Đông Anh (Hà Nội) Tạo Đột Phá Từ Cơ Giới Hóa
Xác định đưa cơ giới hóa vào sản xuất là động lực để hiện đại hóa nền nông nghiệp và góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, huyện Đông Anh (Hà Nội) quyết tâm ứng dụng mô hình mạ khay, máy cấy vào sản xuất lúa, từng bước giúp người dân nâng cao hiệu quả canh tác, tăng thu nhập.
Nhiều lợi ích
Vụ mùa năm 2014 là vụ thứ hai, xã Liên Hà đưa mô hình mạ khay, máy cấy vào sản xuất với diện tích 70ha. Được huyện hỗ trợ 50% kinh phí mua 8 chiếc máy cấy Kobota, xã đã tiến hành gieo mạ khay cấy bằng máy cho bà con nông dân trong xã với giá dịch vụ 155.000 đồng/sào.
Chị Lê Thị Mơ, thôn Đại Vĩnh cho biết: "Nhà tôi có 6 sào ruộng ở xứ đồng trũng, trước đây luôn lo lắng bởi mỗi khi gió to hay mưa bão là lúa thường bị đổ, năng suất thấp. Nhưng kể từ khi cấy lúa bằng mạ khay, máy cấy, năng suất lúa đã tăng lên đáng kể".
So sánh với cấy lúa theo phương pháp truyền thống thì mô hình mạ khay, máy cấy giảm chi phí trung bình 100.000 đồng/sào, giảm 1/2 lượng thóc giống/sào. Cấy bằng máy một sào chỉ cần thời gian khoảng 15 - 20 phút nên giảm đáng kể chi phí ngày công và tiết kiệm sức lao động cho nông dân, đồng thời cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị đổ do tác động của gió bão.
Nhờ đó, năng suất cao hơn lúa cấy bằng tay trung bình 1 tạ/ha, chất lượng thóc cũng cao hơn. Ông Ngô Văn Lệ - Trưởng Phòng Kinh tế huyện Đông Anh cho biết, áp dụng mô hình mạ khay, máy cấy vào sản xuất đã góp phần không nhỏ vào việc khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai; củng cố, nâng cao vai trò của các HTX. Điều quan trọng là làm thay đổi được tập tục sản xuất thủ công manh mún, nhỏ lẻ của người nông dân.
Vụ xuân năm 2014, huyện triển khai thí điểm mô hình mạ khay, máy cấy với diện tích 30ha tại 6 xã. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, năng suất lúa vụ xuân bình quân đạt gần 60tạ/ha. Lợi nhuận của lúa cấy bằng máy cao hơn cấy lúa bằng tay khoảng 2,5 triệu đồng/ha và tiết kiệm 20% chi phí.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả
Vụ mùa 2014, Đông Anh tiếp tục triển khai áp dụng mạ khay, máy cấy tại 6 xã Liên Hà, Việt Hùng, Thụy Lâm, Vân Hà, Dục Tú, Xuân Nộn với diện tích 200ha. Để khuyến khích các xã tham gia mô hình, huyện đã hỗ trợ gần 3 tỷ đồng và 28 máy cấy.
Trong đó, hỗ trợ 50% giá trị máy cấy, 50% kinh phí mua khay mạ, 100% kinh phí mua thóc giống, tập huấn và hỗ trợ công cấy 50.000 đồng/sào. Bên cạnh đó, huyện tuyên truyền sâu rộng về những ưu điểm, lợi ích của mô hình mạ khay, máy cấy đến người dân.
Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả của mô hình và nâng cao trách nhiệm các xã, HTX, huyện yêu cầu các địa phương cam kết trong việc mua, quản lý và sử dụng máy cấy. Trong đó, cán bộ, đảng viên phải đi đầu, gương mẫu thực hiện. Chẳng hạn như tại xã Liên Hà, các đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã, Xã đội trưởng cũng tham gia góp cổ phần trong việc mua máy cấy và hạch toán kinh tế từ khâu đầu đến khâu cuối.
Để triển khai mô hình mạ khay, máy cấy hiệu quả, huyện đã tổ chức tham quan mô hình và học hỏi kinh nghiệm tại xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên. Sau đó, tổ chức trình diễn cấy bằng máy ngay trong vụ mùa 2013.
Với quyết tâm cao độ, sự nỗ lực, đồng thuận của cán bộ và người dân trong việc đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, diện mạo nông thôn Đông Anh sẽ ngày một khởi sắc.
Related news
Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau hội nghị giao ban tháng 8 về “Quản lý môi trường và dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản” để phân tích, làm rõ nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh trong tôm nuôi công nghiệp; từ đó, có những đề xuất giải pháp phù hợp tháo gỡ kịp thời.
Ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, cho biết: Trong tháng 8/2015, nông dân các huyện ven biển thả nuôi 167 triệu con tôm sú, diện tích 527 ha, hơn 510 triệu con tôm thẻ chân trắng, diện tích 810 ha. Nâng tổng số đến nay toàn vùng thả nuôi 1,97 tỷ con tôm sú, diện tích 19.125 ha; 2,28 tỷ con thẻ chân trắng, diện tích 4.139 ha.
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, 8 tháng đầu năm 2015 thời tiết tương đối thuận lợi cho các đội tàu khai thác thủy sản.
Trước vụ việc một số người chăn nuôi heo dùng chất tạo nạc để trục lợi bất chính diễn ra trên diện rộng, các cơ quan chức năng đã vào cuộc truy tận nơi sản xuất chất cấm này. Bước đầu đã hé lộ những đối tượng vi phạm.
Với niềm đam mê chăn nuôi, anh Võ Đình Duẫn (thôn Bắc Lân, xã Ba Động, Ba Tơ, Quảng Ngãi) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mô hình trang trại chăn nuôi heo khép kín. Sau 3 năm, mô hình này đã mang lại doanh thu tiền tỷ cho gia đình anh.