Điêu Đứng Giá Mía
Giá mía năm nay tiếp tục giảm khiến bà con trồng mía trong vùng quy hoạch tập trung tại các xã Trí Lực, Trí Phải, Biển Bạch của huyện Thới Bình (Cà Mau) thua lỗ...
Theo các nông hộ trồng mía, đầu vụ giá mía còn bán được giá 600đ/kg. Hiện tại, bà con đang vào vụ thu hoạch rộ, giá mía tiếp tục giảm thấp chỉ được giá 500đ/kg. So với thời điểm này năm trước giá mía đã giảm 200 - 250đ/kg.
Ông Trịnh Văn Chiều, một hộ dân trồng mía đã hơn 20 năm tại ấp 8, xã Trí Lực cho biết, khoảng 4 năm trước, giá mía từ 1.000 – 1.200đ/kg, khi đó cây mía là nguồn sống của bà con, nhưng 3 năm nay giá mía liên tục giảm, từ 800đ/kg xuống dần, giờ thì chạm đáy. Mía ở giá này chỉ chết dân, người trồng mía cầm chắc thua lỗ.
Theo tính toán của ông Chiều, người trồng mía chuyên canh thì phải đầu tư 8 triệu đồng/công/năm. Trong đó, 1 tấn hom giá 1 triệu đồng; công làm đất, đặt hom khoảng 1 triệu đồng; công chăm sóc (làm cỏ, vun gốc, lột lá…) hết 1,5 triệu đồng; mướn người thu hoạch mỗi tấn hết 170 ngàn đồng (năng suất mía nhà ông khoảng 13 tấn/công), tức là hết khoảng 2,3 triệu; tiền phân thuốc một năm 2 triệu đồng, tính thêm những chi phí phát sinh thì 8 triệu đồng/công còn chưa đủ.
Gia đình ông Chiều hiện có 18 ha đất trồng mía đang thu hoạch. Ông là một trong những hộ trồng mía với diện tích lớn và làm chuyên nghiệp nhất nhì tại xã Trí Lực. Tuy nhiên, theo tính toán của ông thì càng làm quy mô lớn thì càng chết. Do hầu như tất cả các khâu đều phải thuê người làm. Dù năng suất thu cao hơn mức trung bình vài tấn/ha, nhưng mỗi công ông vẫn lỗ gần 2 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, những hộ dân trồng mía bình thường, quy mô nhỏ hơn, tận dụng công nhà làm thì cũng chẳng thể thoát cảnh thua lỗ.
Một số bà con trồng mía ở xã Trí Phải cho biết, năng suất, sản lượng mía năm nay thấp hơn mọi năm do mùa hạn kéo dài, trung bình chỉ khoảng 10 tấn/công. Giá mía ở mức khoảng 600đ/kg nông dân mới hòa vốn. Với giá như hiện nay, sau khoảng 10 tháng vất vả vun trồng làm ra sản phẩm, trước mắt lời không thấy mà thấy rõ lỗ.
Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thới Bình: "Diện tích đất trồng mía của huyện năm nay gần 1.800 ha, tập trung ở các xã Trí Phải, Trí Lực, Biển Bạch và một phần nhỏ của các xã lân cận. Giá mía tại địa phương đang được thu mua quá thấp, chỉ 500đ/kg, làm cho gần 1.700 hộ dân trồng mía trên địa bàn đứng trước hoàn cảnh hết sức khó khăn".
"Bao nhiêu vốn liếng tôi đầu tư vào đây, cả một năm trời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời tưởng giá mía được như năm trước, thì còn kiếm lại được mấy đồng. Ai ngờ, mía rớt giá thê thảm thế này. Năm sau chúng tôi lấy đâu vốn tái đầu tư và lo cho cuộc sống gia đình", anh Trần Thanh Bằng, nông hộ trồng mía tại xã Trí Lực than thở.
Nguyên nhân giá mía giảm, theo ý kiến của cơ quan chức năng là do lượng đường tồn đọng trong nước còn nhiều. Trong khi đó, các DN chế biến còn phải chịu sức ép từ đường ngoại nhập vào nước ta, chính vì vậy giá mía mới thấp như hiện nay. Hiện tại giá mía thu mua trung bình ở Cà Mau đang ở mức thấp hơn các tỉnh xung quanh còn do nguyên nhân khác.
Theo người dân địa phương, nguyên nhân giá mía ở Cà Mau giảm là do Cty CP Mía đường Tây Nam (đặt tại ấp 1, xã Trí Phải, huyện Thới Bình), đơn vị duy nhất thu mua, bao tiêu sản phẩm mía tại Cà Mau đã có thông tin dừng thu mua nguyên liệu, ngừng mọi hoạt động sản xuất vì làm ăn thua lỗ và bị cấm hoạt động do không đảm bảo việc xử lý nước thải.
“Nhà máy đường không thu mua, đương nhiên chúng tôi phải bán cho thương lái vùng trên để đưa đi nơi khác. Tại địa phương hiện nay chỉ có các thương lái bên Kiên Giang và các nơi khác đến mua mía, đương nhiên họ phải tính thêm công vận chuyển, chưa nói đến việc chúng tôi bị ép giá. Giá mía thấp là phải rồi", anh Trần Chí Dũng ngụ xã Trí Phải nói.
Điều các hộ dân đang lo lắng chính là, sản lượng mía hiện khai thác chưa được bao nhiêu mà giá mía đã thấp thế này, nếu nhà máy dừng mọi hoạt động thật thì giá sẽ còn tiếp tục lao dốc.
Related news
Theo đó, trong thời gian từ 15/9-15/10, ngành thú y sẽ tiến hành tiêm phòng các loại vắc xin như tụ huyết trùng, lở mồm long móng, dịch tả… cho 38.150 con gia súc tại các huyện và thị xã.
Dẫn chúng tôi vào thăm vườn của mình, anh Dũng chỉ tay ngay vào những cây bơ có tán cao vượt hẳn so với những hàng cà phê và nói: “Điểm khác biệt của vườn cà phê nhà mình chính là những cây bơ cao to, tán phủ lên cây cà phê đấy.
Năm 2011, Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật (CLB KHKT) xã Song An (thị xã An Khê) được thành lập, trở thành cầu nối trung gian giúp nông dân tiếp cận, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản. Không chỉ vậy, CLB còn là nơi giúp đỡ, hỗ trợ nhà nông về phân bón, thức ăn chăn nuôi trả chậm.
Tát Ngà là một trong những xã có diện tích gieo trồng cao của huyện với 161 ha, thời tiết thuận lợi như hiện nay, nhiều diện tích lúa mùa sớm của xã đã chín rộ, nhân dân đang tích cực thu hoạch. Cùng với các hộ dân khác trong thôn, vụ này gia đình anh Trần Văn Pảo thôn Tát Ngà gieo cấy được trên 30 kg giống.
Nằm sâu dưới chân núi trên địa bàn thôn Bản Chang, một trong những thôn, bản xa nhất và khó khăn nhất của xã Quảng Ngần (Vị Xuyên), cơ sở HTX chè xanh Sáng Thu đang nỗ lực xây dựng cho cây chè Quảng Ngần một thương hiệu mang tên chè xanh Shan tuyết Sáng Thu.