Diện Tích Nuôi Trồng Thuỷ Sản Ở Tây Ninh Tăng 13,08%
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, trong 4 tháng đầu năm 2014, diện tích nuôi trồng thuỷ sản của địa phương này đã tăng 13,08% so với cùng kỳ năm 2013.
Riêng trong tháng 4/2014, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 4.560 tấn - tăng 10,09% so cùng kỳ năm trước. Năm 2014, tỉnh Tây Ninh sẽ phấn đấu tổng sản lượng thủy sản đạt 17.994 tấn các loại, tăng 19% so với năm 2013, trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 14.671 tấn, sản lượng khai thác đạt 3.323 tấn. Tổng giá trị sản lượng thủy sản năm 2014 phấn đấu đạt 319,3 tỷ đồng, tăng 10,4% so với ước thực hiện năm 2013.
Được biết, thời gian qua, tình hình nuôi trồng thuỷ sản ở địa phương này đang có chiều hướng phát triển với các loại hình thuỷ sản có giá trị cao, như: cá lăng nha, ba ba, cá lóc, cá chình, cá bống tượng.v.v... Ngoài ra, phong trào nuôi cá sấu cũng đang phát triển tập trung ở các huyện như Dương Minh Châu, Trảng Bàng.
Thực hiện công tác khuyến ngư, những năm qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh đã mở nhiều lớp tập huấn, nhiều điểm trình diễn kỹ thuật, nhiều buổi hội thảo chuyên đề, đồng thời ký kết với Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia thực hiện nhiều mô hình như: Nuôi cá rô đồng, nuôi tôm càng xanh và nuôi cá rô phi đơn tính. Từ đó, ngành nuôi trồng thuỷ sản ở Tây Ninh phát triển khá mạnh.
Người dân đã tận dụng những ao, hồ, các vùng đất trũng cải tạo lại để nuôi trồng thuỷ sản bằng nhiều hình thức như: thâm canh, bán thâm canh, nuôi kết hợp để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có... Nhiều năm trước, hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng chủ yếu phục vụ nước tưới tiêu sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, nhiều diện tích đất dọc các tuyến kênh đã chuyển đổi sang mô hình nuôi trồng thuỷ sản.
Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, tỉnh Tây Ninh đã thả hàng chục triệu con cá giống các loại xuống hồ Dầu Tiếng, gồm cá mè trắng, trắm cỏ, lăng nha, cá trôi, cá lóc bông, cá thác lác cườm, cá tra dầu, cá lăng vàng, lăng nha..v.v…
Theo đánh giá của các ngành chức năng, những loài cá được thả xuống hồ Dầu Tiếng đều phát triển nhanh do gặp môi trường sống tốt, nguồn thức ăn phong phú. Cũng từ sau khi tiến hành thả cá giống xuống hồ Dầu Tiếng, sản lượng thuỷ sản đánh bắt được hằng năm ở đây đã tăng lên đáng kể. Bình quân khoảng trên 1 nghìn tấn/năm.
Cùng với việc thả cá giống để tái tạo nguồn thủy sản trong hồ, lực lượng quản lý hồ cũng đã làm tốt công tác ngăn chặn các ngư dân sử dụng các phương tiện đánh bắt hủy diệt, đồng thời có trách nhiệm tổ chức quản lý ngư dân khai thác thủy sản trong hồ, bảo vệ nguồn cá giống tự nhiên, cá bố mẹ sắp sinh sản, bảo vệ các bãi cá đẻ, chấp hành các quy định về cấm đánh bắt cá trong mùa cá đẻ.
Ngoài ra, nghề nuôi thả thủy sản ở Tây Ninh cũng rất phát triển ở những địa phương có sông Vàm Cỏ Đông đi qua, tại đây đã thành lập ra các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản. Để sản lượng đánh bắt thủy sản tăng theo từng năm, tỉnh Tây Ninh cũng đã và đang làm tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ở các địa phương, đó là việc nghiêm cấm và ngăn chặn các phương pháp đánh bắt có tính chất huỷ diệt, qua đó, sản lượng thủy sản đã tăng rõ rệt.
Related news
Đây là mục tiêu đặt ra tại Quyết định 3195/QĐ-BNN-TCTS do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành phê duyệt Quy hoạch phát triển cá nước lạnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
UBND tỉnh Trà Vinh vừa phê duyệt đề tài “Nghiên cứu xây dựng và ứng dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei Boone, 1931) siêu thâm canh tại các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải và Châu Thành. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 5 tỷ đồng (trong đó ngân sách là 2.437.730.000 đồng, vốn đối ứng của dân là 2.562.270.000 đồng) từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ; thời gian thực hiện 24 tháng (từ tháng 8/2015 đến tháng 8/2017).
Sau khi thu hoạch tôm vụ 1, người nuôi tôm Quỳnh Lưu (Nghệ An) tiến hành xử lý, cải tạo ao đầm, nạo vét kênh mương, vệ sinh môi trường vùng nuôi đúng quy trình kỹ thuật để tiếp tục thả giống vụ 2.
Từ lâu, nghề nuôi tôm ở xã Hải Lạng (Tiên Yên, Quảng Ninh) đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, nhiều hộ gia đình đã giàu lên nhờ nuôi tôm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây cứ đến thời điểm gần thu hoạch, tôm nuôi ở xã Hải Lạng lại chết do dịch bệnh. Thực trạng này đã gây thiệt hại không nhỏ cho các hộ nuôi trồng thuỷ hải sản, đòi hỏi Hải Lạng cần có hướng đi phù hợp để nghề nuôi trồng thuỷ hải sản phát triển bền vững.
Trong những năm qua, nuôi thủy sản ở huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đã có bước chuyển biến, góp phần chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp, tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.