Dự án tưới Phan Rí Phan Thiết món quà cho Bình Thuận
Bình Thuận là một trong số ít tỉnh khô hạn nhất với lượng mưa hằng năm khoảng 800 - 1.000 mm, khu vực phía bắc tỉnh (các huyện Tuy Phong, Bắc Bình) hạn hán xảy ra thường xuyên, SX nông nghiệp khó khăn, thu nhập của người nông dân thấp.
Diện tích được tưới khoảng 70.000 ha, chỉ chiếm 30% tổng diện tích canh tác.
Tuy là tỉnh khô hạn, nhưng tiềm năng đất đai của Bình Thuận rất lớn, nguồn nước trong và ngoài lưu vực của tỉnh khá dồi dào cần được khai thác để phát triển SXNN.
Địa điểm dự án nằm trên 8 xã thuộc huyện Bắc Bình (thị trấn Lương Sơn, các xã Sông Lũy, Sông Bình, Phan Lâm, Bình An, Hải Ninh, Hồng Thái và Phan Thanh), là nơi có khoảng 92% lực lượng lao động là nông dân, việc mở rộng SXNN và tăng thu nhập cho bà con là một nhu cầu bức thiết.
Đặc biệt sau khi NM thuỷ điện Đại Ninh hoàn thành, phát điện và xả nước xuống hạ lưu với lưu lượng 25 m3/s, để sử dụng hiệu quả nguồn nước xả quý giá này, rất cần thiết có dự án tưới Phan Rí – Phan Thiết.
Xuất phát từ đó, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Chính phủ Nhật Bản cho vay vốn Ngân hàng Hải ngoại Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC, nay là JICA) thực hiện dự án tưới Phan Rí – Phan Thiết giai đoạn 1.
Mục tiêu đầu tư xây dựng công trình là cấp nước tưới cho 15.700 ha đất canh tác thuộc đồng bằng Phan Rí (diện tích trồng bông 10.100 ha, lúa 2.730 ha, màu và cây ăn quả 2.870 ha), trong đó tưới trực tiếp cho 10.500 ha và tạo nguồn cho 5.200 ha (gồm 4.000 ha khu Cà Giây – Đá Giá và 1.200 ha khu Đồng Mới);
Xây dựng một số vùng định cư mới phục vụ việc chuyển dân từ các nơi khác đến; Cấp nước cho dân sinh, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân trong khu vực.
Cơ quan chủ quản đầu tư dự án là Bộ NN- PTNT, trong đó BQL Trung ương các dự án Thủy lợi (viết tắt là CPO), BQL Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 7 (viết tắt là Ban 7); Sở NN- PTNT Bình Thuận được phân công làm chủ đầu tư xây dựng các hạng mục của dự án.
Chủ đầu tư hợp phần đền bù GPMB do UBND tỉnh quyết định.
Tổng đầu tư cho dự án (giá quý IV/2009) là 1.547.233.595.000 đồng, gồm vốn vay JBIC, vốn ngân sách Trung ương và địa phương.
Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 2/2009 đến nay đã hoàn thành.
Hiện toàn bộ các hạng mục đã bàn giao đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả tốt, trong đợt hạn đầu năm 2015 tại các tỉnh Nam Trung bộ, hệ thống công trình mới đã đảm bảo cấp đủ nước cho vùng dự án.
Năng lực thiết kế của dự án là xây dựng khu tưới trực tiếp 10.500 ha (phần dự án gốc); thiết kế bổ sung dự án kênh Nha Mưng - Chà Vầu và Úy Thay Đá Giá tưới 3.650 ha (nguồn vốn kết dư).
Người nông dân trong vùng dự án như được hồi sinh, có cơ hội nâng cao thu nhập, bỏ lại phía sau đói nghèo tiến lên giàu có.
Đây là một thành quả hết sức to lớn và có ý nghĩa về kinh tế, xã hội mà dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết đã mang đến cho một tỉnh khô hạn và còn nhiều gian khó như Bình Thuận.
Đến nay dự án đã hoàn thành, phần kênh cấp 3, kênh nội đồng được đầu tư từ dự án và địa phương đã phát huy tưới 6.735 ha; trong đó phần dự án gốc, diện tích tưới 3.135/10.500 ha; phần vốn kết dư kiên cố hóa kênh Nha Mưng - Chà Vầu và Úy Thay - Đá Giá tưới 3.650 ha.
Hiệu quả kinh tế mà dự án mang lại đã rõ ràng.
Công trình hoàn thành giúp chủ động tưới, tiêu cho diện tích canh tác thuộc đồng bằng Phan Rí, từ đó tăng năng suất sản lượng cây trồng, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân.
Dự án cũng góp phần xây dựng một số vùng định cư mới phục vụ cho việc chuyển dân từ nơi khác đến, tăng số hộ gia đình được hưởng lợi của diện tích canh tác có tưới.
Cấp nước phục vụ dân sinh, tăng diện tích khai hoang, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, tăng hệ số quay vòng sử dụng đất.
Cải thiện môi trường, giảm hạn hán, phát triển diện tích canh tác và diện tích cây trồng, chống xói mòn.
Cùng với dự án Tưới Phan Rí – Phan Thiết giai đoạn I, nhằm xây dựng hệ thống mô hình phát triển nông nghiệp có tưới và nhân rộng mô hình cho vùng dự án, Chính phủ Nhật Bản đã chấp thuận thực hiện Dự án hợp tác phát triển nông nghiệp vùng tưới Phan Rí – Phan Thiết, sử dụng nguồn vốn ODA Nhật Bản không hoàn lại.
Dự án từ tháng 4/2011 đến tháng 4/2014, tổng mức đầu tư là 1.790.000 USD.
Dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết, giai đoạn I đưa vào sử dụng đã mang theo dòng nước mát, dồi dào lấy từ NM thủy điện Đại Ninh, qua các con kênh trải dài trên khắp các thôn, xã của huyện Bắc Bình, góp phần hình thành nhiều khu tưới mới.
Từ đây, những vùng đất hoang hóa, bỏ không ngày nào đã biến thành những cánh đồng lúa vàng thơm ngát, những vườn thanh long trĩu nặng hoa trái đong đầy, những bãi chăn thả gia súc khô cằn nay cỏ lên xanh mướt…
Với thành quả đạt được giai đoạn I, tỉnh Bình Thuận rất mong muốn Chính phủ và Bộ NN-PTNT tiếp tục triển khai Dự án tưới Phan Rí -Phan Thiết giai đoạn II, đầu tư xây dựng hồ chứa nước Sông Lũy để cung cấp nước tưới cho hơn 47.000 ha đất canh tác của các huyện Bắc Bình, Tuy Phong, tạo điều kiện phát triển bền vững, lâu dài cho khu vực phía Bắc của tỉnh.
Related news
Họ đã từng háo hức làm bằng được nông sản sạch theo các quy trình GlobalGAP (chuẩn toàn cầu), VietGAP (chuẩn Việt Nam) để xin cấp giấy chứng nhận. Sau 1 năm chứng nhận hết hạn, tính toán lại số tiền bỏ ra làm GAP cao hơn nhiều so với tiền lời, nông dân lặng lẽ rút lui.
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai sâu bệnh hại hồ tiêu bùng phát khá mạnh, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Trong khi đó, do tiêu được giá khiến bà con ồ ạt mở rộng diện tích, càng làm cho dịch bệnh lây lan nhanh và khó kiểm soát. Để giúp nông dân khắc phục tình trạng này, Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã xây dựng và chuyển giao mô hình phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM trên cây hồ tiêu, bước đầu thu được kết quả khả quan.
Nhằm góp phần bảo vệ môi trường nông thôn và nâng cao nhận thức người dân, thời gian qua một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã triển khai thực hiện nhiều điểm thu gom rác thải, vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Tuy mới triển khai trong thời gian ngắn, nhưng mô hình này đã góp phần làm giảm lượng rác thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng.
Thời điểm này, bà con nông dân các thôn Thanh Thủy, Đồng Giành, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đang bước vào cuối vụ thu hoạch hoa nhài. Năm nay, thời tiết mưa nhiều, năng suất hoa nhài giảm nhưng được giá nên bà con rất phấn khởi.
Khi nước lũ tràn đồng thì gia đình anh Lê Văn Nghiệp ở ấp Tân Thành B – xã Long Tân (Sóc Trăng) đã mua 60 cái dớn về đánh bắt cá. Vì gia đình ít đất sản xuất nên anh Nghiệp tranh thủ con nước về đánh bắt thủy sản để có thêm thu nhập, chờ khi nước rút mới gieo sạ vụ lúa đông xuân.