Diêm Dân Thoát Nghèo Nhờ Trồng Táo Bán Tết

Từng là làng nghề chuyên làm muối, thời gian gần đây, P.Bàng La, Q.Đồ Sơn, TP.Hải Phòng được biết đến như một làng nghề trồng táo giống mới. Nhờ việc chuyển đổi này mà người dân ở đây đã thoát nghèo.
Những ngày cận Tết Nguyên đán, thương lái từ nhiều nơi đang đổ về các vườn táo trĩu quả trồng trên những cánh đồng vốn là ruộng muối ở P.Bàng La để mua táo chuyển vào phố.
Táo ở Bàng La được nhiều người dân đất cảng ưa thích bởi có vị ngọt thanh, giòn, thơm, mọng nước mà hiếm loại táo ở nơi khác có được. Về mảnh đất ven biển dịp này là những chiếc xe máy chở táo đi lại tấp nập dọc con đường dẫn vào vườn táo đầy quả đang chuyển màu vàng nhạt chờ tay người hái.
Suốt 2 tháng qua, gia đình ông Đặng Bá Hằng, 58 tuổi, ở tổ dân phố Điện Biên, P.Bàng La có mặt cả ngày ở khu vườn rộng 2 mẫu để kịp thu hoạch táo. Ông Hằng cho biết, ngày nào cũng huy động khoảng 5 người ra vườn nhưng vẫn không hái xuể 200 gốc táo. “Năm nay được mùa, nên đến giờ nhà tôi đã thu hoạch được gần 11 tấn táo, bán được hơn 200 triệu đồng”, ông Hằng kể.
Buổi trưa ở “vương quốc” táo Bàng La vẫn không rộn rã tiếng thu mua, cân hàng, xen lẫn với tiếng nói cười dưới những gốc táo. Trong sân nhà bà Đỗ Thị Liên, 45 tuổi, tổ dân phố Điện Biên, mấy người đang thoăn thoắt phân loại đống táo xanh. Nhà bà Liên trồng 70 gốc táo từ năm 2004.
Với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, vụ táo năm nay gia đình bà đã kiếm 60 triệu đồng từ gần 3 tấn quả thu hoạch được. Không chỉ bán táo của nhà, bà Liên còn thu mua táo của hàng xóm rồi chở vào nội thành Hải Phòng bán kiếm lời. Bà Liên nói: “Táo Bàng La đắt khách là nhờ vị thơm ngon, an toàn, không có thuốc kích thích. Hễ khát nước là chúng tôi vặt táo ăn luôn. Giờ dân mình hạn chế dùng hoa quả Trung Quốc nên dịp tết hầu như nhà nào cũng mua táo về ăn”.
Bà Vũ Thị Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân P.Bàng La cho biết, táo được trồng phổ biến ở Bàng La cách đây khoảng 8 năm, tổng diện tích trồng táo trên địa bàn hiện nay là 70 ha. “Táo và cà chua là cây chủ lực của địa phương, đã giúp bà con thoát nghèo, có của ăn của để. Tháng 10.2014, cây táo của địa phương được thành phố cho phép chỉ dẫn địa lý và bảo hộ nhãn hiệu tập thể”, bà Hằng cho biết.
Đặc biệt, năm nay táo của địa phương còn được mang đi giới thiệu tại hội chợ hàng nông sản mùa xuân, tổ chức ở Cung Văn hóa Việt - Tiệp sắp tới. Hiện nay, UBND P.Bàng La đang xây dựng kế hoạch thành lập câu lạc bộ dành cho những người trồng táo, thiết kế bao bì đựng táo để bảo vệ thương hiệu.
Do được trồng bởi những diêm dân chính hiệu, bà con gọi vui với nhau là “táo muối” vì nơi trồng từng là cánh đồng muối trắng mặn chát mồ hôi và nước mắt của diêm dân, bởi những năm trắng tay do bão gió. Giờ đây những cánh đồng táo đã mang lại cho bà con cuộc sống no đủ hơn và “táo muối” đã trở thành đặc sản của quê nhà. Nhiều người tìm đến tận vườn để mua mang đi làm quà cho người thân, bạn bè ở khắp nơi trên mọi miền tổ quốc.
Related news

Công ty Công nghệ sinh học TransGenada ở Arizona đã được Viện Thực phẩm và Nông nghiệp Quốc gia (NIFA) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) tài trợ cho hoạt động nghiên cứu dành cho các doanh nghiệp nhỏ.

Việc phát triển mạnh cây keo lá tràm góp phần làm thay da đổi thịt vùng đất Thạnh Phú (xã Đại Chánh, Đại Lộc, Quảng Nam), tạo điều kiện để người dân nơi đây có cuộc sống ổn định.

Thông tin từ lãnh đạo Phòng Nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến cuối tháng 5-2012, diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt 72/130 ha, tương đương với lượng tôm giống được di ương về là 72 triệu con.

Hiện nay, nhiều nông dân ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) áp dụng mô hình “3 giảm 3 tăng” không những tiết kiệm được chi phí sản xuất mà còn tăng lợi nhuận giá thành sản phẩm, nhất là hiện nay, khi giá lúa nằm ở mức thấp, việc áp dụng mô hình “3 giảm 3 tăng” sẽ mang lại hiệu quả thiết thực đối với nông dân.

Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) vừa ra mắt và đưa ra thị trường gạo Jasmine GLOBAL G.A.P (ảnh) được sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn tỉnh An Giang và chế biến, đóng gói tại nhà máy chi nhánh Satra Đồng Tháp, sản xuất theo quy trình sạch tiêu chuẩn GLOBAL G.A.P (Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu), do Tổ chức TUV SUD Management Service GmbH (Đức) chứng nhận.