Đồng Bằng Sông Cửu Long Tôm Chết Yểu, Thiệt Hại Tiền Tỷ
Mùa tôm mới ở ĐBSCL nói chung, Trà Vinh nói riêng đang vào vụ, thế nhưng tại Trà Vinh đã có hơn 2.500ha tôm nuôi bị chết. Tình trạng tôm chết đang xuất hiện tại nhiều địa phương nên người nuôi tôm thấp thỏm âu lo.
Nuôi tôm thẻ chân trắng hay nuôi tôm sú (chân đen) trong điều kiện môi trường thời tiết, dịch bệnh tràn lan không chỉ là nỗi lo của nông dân mà ngành nông nghiệp các địa phương cũng gặp khó trong việc chọn lựa, khuyến cáo nông dân đa dạng con nuôi.
Tôm chết … “do trời”?
Mặc dù thời vụ nuôi tôm sú đã bước vào hơn 2 tháng nhưng nông dân nuôi tôm ven biển Trà Vinh vẫn ngập ngừng trong chọn lựa con nuôi: nên nuôi tôm thẻ chân trắng hay thả nuôi tôm sú (chân đen)? Thạc sĩ Phạm Minh Truyền- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trà Vinh nhìn nhận:
Chỉ trong tháng 4/2013, toàn tỉnh đã có thêm 570ha tôm bị thiệt hại với 105 triệu con tôm giống, tôm chết trong khoảng từ 20- 60 ngày tuổi. Tính từ đầu vụ thả nuôi đến nay, Trà Vinh có 255 triệu con tôm thả nuôi trên 2.350ha bị chết. Trong này có 72 triệu con tôm thẻ chân trắng (chiếm 23%) và hơn 183 triệu con tôm sú (chiếm 14,5%) bị thiệt hại.
Nguyên nhân tôm chết được ngành nông nghiệp lý giải: do thả nuôi trước lịch thời vụ, môi trường, thời tiết không ổn định, từ đó tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng, chết trên diện rộng.
Chuyện tôm nuôi chết đầu vụ từ lâu được nông dân nuôi tôm “nói đùa” với nhau là chuyện thường ngày ở xã. Vấn đề người nuôi bức xúc là mỗi khi xảy ra tôm nuôi bị chết các nhà quản lý thường đổ lỗi cho nông dân xé rào, thả nuôi trước lịch thời vụ, bí quá cuối cùng đổ lỗi “do trời”.
Chân trắng, chân đen… đều chết
Trước đây 4 huyện ven biển: Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành (Trà Vinh) chủ yếu tập trung nuôi tôm sú. Từ khi dịch bệnh tôm sú (năm 2012) gây thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng, ngành chức năng khuyến khích nông dân chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng.
Điều đáng quan tâm ở vụ tôm mới năm 2013, là trong 450ha nuôi tôm thẻ chân trắng có tới 110ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị chết, lượng giống thiệt hại hơn 72 triệu con.
Hiện tượng tôm sú và tôm thẻ chân trắng đầu vụ đều bị chết đang là “rào cản” trong việc chuyển đổi đối tượng nuôi mới ở Trà Vinh. Tỷ phú tôm Mai Chí Cường (Ấp 5, xã Mỹ Long Nam, Cầu Ngang- Trà Vinh) lo lắng: “Vụ tôm sú 2011, toàn xã Mỹ Long Nam có đến 17 hộ nuôi tôm, lãi từ 1 đến 3 tỷ đồng và hàng trăm hộ lãi từ 200 đến 900 triệu đồng. Vụ tôm sú năm 2012, tỷ phú, triệu phú đều “khóc” vì dịch bệnh tôm hoành hành. Mùa tôm năm 2013 hiện nay đa phần bà con ngán ngại không biết chọn nuôi con chân trắng hay con chân đen (tôm sú) vì hiện nay con nào cũng chết ”.
Điều nông dân lo ngại là có cơ sở, vì phần lớn diện tích nuôi tôm sú chính vụ năm 2012 ở Trà Vinh bị nhiễm bệnh hoại tử gan tụy, hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu nên không biết tiếp tục nuôi tôm sú hay chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng.
Nếu nuôi tôm thẻ chân trắng, đối tượng thủy sản mới thì việc chăm sóc, quản lý, quy trình nuôi ra sao vẫn còn lúng túng. Năm 2012, ông Ngô Thanh Hùng (xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải- Trà Vinh) có gần 2ha nuôi tôm sú bị thiệt hại và đã cải tạo lại nuôi tôm thẻ chân trắng, thu lợi nhuận hơn 400 triệu đồng. Đầu vụ năm 2013, cũng diện tích gần 2ha này ông tiếp tục thả nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng hơn tháng tuổi thì tôm chết trắng, bị lỗ 350 triệu đồng.
Vấn đề bức xúc nông dân đặt ra hiện nay là chỉ mới phát triển vụ đầu mà tôm chân trắng đã bị chết trên diện rộng, nếu phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch hay nuôi xen trong khu vực cùng tôm sú thì việc phòng ngừa dịch bệnh ra sao khi người dân còn nhiều hạn chế về kiến thức đối với đối tượng nuôi mới này.
Nuôi thưa, rải vụ
Trước thực trạng môi trường thời tiết, dịch bệnh đầu vụ diễn biến bất lợi, việc nông dân lùi thời vụ thả giống và cẩn trọng trong chọn lựa quy trình nuôi, đối tượng nuôi là phù hợp.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo - Viện trưởng Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II – Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo: Tôm nuôi là đối tượng giúp nhiều người dân các địa phương ven biển ĐBSCL thoát nghèo. Vì vậy, ngoài sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, các địa phương về kỹ thuật canh tác thì sự chủ động, tuân thủ các quy định về lịch xuống giống của bà con là rất quan trọng, quyết định thành công của cả vụ nuôi. Bà con nên thả nuôi mật độ thưa, từ 10 đến 15 con. Như vậy vốn ban đầu nhẹ. Trong tháng đầu, nếu gây màu tốt cũng không cho ăn. Nếu điều kiện môi trường quản lý tốt nên nuôi rải vụ…”.
Vụ nuôi tôm sú chính vụ năm 2012 vùng ngập mặn, ven biển thuộc 4 huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành (Trà Vinh), người nuôi bị tổn thất lớn, tôm nuôi bị chết trên diện rộng. Trong số hơn 28.000 lượt hộ thả nuôi gần 2,3 tỷ con giống trên gần 29.000ha mặt nước, có khoảng 12.000ha bị thiệt hại với lượng giống thả nuôi hơn 1,2 tỷ con giống.
Nông dân thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng. Vì vậy trước mùa tôm mới, phần lớn nông dân “đuối sức” và khát vốn. Tại xã Mỹ Long Nam và Hiệp Mỹ Đông (huyện Cầu Ngang), một trong những vùng trọng điểm nuôi tôm của Trà Vinh, vụ nuôi tôm năm 2013 có 30 - 40% số hộ nuôi tôm sú chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng.
Việc chuyển sang nuôi tôm thẻ đại trà như hiện nay gặp một số khó khăn, nhất là vốn đầu tư tôm thẻ chân trắng cao hơn nhiều so với nuôi tôm sú, chất lượng con giống; hơn nữa, đây là đối tượng nuôi mới, nên đa phần người dân địa phương không nắm vững quy trình, kỹ thuật nuôi.
Ông Dương Văn Đởm - Quyền Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cầu Ngang thông tin: Năm 2013, Cầu Ngang có kế hoạch nuôi thủy sản với tổng diện tích mặt nước nuôi là 4.980 ha; trong đó, diện tích nuôi tôm sú 3.705ha, tôm thẻ chân trắng hơn 2.000ha.
Điều đáng lo ngại là con tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi mới, nguồn tôm giống phụ thuộc hoàn toàn ngoài tỉnh, chất lượng con giống rất khó quản lý; đa phần các hộ nuôi tôm ở vùng ngập mặn ven biển Trà Vinh không nắm vững quy trình, kỹ thuật nuôi…
Trong khi đó ngoài việc mắc các loại bệnh thường gặp ở các loại tôm nuôi, tôm thẻ chân trắng còn mắc phải hội chứng Taura. Đây là loại bệnh rất nguy hiểm có khả năng lây truyền sang tôm sú, các loài tôm bản địa khác ở địa phương.
Trước những bất lợi môi trường, thời tiết, dịch bệnh trên tôm nuôi đầu vụ năm 2013, UBND tỉnh Trà Vinh khuyến khích nông dân tích cực tham gia mua bảo hiểm nông nghiệp trên tôm sú.
Tỉnh xuất ngân sách khoảng 138 tỷ đồng hỗ trợ 60% kinh phí mua bảo hiểm tôm sú cho 15.400 hộ nuôi tôm sú công nghiệp và bán công nghiệp các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú (Trà Vinh), với tổng diện tích gần 15.000ha.
Đây là lần đầu tiên tỉnh Trà Vinh thực hiện chương trình hỗ trợ nông dân nuôi tôm mua bảo hiểm tôm sú nhằm chia sẻ khó khăn cho người nuôi trước tác động của biến đổi khí hậu, điều kiện môi trường ngày một bất lợi, dịch bệnh tôm tràn lan.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), đến nay đã có khoảng 6.500ha diện tích tôm nuôi trên cả nước bị dịch bệnh (Trà Vinh hơn 2500 ha). Nguyên nhân ban đầu được xác định tôm chết do bệnh tồn lưu trong môi trường, cộng với việc thời tiết biến đổi thất thường, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ban ngày và ban đêm chênh lệch, chất lượng nước không bảo đảm là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh bộc phát và lan rộng. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các địa phương chỉ nên thả nuôi tôm từ đầu tháng 5 đến hết tháng 9 dương lịch năm nay để hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro trong nuôi tôm.
Related news
Nhằm xây dựng thương hiệu cho thanh long Bình Thuận, Đề án dán tem có chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” trên quả thanh long khi đưa ra thị trường được tiến hành. Đơn vị thực hiện đề án là Hiệp hội thanh long Bình Thuận, thời gian thực hiện là 2 năm (từ 5/2013 – 5/2015), tổng kinh phí là 2.076 triệu đồng, trong đó nhà nước cấp một nữa, còn lại do Hiệp hội và các doanh nghiệp đóng góp.
Hiện tại, HTX Thạnh Phước, ở xã Đông Thạnh chỉ tiêu thụ từ 1.000 - 1.500kg cung cấp cho các chợ đầu mối lân cận; còn những hợp đồng lớn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước thì không đủ số lượng theo hợp đồng. Theo các nhà vườn nơi đây, gần đến Tết Nguyên đán, giá chanh không hạt sẽ tăng trở lại và sản lượng sẽ tăng lên, bởi nhà vườn đang chăm sóc xử lý cho trái nghịch vụ.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích thanh long toàn tỉnh Bình Thuận tiếp tục tăng mạnh. Năm 2014, thanh long tiếp tục trồng mới thêm 3.381 ha, đưa diện tích thanh long trên toàn tỉnh lên 24.000 ha, sản lượng ước đạt 500.000 tấn.
Sầu riêng là một trong những cây ăn trái chủ lực của cả nước và vùng Nam bộ. Những năm qua, tình trạng được mùa, rớt giá thường xuyên xảy ra, nhất là vào mùa thuận do đụng với nhiều loại trái cây khác. Vì thế, rải vụ được xem là giải pháp hiệu quả đang được ngành Nông nghiệp quan tâm triển khai.
Từ nhiều năm nay, xử lý thanh long cho ra quả vụ nghịch được coi là giải pháp hữu hiệu mang lại nguồn thu chính của nhà vườn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Bởi, thông thường giá bán nghịch vụ lúc nào cũng cao hơn chính vụ. Thế nhưng, vào thời điểm này, thanh long đang thu hoạch rộ thì giá bán trên thị trường sụt giảm mạnh, thấp hơn lúc chính vụ.