Đông Dư (Hà Nội) vươn lên từ đặc sản ổi tứ mùa
Ông Đồng Minh Tiến - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đông Dư cho biết, hiện tại, xã đã chuyển 100% đất cấy lúa, trồng màu sang trồng cây ổi tứ mùa và rau gia vị với 118ha ổi và trên 20ha rau.
Để giúp người dân yên tâm với sự chuyển dịch cây trồng theo hướng an toàn và bền vững này, hàng năm, UBND xã đã trích ngân sách trên dưới 80 triệu đồng tổ chức từ 4 - 6 buổi tập huấn khoa học kỹ thuật, hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, hỗ trợ việc xử lý vệ sinh đồng ruộng khi các hộ thực hiện việc cắt cành, dọn ruộng...
Từ đó, động viên các hộ dân yên tâm thực hiện mô hình vườn đồng. Hiện, toàn xã có trên 90% số hộ dân trồng ổi tứ mùa trong nhà và ngoài đồng. Trong đó có nhiều hộ trồng trên dưới một mẫu ổi, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Trưởng thôn và là Chi hội trưởng nông dân thôn 3 - bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, gia đình bà là một trong những hộ đi tiên phong đưa ổi ra đồng. Lúc đầu, gia đình trồng 3 sào, thấy hiệu quả kinh tế cao hơn cấy lúa nhiều lần nên đã thuê và thầu thêm hơn 7 sào ruộng để trồng ổi. Trung bình một héc ta ổi cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.
Theo bà Lan Anh, trồng ổi rất đơn giản, ít tốn công chăm bón vì một năm chỉ cần bón phân NPK tập trung 2 lần cho cây sau vụ thu hoạch. Còn thuốc bảo vệ thực vật vi sinh cũng chỉ cần phun 2 lần vào lúc cây phát lộc và ra hoa. Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất các loại sâu bệnh, ngoài chăm bón đúng kỹ thuật thì cần thực hiện tốt khâu vệ sinh đồng ruộng theo định kỳ.
Do làm vườn có kinh nghiệm nên từ hơn một mẫu ruộng trồng ổi, mỗi năm gia đình bà thu hoạch trên 10 tấn ổi.
Ở thôn 5, ông Nguyễn Văn Kiên, thương binh hạng 3/4 là một trong những người đi đầu trong việc đưa cây ổi ra đất bãi ven sông Hồng của xã cho biết: Ngoài trồng 6 sào ổi, mấy năm gần đây, ông và 5 hộ trong xã đã thành lập các đại lý nhận thu gom quả ổi của các hộ, 18 hộ khác cũng mạnh dạn nhận thu gom để bán lẻ tại các chợ.
Riêng gia đình ông mỗi ngày thu mua trên dưới 10 tấn ổi vận chuyển tới đại lý các tỉnh xa để tiêu thụ nên có mức thu nhập cao, vài trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Kiên cho biết thêm: Ở Đông Dư hiện nay, ngoài giống ổi tứ mùa, nhiều hộ đã nghiên cứu và trồng thành công giống ổi găng - quả ổi có hình múi, ruột màu trắng trong, có vị đậm và mùi thơm đặc trưng nên được người tiêu dùng ưa chuộng, tương lai sẽ thay thế cho lớp cây ổi tứ mùa đã già cỗi theo thời gian.
Nhờ phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn đúng hướng nên Đông Dư hiện là một trong những xã nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm cao của huyện Gia Lâm. Năm 2014, bình quân thu nhập một khẩu của xã đạt 27 triệu đồng. Hộ nghèo giảm còn 24 hộ, chủ yếu là hộ độc thân và không có sức lao động.
Tuy nhiên, việc sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn bền vững ở Đông Dư nói riêng và địa bàn huyện Gia Lâm nói chung đang gặp không ít khó khăn do môi trường nước và không khí bị ô nhiễm nặng từ sông Cầu Bây.
Vì vậy, người dân và chính quyền địa phương đang rất mong được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết để những sản phẩm nông nghiệp an toàn không chỉ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước mà còn vươn xa tới các thị trường khó tính trên thế giới, giúp nông dân thực sự làm giàu từ nghề nông.
Related news
Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu (NCSXDL) Miền Trung (thuộc Công ty TNHH Sản xuất thương mại (SXTM) Hồng Đài Việt) ở thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, đang trồng và bảo tồn hơn 20 loại cây dược liệu quý; trong đó nhiều loại có nguy cơ tuyệt chủng như xáo tam phân, cây mật nhân và đặc biệt là cây nhân sâm Phú Yên.
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, diện tích sản xuất theo cánh đồng lớn của tỉnh Cà Mau tăng đáng kể, đến nay trên 15.000 ha.
Theo Cục Trồng trọt, hiện nay cả nước có gần 11.800 ha ca cao, trồng nhiều nhất là tỉnh Bến Tre, gần 2.800 ha, thấp nhất là Gia Lai 9,6 ha.
Do giá hạt tiêu trên thị trường luôn ở mức cao so với nhiều loại nông sản chủ lực khác ở Tây Nguyên, nên trong những năm gần đây, nông dân đã ồ ạt trồng tiêu, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, khiến diện tích hồ tiêu tăng nhanh. Việc phát triển “nóng” nêu trên không chỉ phá vỡ quy hoạch các loại cây trồng mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. Vì vậy, để cây hồ tiêu phát triển bền vững, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, hiệu quả và lâu dài.
Trên địa bàn huyện chỉ mới xuất hiện những cơn mưa dông đầu mùa, đất chưa đủ độ ẩm nhưng nhiều người dân huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã ồ ạt xuống giống một số cây trồng vụ mùa; trong đó chủ yếu là cây mì, sau đó gặp nắng nóng kéo dài đã làm cho hàng ngàn ha mì chết và chậm phát triển vì thiếu nước. Những ngày qua, trên địa bàn huyện bắt đầu có mưa, phần nào giải cơn khát cho cây trồng thì cũng là điều kiện cho các dịch bệnh gây hại cây trồng xuất hiện.