Dịch Bệnh Lan Rộng Ở Các Vùng Nuôi Trồng Thủy Sản
Kết quả xét nghiệm mẫu nước tại 12 địa điểm nuôi thủy sản tập trung trên địa bàn tỉnh Phú Yên của Trung tâm Giống và Kỹ thuật Thủy sản Phú Yên cho thấy dịch bệnh trên tôm hùm và cá mú vẫn tiếp tục xảy ra tại hai xã Xuân Thịnh và Xuân Phương thuộc thị xã Sông Cầu.
Riêng tại thôn Phú Dương thuộc xã Xuân Thịnh, cá mú chết với biểu hiệu lở loét trên mình giai đoạn từ cá giống đến cá thương phẩm. Theo nhận định của Trung tâm, nguyên nhân là do nguồn giống nhập về chưa được kiểm dịch, cá nhiễm bệnh nên khi nuôi gặp môi trường bất lợi cá chết và lây lan các vùng nuôi khác. Hầu hết các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An và huyện Đông Hòa bệnh suy gan tụy vẫn đang xảy ra.
Trung tâm Giống và Kỹ thuật Thủy sản Phú Yên khuyến cáo vùng nuôi tôm hùm, cá mú ở thị xã Sông Cầu cần quản lý lồng bè nuôi chặt chẽ bằng cách giãn mật độ lồng nuôi; thức ăn phải tươi và rửa sạch; xác tôm, cá mú chết và thức ăn thừa phải tiêu hủy xa khu nuôi để đảm bảo môi trường.
Đối với khu vực nuôi tôm xung quanh đầm Ô Loan (huyện Tuy An) với diện tích hơn 320 ha cần chuyển đổi từ nuôi tôm thẻ sang nuôi các đối tượng khác như hàu, cua xanh và xử lý nguồn nước thật kỹ trước khi thả giống do trong đầm Ô Loan rong câu phát triển quá mức nên đang bị ô nhiễm hữu cơ…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phú Yên, từ đầu năm đến nay, mặc dù sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 3.535 tấn, tăng gần 26% so cùng kỳ năm ngoái nhưng tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong 1.716 ha tôm thẻ chân trắng thả nuôi, có đến 195 ha bị nhiễm bệnh, với thiệt hại từ 30% đến 100%.
Ngoài ra, do ô nhiễm môi trường và lượng con giống khai thác tự nhiên quá thiếu nên tôm hùm bằng lồng được thả nuôi cũng chỉ hơn 5.000 lồng, giảm một nửa so cùng kỳ năm ngoái.
Related news
Hợp tác xã nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận (Giao Thủy, Nam Định) được thành lập từ đầu năm 2014 trên cơ sở hình thành từ cơ sở sản xuất nấm Tuấn Hiệp.
Hiện nay, mặc dù giá hạt tiêu đang cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 60.000 đồng/kg, nhưng người trồng tiêu và kinh doanh mặt hàng này không vui.
Niên vụ mía năm 2015 - 2016, UBND xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh phối hợp với Công ty Mía đường Trà Vinh xây dựng cánh đồng lớn (CĐL) đối với cây mía tại ấp Long Hưng, có 28 hộ tham gia với diện tích 21,9ha.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu hiện đã thu hoạch được khoảng 90% diện tích trồng khoai mỳ (gần 8.000 ha), tuy nhiên sản phẩm khoai mỳ năm nay có giá thấp. Cụ thể, giá khoai mỳ xắt lát phơi khô trong tháng 2 -2015 còn 3.700 đồng/kg, giảm 1.300 đồng/kg so với tháng 1-2015.
Theo nông dân một số nơi trong tỉnh, từ trước Tết Ất Mùi đến nay, thời tiết khô nóng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loài dịch hại phát sinh, lây lan trên cây trồng. Trong đó nhiều diện tích mì bị nhện đỏ tấn công gây thiệt hại nặng nề.