Diện Tích Mía Ở Quảng Ngãi Tiếp Tục Thu Hẹp

Sau nhiều năm thất thu vì cố níu kéo cây mía, người trồng mía đang ồ ạt phá bỏ mía chuyển sang cây trồng khác. Chưa bao giờ người trồng mía lâm vào cảnh khốn khó như hiện nay.
Bỏ mía trồng mì, tỉa đậu
Ngay khi vừa thu hoạch mía, ông Nguyễn Chánh ở thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) đã không một chút đắn đo khi phá bỏ ruộng mía để trồng mì, tỉa đậu. Ông Chánh là một nông dân gắn bó lâu đời với cây mía mấy chục năm qua, chẳng còn thiết tha với cây mía.
Ông Chánh vừa thu hoạch 12/17 sào mía của gia đình trồng. Mía ông Chánh trồng cho năng suất cao nhất nhì vùng gần 4 tấn/sào, tương đương với 80 tấn/ha, nhưng tính chi li chỉ còn lãi 400 nghìn đồng/sào.
Theo ông Chánh, 1 sào mía ông bán được 3 triệu đồng (850 nghìn đồng/tấn), trừ hết chi phí từ nhà máy đầu tư giống, phân bón, tiền điện chạy nước tưới, thuê nhân công làm cỏ, xới đất đến thuê nhân công thu hoạch rồi nhà máy trừ tạp chất từ 2,5 đến 3%, ông chỉ còn vỏn vẹn 400 nghìn đồng mà chưa kể tiền thuê đất.
Đó là nhờ cần mẫn chăm sóc, ông Chánh mới có năng suất cỡ đó chứ với nhiều người trồng mía khác chỉ đạt từ 2,5 đến hơn 3 tấn/sào. Trong khi đó, bỏ mía trồng mì, tỉa đậu bà con có lãi hơn nhiều. Vừa trồng mì xen canh đậu phộng có thể cho thu nhập tới 3 triệu đồng/sào mà cây đậu còn làm tốt cho đất.
Trồng mía lãi thấp, khâu thu hoạch, vận chuyển cũng khá nhọc nhằn “Ngày xưa bao nhiêu tài xế cũng chở cho dân, còn bây giờ khi kiểm soát trọng tải, tui thu hoạch 7 tấn, tài xế chỉ dám chở 5 tấn, còn 2 tấn bỏ lại tới cả tuần sau mới chở làm mía khô rốc. Cả năm trời chạy nước, xới cỏ rách cả mặt mà thu nhập còn thấp hơn cả cây lúa thì nông dân chúng tôi trồng làm gì?”- ông Chánh chua chát.
Đi dọc các cánh đồng khi xưa trùng trùng điệp điệp cây mía là hình ảnh bà con nông dân thuê máy cày đánh tơi gốc mía lấy đất xuống giống cây mì, đậu phộng. Nhắc đến cây mía ai cũng lắc đầu ngán ngẩm.
Lão nông được mệnh danh là vua mía Nguyễn Văn Mười ở thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) mấy ngày qua chạy ngược chạy xuôi tìm nhân công thu hoạch, nhưng đành bó tay vì đúng vào mùa thu hoạch keo.
Vụ mía năm 2013, ông Mười thuê đất trồng cả gần 8 ha mía, nhưng năm 2014 phải đắn đo lắm ông mới giữ được 5 ha. Giá cả quá bọt bèo, trong khi chi phí sản xuất, giá thuê nhân công cứ tăng vùn vụt, khiến ông Mười cũng như nhiều người trồng mía ở Hành Thiện nản lòng. Hết vụ này ông cũng chưa biết dự định thế nào với cây trồng đã gắn bó với mình mấy chục năm trời.
Cần trợ lực tối đa từ Nhà máy
Những năm gần đây, để vực dậy cây mía, Nhà máy Đường Phổ Phong đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để giữ chân nông dân như hỗ trợ giống chất lượng cao, phân bón, quy trình kỹ thuật, cơ giới hóa, chấp nhận bù lỗ để nâng giá thu mua mía nguyên liệu từ 684.000 đồng/tấn lên 850.000 đồng/tấn.
Tuy nhiên, mọi nỗ lực vẫn không thể kìm hãm đà lao dốc của mía đường khi năng suất vẫn khiêm tốn ở mức 54,3 tấn/ha, giảm 40 tạ/ha so với năm 2013 và sản lượng giảm 11,4%. Theo ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT, giá mía luôn biến động, khiến người nông dân không tập trung đầu tư là nguyên nhân dẫn đến năng suất và sản lượng đều giảm mạnh.
Còn theo GS-TS Nguyễn Lân Dũng nguyên nhân giá đường lao dốc là đo đường lậu tràn vào thị trường khiến đường nội địa lao đao. Theo tính toán, có hơn 1 vạn cửu vạn mưu sinh ở khu vực biên giới phía bắc, 1 ngày 1 cửu vạn xách lậu 10 cân đường qua biên giới thì nông dân Việt Nam chỉ có nước chới với với cây mía.
Giá cả bọt bèo, diện tích mía giảm mạnh là điều khó tránh khỏi, khiến chỉ tiêu mà ngành nông nghiệp đề ra là tăng diện tích cây mía rất khó thực hiện.
Lão nông Nguyễn Văn Mười đắn đo: Nhiều nơi đất của họ phù hợp với cây mì, cây đậu họ mới chuyển được chứ đất ở mình chẳng biết trồng gì ngoài trồng mía vì trũng, gần sông nếu trồng đậu, trồng dưa một vụ, vụ đông ngập úng. Trồng rau một lúc mấy trăm hécta ai tiêu thụ? Kiểu gì cũng gặp khó nên tính đi tính lại cũng là cây mía, nhưng bài toán đặt ra phải làm sao mà năng suất đạt 5 tấn/sào thì bà con mới có lãi. Chúng tôi rất mong Nhà nước hỗ trợ tối đa cho nông dân.
Cái mà lão nông Mười cho rằng cần hỗ trợ tối đa, trước tiên đó là cùng với chính sách siết chặt tình trạng nhập đường lậu như hiện nay thì Nhà máy phải trợ giá, phối hợp với chính quyền địa phương và bà con nông dân dồn điền đổi thửa, cơ giới hóa, nghiên cứu ra các loại giống mới cho năng suất cao, đặc biệt là đầu tư hệ thống nước tưới. “Trồng mía mà không chủ động tưới nước, chờ nước trời thì đừng nói đến năng suất cao”- ông Mười khẳng định.
“Đồng cảm” với những khó khăn của nông dân, Trung tâm Giống mía (Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi) đã nghiên cứu và đưa vào sản xuất 2 loại giống năng suất cao là K83-29 và LK92-11. Giống K83-29 nếu chăm bón tốt đạt năng suất 60-70 tấn/ha, còn K83-29 thấp hơn từ 55-65 tấn/ha.
Ông Trương Minh Thuận- Phó Giám đốc Trung tâm Giống mía cho biết: Hiện tại Trung tâm đang trồng thử nghiệm giống K95-84. Đây là giống mía mới trồng ở An Khê cho năng suất vượt trội hơn giống cũ 27 tấn/ha. Mong muốn được sự chia sẻ, ủng hộ từ nông dân, chúng tôi sẽ đưa cơ giới hóa, dồn điền đổi thửa, đưa giống mới vào sản xuất, quyết tâm đưa năng suất đạt 100 tấn/ha.
Related news

Hiệp hội Trái cây VN (Vinafruits) cho biết, mặc dù các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc..., liên tục mở cửa cho trái cây tươi của VN, thế nhưng sản lượng XK vẫn chưa đạt được kỳ vọng.

Xin được nói luôn, “ngơ ngơ đội nón” chính là những “cô” bò sữa, những thí sinh tham dự cuộc thi hoa hậu bò sữa, được tổ chức bởi Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu (Sơn La). Cuộc thi này đang gây tranh cãi bởi chính cái tên của nó: “Hoa hậu”. Người thì cho rằng, cuộc thi hoa hậu trên đất nước này chỉ có một, đó là dành cho người, chứ còn “bò thì hoa hậu cái gì!”.

Đặc biệt, giá tôm thẻ chân trắng tính đến thời điểm hiện tại giảm trung bình từ 15 – 20 ngàn đồng/kg tùy loại. Ở Cà Mau, hiện giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con giá 100 ngàn đồng/kg, loại 70 con giá 120 ngàn đồng/kg. Giá tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cũng chênh lệch không đáng kể.

Trước tình trạng một số diện tích ruộng sản xuất kém hiệu quả hoặc không sản xuất trong vụ hè thu ở vùng thấp trũng, gần đây, người dân các huyện Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nam Ðàn, Diễn Châu, Yên Thành, Ðô Lương (Nghệ An) đã chuyển đổi sang nuôi cá vụ ba. Với hình thức chuyển đổi này, bước đầu đem lại hiệu quả tốt.

Thiếu tá Lê Duy Nhất, Phó Trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Đá Bạc, Đồn Biên phòng Sông Đốc, cho biết, nhiều năm nay ngư dân vùng biển này khai thác được sứa chỉ lựa đổ đi chứ không biết lấy làm gì. Từ năm 2011 đến nay, có cơ sở thu mua, sơ chế sứa của anh Bùi Văn Kỳ (anh Kỳ từ Nha Trang vào) giúp nhiều ngư dân có thêm nguồn thu nhập từ sứa.