Đồng Văn Đột Phá Cải Tạo Đàn Bò Bằng Thụ Tinh Nhân Tạo
Xác định phát triển chăn nuôi là thế mạnh của địa phương, Trong những năm gần đây, huyện Đồng Văn đã triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm thúc đẩy chăn nuôi gia súc trên địa bàn phát triển, trong đó phải kể đến việc hỗ trợ người dân cải tạo và phát triển đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT).
Đây là cách làm mới, qua thời gian ngắn triển khai đã cho thấy rõ ưu thế vượt trội cả về trọng lượng và khả năng kháng bệnh của bê con, qua đó giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi của các gia đình.
Bê con 5 tháng tuổi sinh ra bằng TTNT của gia đình anh Giàng Trống Dính, xóm Phố Trồ, thị trấn Phó Bảng (Đồng Văn) có trọng lượng cao hơn hẳn với bê được thụ tinh tự nhiên.
Thực hiện chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp TTNT, năm 2013, huyện đã khảo sát và bình chọn được 1.780 con bò cái giống đạt tiêu chuẩn tại các hộ chăn nuôi trong toàn huyện. Để chương trình triển khai thực hiện thuận lợi, có hiệu quả; huyện đã phối hợp với Trung tâm giống cây trồng và gia súc Phó Bảng tổ chức mở các lớp tập huấn cho cán bộ Trạm thú y, cán bộ nông - lâm và Trưởng ban thú y của 19 xã, thị trấn về quy trình kỹ thuật TTNT; tiến hành tập huấn cho người dân cách nhận biết chu kỳ, giai đoạn động dục của bò cái để báo với thú y viên và cán bộ kỹ thuật của Trạm xuống kiểm tra, nếu đạt sẽ tiến hành TTNT.
Tính từ năm 2013 đến nay, đã có 411 con bò cái được thụ tinh bằng phương pháp nhân tạo, trong đó có 314 con có chửa, có 144 con bê con ra đời.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, do tinh bò được khai thác từ những con bò đực giống đầu đàn của địa phương đã qua chọn lọc và được phối giống với những con bò cái đầu dòng nên chất lượng bê lai sinh ra từ TTNT có trọng lượng cao hơn hẳn đạt 22,2 kg/con, trong khi bê con phối giống tự nhiên có trọng lượng chỉ đạt 16,1kg/con.
Sau 3 tháng nuôi, trọng lượng bê TTNT là 49,7kg, cao hơn so với cho giao phối tự nhiên 11kg (37,8 kg); tăng trưởng/tháng đối với bê giao phối tự nhiên chỉ đạt 7,11 kg/con/tháng, trong khi bê TTNT đạt 9,19kg/con/tháng. Nhiều gia đình sau khi tham gia thực hiện thấy hiệu quả thiết thực đã tiếp tục cho bò TTNT ở các lứa tiếp theo.
Anh Giàng Trống Dính, xóm Phố Trồ, thị trấn Phó Bảng cho biết: Gia đình anh nuôi bò đã nhiều năm, đầu năm 2013 được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm giống cây trồng và gia súc Phó Bảng đến vận động có bò cái giống để TTNT lúc đầu còn phân vân vì sợ làm hỏng bò, nhưng sau khi được giải thích gia đình đã quyết định để bò TTNT. Sau khi đẻ, bê con tỏ rõ ưu thế vượt trội về trọng lượng, sức kháng bệnh cao hơn bình thường. Vì vậy, từ nay gia đình anh sẽ cho bò TTNT để thay thế cho phối giống tự nhiên như trước đây.
Anh Lộc Ngọc Thiêu, trưởng Trạm thú y huyện Đồng Văn chia sẻ: “ Việc TTNT cho bò cái giống trong thời gian qua được thực hiện tương đối tốt, tuy nhiên đây làbiện pháp kỹ thuật còn rất mới, xa lạ với người dân nên khi triển khai còn gặp không ít những khó khăn như việc phát hiện thời điểm động dục ở bò của bà con còn nhiều lúc chưa chính xác; số bò cái ở rải rác, động dục lẻ tẻ, khi động dục chủ hộ không báo kịp thời cho dẫn tinh viên dẫn đến kết quả phối ít thành công.
Ngoài ra chương trình thực hiện kéo dài nên một số bò được sơ tuyển thụ tinh mang thai đã bị bán, ni tơ lỏng vận chuyển xa, bảo quản tinh bò có sự hao phí lớn làm ảnh hưởng đến việc TTNT cho bò của cán bộ thú y”.
Thực tế cho thấy, ưu điểm nổi bật về TTNT đã được đông đảo người dân ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đồng Văn đặc biệt quan tâm.
Thành công của chương trình không chỉ làm thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi tập trung, có đầu tư; tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận, áp dụng tiến bộ KHKT mới vào chăn nuôi mà còn đào tạo được đội ngũ kỹ thuật dẫn tinh viên làm chủ được công nghệ, dần hình thành được vùng bò giống có chất lượng cao cung cấp cho tỉnh và vùng lân cận.
Đây có thể xem là bước đột phá nhằm nâng cao năng suất và chất lượng đàn bò, mở ra hướng đi mới trong phát triển đàn bò hàng hóa có giá trị kinh tế cao của huyện Đồng Văn và của tỉnh trong thời gian tới.
Related news
Niềm vui ánh lên trên khuôn mặt mọi người khi từng đoàn ghe no cá cặp bến sau chuyến đi biển dài ngày. Những chuyến đi biển cuối năm mang về vị ngọt của biển khơi, đem lại sắc xuân ấm nồng, hạnh phúc của những làng cá. Cửa biển Cái Đôi Vàm mới hơn, vui hơn và cũng nhộn nhịp hơn với cuộc sống đầy đủ hơn nhờ biển.
Chủ đề đang được nông dân quan tâm hiện nay là việc Chính phủ ban hành mức hỗ trợ kinh phí cho nông dân chuyên canh lúa. Những người làm chủ ruộng được ví như “hai lúa” ngày xưa nay đã có tư duy và tầm nhìn mới, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật và giống lúa chất lượng cao vào sản xuất.
Sau khi đi tham quan mô hình nuôi rắn của một người quen ở tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Văn Tài, ở ấp 3, xã Khánh Tiến, huyện U Minh (Cà Mau), nhận thấy loài rắn hổ hèo (miền Đông gọi là long thừa) rất dễ nuôi. Do đặc tính lành, không độc nên ông quyết định mua giống về nuôi thử nghiệm, bước đầu cho thấy rất khả quan.
Từ lâu, cây chè đã được các xã miền núi của Hà Nội chọn làm cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, kỹ thuật canh tác lạc hậu, phần lớn là các giống chè cũ… nên hiệu quả kinh tế thấp.
Nông dân các huyện trong tỉnh Đồng Nai khốn đốn khi sử dụng giống bắp NK-67 - lai đơn F1 có nguồn gốc từ Indonesia do Công ty Syngenta nhập khẩu và phân phối, có hiện tượng cây phát triển không đều, gây mất năng suất. Riêng tại xã Cẩm Đường (huyện Long Thành), nông dân cũng đang rất lo lắng vì đã lỡ sử dụng hàng trăm kg giống bắp NK-67 gieo trồng cho vụ hè - thu này.