xe không thể hoạt động đường dài vì cước phí cao, chủ hàng không thể chịu giá này.
Hiện, cả nông dân và tư thương đang cầu cứu chính quyền xã Bản Lầu đưa ra giải pháp hoặc đề nghị lên cấp trên giải quyết vấn đề.
Ông Dương Hồng Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Lầu cho biết, hiện xã đã nhận được phản ánh của nông dân và tư thương, chúng tôi sẽ đề nghị huyện đưa ra giải pháp tháo gỡ.
Ông Chung cũng cho biết, cây dứa đang là nguồn thu lớn của địa phương và nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình.
Mỗi năm xã Bản Lầu có sản lượng 12.000 tấn dứa, đạt giá trị 62 tỷ đồng. Đến cuối tháng 5, vụ dứa xuân cơ bản sẽ thu hoạch xong, nhưng đến nay Bản Lầu mới tiêu thụ đạt 50% thì gặp khó khăn.
Trước tình cảnh này, một số tư thương đã chấp nhận bán hàng không lãi, thậm chí là lỗ vốn cho các nhà máy và chợ đầu mối. Tuy nhiên, với việc chuyên chở “nhỏ giọt” thì nỗi lo vẫn rất lớn, nhất là khi dứa chín rộ.
Related news
Vài năm gần đây, giống lúa thơm Thuần Việt 1 do Cty CP Giống cây trồng Thanh Hóa nghiên cứu và lai tạo đã có mặt ở trên nhiều đồng ruộng, mang đến cho người nông dân những vụ mùa bội thu.
Không chỉ nổi tiếng là nơi du lịch lý tưởng của miền Bắc, hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) còn đang được quy hoạch đầu tư thành khu du lịch trọng điểm quốc gia.
Một khuôn viên rộng 4.000 m2 kín cổng cao tường, tọa lạc giữa khu đô thị sầm uất, tấp nập. Đó là trang trại động vật hoang dã Thanh Long (số 9, đường 11, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP.HCM) của anh Cao Thanh Long…
Máy cắt rau của anh Tiền rất đơn giản: 1 cái thùng bằng tôn chống rỉ, 4 chân sắt, 1 mô tơ đặt cố định, 1 máng tôn đưa rau vào máy. Nhiệm vụ cắt rau thuộc về 3 cái lưỡi bằng thép.
Trong các chuỗi sản phẩm nông nghiệp của thành phố Hà Nội, có lẽ chuỗi tiêu thụ rau an toàn (RAT) tốn nhiều công sức của các cấp ngành, người dân và doanh nghiệp nhất.