Du Lịch Ruộng Đồng
Thời gian qua, với chủ trương và chính sách hỗ trợ của TP, vùng nông nghiệp TPHCM không chỉ chuyển dịch theo hướng lựa chọn cây con có giá trị cao như rau an toàn, hoa lan, cây kiểng, cá cảnh… mà còn được khuyến khích đa dạng hóa các loại hình dịch vụ trong nông nghiệp.
Nhờ đó, bên cạnh sự chuyển đổi cơ cấu sản xuất còn xuất hiện một số dịch vụ mới trong nông nghiệp như các nhà vườn trái cây xã Trung An (Củ Chi) liên kết hình thành các điểm du lịch vườn, thu hút khá đông người dân các nơi đến vui chơi, giải trí và thưởng thức trái cây tại chỗ.
Hiện nay, dịch vụ đón tiếp các đoàn, tour du lịch đến các vùng sản xuất nông nghiệp được xem như một cuộc “trải nghiệm nhà nông” từ các buổi học tập dã ngoại, định hướng giáo dục của các trường học, hay là một điểm dừng chân mới của các tour du lịch ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Đây là hướng phát triển khá mới mà TP khuyến khích để nâng cao tỷ trọng dịch vụ nông nghiệp hơn nữa so với con số còn khá khiêm tốn hiện nay là 4,7%.
Điển hình cho hình thức “trải nghiệm nhà nông” còn khá mới mẻ là tại Trại Sản xuất giống Ánh Dương của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thỏ Việt, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi. Theo chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm HTX, đầu tiên, HTX của chị chỉ là điểm đến mà các trường tiểu học nội thành đưa học sinh đi thực tế. Nhờ những chuyến đi dã ngoại về vùng sản xuất nông nghiệp, các em được ra tận cánh đồng đang trồng rau quả, giúp các em hình dung được công việc đồng áng.
Thời gian đầu, việc tham quan này đều miễn phí, nhưng khi số lượng đoàn đến khá nhiều, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị chu đáo hơn về cơ sở vật chất như xây nhà vệ sinh, nhà nghỉ, nước uống, đường đi cũng phải được tu sửa lại và phải có người hướng dẫn nên năm 2013, HTX Thỏ Việt bắt đầu thu phí để cả 2 bên đều cảm thấy hài lòng thay vì trở thành gánh nặng của HTX.
Giờ đây không chỉ có học sinh các trường cấp 1 mà còn có cả học sinh cấp 2 và 3 với lượng học sinh mỗi đợt có khi lên đến 300 - 500 em. Một số tour du lịch đã chọn nơi đây như một điểm dừng chân sau khi tham quan Khu Du lịch địa đạo Củ Chi.
Ngoài ra, nhiều đoàn thể thanh niên, hội phụ nữ… kể cả bà con tiểu thương cũng hào hứng tìm đến với điểm sản xuất nông nghiệp vốn dung dị nhưng giờ đây lại trở nên hấp dẫn và thú vị. Có thể xem đây là điều đáng mừng cho các vùng nông nghiệp tập trung của TP.
Thế nhưng, các điểm “du lịch” nông nghiệp này còn phải được hoàn chỉnh về cơ sở vật chất và con người trong việc đón tiếp, không thể tự phát, trong đó cần có sự góp ý, tư vấn chuyên môn từ ngành du lịch cho HTX hay nhà vườn để nuôi dưỡng loại hình dịch vụ mới này có thể phát triển căn cơ hơn, trở thành nguồn thu đáng kể bên cạnh nguồn thu từ việc sản xuất nông nghiệp. Bản thân các đoàn đến tham quan cũng cần phải được tư vấn trước. Chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc cho biết, có sự khác biệt rõ giữa du khách nước ngoài và trong nước.
Với người nước ngoài, việc giữ gìn vệ sinh chung rất tốt, không xả rác bừa bãi; nếu họ thích thú với cây trái nào đó, họ chỉ ngắm nhìn hoặc chụp hình để ghi lại hình ảnh đó, để người đến sau còn có điều kiện chiêm ngưỡng. Khách tham quan trong nước tự nhiên xả rác; họ thường hái hay bẻ bất cứ loại cây, trái (dù còn non), nụ hay bông hoa nào đó nếu thấy lạ mắt hoặc vừa ý.
Chị Ngọc kể, có lần, một đoàn khách trong nước là những người khá nổi tiếng, có một người đã lớn tuổi nhưng vẫn hái trái non và vô tư khoe như là chiến tích khiến người làm vườn buồn và xót xa vì khách chưa biết trân trọng công lao của người làm nông nghiệp vốn vất vả một nắng hai sương.
Related news
15 năm qua (1999-2014), với lợi thế về điều kiện tự nhiên nên nghề chăn nuôi gia súc, trồng trọt tại hộ gia đình ở xã Định An, huyện Dầu Tiếng phát triển ổn định. Để hỗ trợ nông dân phát triển ngành nghề này, Hội Nông dân xã thường xuyên mở lớp tập huấn hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt.
Thông thường, kết thúc tháng 7 âm lịch cũng là lúc hết mùa nhãn. Nhưng những năm gần đây, qua Rằm Trung thu, người tiêu dùng vẫn mua được những chùm nhãn tươi rói, ngọt lịm. Đó là nhờ nhiều nhà vườn đã đưa giống nhãn muộn về trồng trên những vạt đồi trung du.
Năm 2013, Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Điện Biên đã xây dựng được 8 mô hình chuyển giao KHKT từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp; 3 mô hình từ nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển nông thôn do Chính phủ Đan Mạch viện trợ.
Sản xuất theo phong trào, chất lượng chưa đồng bộ, chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu, bỏ ngỏ thị trường nội địa… là những hạn chế cố hữu của nông sản nói chung và trái cây nói riêng
Xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà) có diện tích nuôi thả cánh kiến lớn nhất trong toàn huyện Mường Chà với diện tích nuôi thả 350ha. Giai đoạn 2005 – 2012, giá cánh kiến ổn định và có lúc tăng cao, mỗi ki lô gam cánh kiến giá từ 70.000 – 250.000 đồng, tùy từng thời điểm.