Đóng Tàu Nào Do Ngư Dân Quyết
Mọi ngư dân đóng mới tàu công suất lớn, nâng cấp, cải hoán tàu cá công suất nhỏ, tàu cá cũ đủ điều kiện đều được hỗ trợ. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ đưa ra quy hoạch và định hướng các ngành nghề khai thác, mẫu tàu để ngư dân lựa chọn, quyết định.
Đó là ý kiến của ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, khi trao đổi với Tuổi Trẻ. Ông Vũ Văn Tám cho biết: Một số ý kiến cho rằng Nhà nước chỉ hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu vỏ thép mà bỏ quên tàu vỏ gỗ là không chính xác. Theo nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 7-7-2014 vừa qua, ngư dân đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới hay vỏ gỗ theo đúng yêu cầu đều được hỗ trợ chứ không chỉ riêng tàu vỏ sắt.
* Nhưng chủ trương chung vẫn là khuyến khích ngư dân đóng tàu vỏ thép công suất lớn?
- Phát triển tàu công suất lớn, tàu vỏ thép và vật liệu mới là hướng hiện đại hóa của ngành thủy sản vì đây là xu hướng chung của ngành khai thác biển các nước trên thế giới.
Tàu vỏ thép có nhiều ưu điểm về độ an toàn, khả năng khai thác so với tàu vỏ gỗ. Do đó khi ngư dân đóng mới tàu vỏ thép hoặc vật liệu mới sẽ có nhiều ưu đãi hơn, ngư dân đóng tàu công suất lớn hơn sẽ được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn tàu công suất nhỏ.
Cụ thể, nếu ngư dân đóng mới tàu vỏ thép, vật liệu mới được cho vay đến 95% giá trị con tàu với lãi suất 1-2%/năm, còn lại sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Trong khi nếu đóng mới tàu vỏ gỗ thì chủ tàu được vay vốn từ ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả lãi suất 3%/năm, còn lại ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.
* Không chỉ thiếu tàu công suất lớn, do phải tạm ứng vốn trước khi ra khơi nên ngư dân bị thương lái ép giá thu mua để thu nợ. Bộ NN&PTNT có những hỗ trợ gì để giảm thiểu tình trạng này trong thời gian tới không, thưa ông?
- Nghị định 67/2014/NĐ-CP đưa ra nhiều chính sách phát triển thủy sản, trong đó không chỉ tập trung hỗ trợ đóng tàu mới mà còn có nhiều chính sách khác để hỗ trợ ngư dân.
Đó là các chính sách cho vay vốn lưu động với ngư dân khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản có hạn mức vay tối đa 70% chi phí cho một chuyến đi biển với lãi suất 7%/năm trong năm đầu.
Nhà nước cũng hỗ trợ 70-100% kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là thành viên tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản và có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên.
“Tàu gì hiệu quả nhất cho ngư dân?”
Sáng nay 24-7 tại Đà Nẵng, báo Tuổi Trẻ tổ chức buổi tọa đàm “Tàu gì hiệu quả nhất cho ngư dân?” với sự tham dự của Tổng cục Thủy sản, các sở NN&PTNT Đà Nẵng và Quảng Ngãi, ngư dân, nghiệp đoàn nghề cá, công ty đóng tàu vỏ sắt, tàu composite.
Buổi tọa đàm nhằm gợi mở cho dư luận cũng như lắng nghe ý kiến đóng góp thiết thực, sát sườn của ngư dân về việc trang bị tàu cá nào phù hợp để hành nghề trên biển. Các chính sách mới về vốn vay dành cho ngư dân đóng tàu mới cũng sẽ được lãnh đạo các sở NN&PTNT trình bày tại buổi tọa đàm này.
Đây cũng là dịp để các đơn vị đóng tàu cá vỏ sắt, tàu composite giới thiệu những ưu, khuyết điểm của các loại tàu này cho ngư dân. Ban tổ chức hi vọng có thể hiến kế, tìm giải pháp để có tàu hiệu quả nhất cho ngư dân.
Ngoài ra còn có những chính sách hỗ trợ đào tạo thuyền viên, sửa chữa và chính sách thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá để hỗ trợ ngư dân khai thác.
* Với những ưu đãi như vậy, liệu có xảy ra tình trạng ồ ạt đóng tàu mới dẫn đến khai thác tận diệt, không hiệu quả không?
- Không phải ngư dân muốn đóng tàu mới là được vay vốn ngay. Nghị định 67 đã quy định rõ UBND cấp xã sẽ xác nhận đối tượng được vay vốn theo quy định gửi UBND cấp huyện thẩm định, báo cáo UBND cấp tỉnh phê duyệt làm cơ sở thực hiện.
Bộ NN&PTNT nghiên cứu, điều tra nguồn lợi thủy sản, dự báo ngư trường và quy hoạch phát triển tàu cá gắn với nguồn lợi thủy sản, nhóm nghề và ngư trường, đồng thời thông báo quy hoạch để các địa phương thực hiện.
Thông qua các nghiên cứu này, Bộ NN&PTNT quy hoạch và khuyến cáo ngư dân nghề gì nên phát triển, tập trung và nghề gì hạn chế hoặc không nên phát triển. Căn cứ vào thông tin của Bộ NN&PTNT và các địa phương cũng như nguồn vốn đầu tư, lãi suất, ngư dân sẽ quyết định có đầu tư tàu hay không.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đang thiết kế và đưa ra các mẫu tàu khai thác hải sản để ngư dân lựa chọn. Các mẫu tàu này sẽ phù hợp với các loại hình khai thác hải sản khác nhau. Tới đây Bộ NN&PTNT sẽ đưa ra các quy định kỹ thuật về các cơ sở đóng sửa tàu. Quyết định cuối cùng về mẫu tàu, tàu sắt hay tàu gỗ, cơ sở đóng tàu nào hoàn toàn do ngư dân lựa chọn.
* Bên cạnh ngư dân đóng tàu mới hay nâng cấp tàu cũ, những công ty muốn nhập khẩu tàu sắt đã qua sử dụng của nước ngoài về khai thác hải sản trong nước có được hỗ trợ không, thưa ông?
- Tôi cũng chỉ biết thông tin một vài đơn vị muốn mua hàng trăm tàu sắt từ nước ngoài về VN qua báo chí thời gian gần đây. Nhưng cụ thể thì chưa có đơn vị nào liên hệ với Bộ NN&PTNT về vấn đề này. Quan điểm của tôi là dù đối tượng nào cũng phải thực hiện theo quy định của nghị định 67 và quy định liên quan.
* Nhiều địa phương cho biết dù đã có danh sách ngư dân cần vay vốn đóng tàu mới nhưng các ngân hàng chưa cho vay vì đang thiếu thông tư hướng dẫn thực hiện, Bộ NN&PTNT có những biện pháp gì thúc đẩy nhanh hơn để dân tiếp cận được vốn đóng tàu nhanh hơn?
- Nghị định 67 của Chính phủ được xây dựng trong một thời gian ngắn và mới ban hành từ ngày 7-7 vừa qua nên đến nay chưa có thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng như các đơn vị liên quan đang làm việc hết sức quyết liệt để các văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung của thông tư này sớm đi vào cuộc sống để ngư dân tiếp cận được nguồn vốn đóng tàu mới.
Related news
Những năm qua, nông dân huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã phát triển nghề trồng kiệu, vừa giải quyết việc làm vừa mang lại nguồn lợi kinh tế trên vùng đất nhiễm phèn.
Nhà nước vay tiền làm hệ thống công trình thủy lợi, người phải trả là dân. Cứ theo nhận định trên của GS Võ Tòng Xuân, thì hóa ra lâu nay, ngoài việc ép giá nông dân để mua rẻ gạo, các DN xuất khẩu gạo của ta còn mang cả số tiền mà nhà nước phải đi vay để đầu tư cho hạt gạo, đi biếu không nước ngoài, trong khi họ đã giàu nứt đố đổ vách.
Dân gian có câu, “đánh rắn, phải đánh dập đầu”. Thế nhưng cách xử lí vi phạm đối với hành vi sử dụng chất cấm trong SX, kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TĂCN) ở ta hiện nay còn khá lúng túng.
Bà Chế, một thương lái nấm tại xã Hố Nai cũng lắc đầu ngao ngán: “Tôi thu mua hàng chục tấn nấm mà lượng bán ra rất chậm, gọi điện hỏi bạn hàng thì họ nói tạm thời ngưng mua vì phía Bắc “ăn” hàng chậm”. Hiện bà Chế đang tồn gần 80 tấn nấm, nếu không tiêu thụ nhanh, thiệt hại có thể lên đến cả tỷ đồng.
Hiện xã đã thành lập tổ liên kết chăn nuôi vịt; thời gian tới sẽ phát triển tổ liên kết chăn nuôi bò thành tổ hợp tác nuôi bò để hỗ trợ nông dân. Xã cũng đang làm hồ sơ vay vốn cho 17 hộ với tổng số tiền 500 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của Hội Nông dân tỉnh để hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi.