Để Đứng Vững Trong TPP Mạnh Dạn Đi Vào Chế Biến Thực Phẩm
Trước thách thức của TPP, nhiều Cty chăn nuôi đang tích cực hoặc định hướng phải đi sâu vào chế biến thực phẩm để đứng vững trên thị trường nội địa và xa hơn là xuất khẩu.
Chuỗi khép kín của Sagrifood
Tuy tiềm lực không thể so sánh với các Cty có vốn ngoại, nhưng một số Cty chăn nuôi có vốn nội cũng đã và đang mạnh dạn phát triển theo hướng trở thành một Cty thực phẩm, khép kín từ đầu vào, chăn nuôi tới giết mổ, chế biến và tiêu thụ. Một ví dụ điển hình là Cty Chăn nuôi và Chế biến Thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood).
Từ khi thành lập (2007) đến nay, Sagrifood luôn định hướng phát triển chăn nuôi và chế biến thực phẩm với quy trình khép kín theo tiêu chuẩn 3F (Feed-Farm-Food). Theo đó, với 2 xí nghiệp chăn nuôi heo Đồng Hiệp và Phước Long, Sagrifood đã chủ động sản xuất heo giống, heo hậu bị và heo thành phẩm. Mỗi năm, 2 xí nghiệp này cung cấp hơn 2.200 tấn heo thịt, 65.000 đến 70.000 heo con giống và 9.000 heo hậu bị.
Xí nghiệp gà Củ Chi là đơn vị chuyên về sản xuất và cung cấp gà giống thương phẩm 1 ngày tuổi đạt 1,2 triệu con gà giống và gà thịt đạt 1.000 tấn/năm. Các xí nghiệp chăn nuôi heo và gà luôn bảo đảm tiêm phòng và kiểm soát chặt chẽ các dịch bệnh để đưa ra những sản phẩm tốt nhất.
Với công suất 20.000 tấn/năm, Xí nghiệp TĂCN An Phú của Sagrifood là đơn vị có nhiệm vụ đảm bảo đủ nguồn thức ăn chất lượng tốt cho đàn heo, gà của Cty này. Thức ăn gia súc, gia cầm An Phú được kiểm tra chặt chẽ về dinh dưỡng, nấm mốc, bảo đảm an toàn. Nguyên liệu được xử lý qua máy hồng ngoại vừa tiệt trùng vừa tăng tỉ lệ tiêu hóa thức ăn.
Xí nghiệp Chế biến Thực phẩm Nam Phong của Sagrifood là đơn vị chuyên chế biến thực phẩm như chả giò, chả lụa, giò thủ, giò bò, xúc xích, lạp xưởng các loại... Trong đó, các sản phẩm như lạp xưởng tôm, lạp xưởng Mai Quế Lộ đang rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Nguyên liệu chế biến thực phẩm của Nam Phong đều lấy từ các xí nghiệp chăn nuôi của Sagrifood với công nghệ giết mổ treo, một chiều, bảo đảm thịt không nhiễm vi sinh.
Sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất công nghệ cao với trang thiết bị, máy móc hiện đại, xây dựng theo tiêu chuẩn GMP, đạt chứng nhận đầy đủ về VSATTP, HACCP... Các sản phẩm chế biến của Xí nghiệp Nam Phong không chỉ được phân phối trong các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi như CoopMart, Co.op Food…, mà còn trong chuỗi cửa hàng tiện lợi do Sagrifood xây dựng và phát triển trên địa bàn TP.HCM.
Bên cạnh đó, Cty cũng đang phát triển hệ thống các đại lý bán lẻ thực phẩm. Với các xí nghiệp TĂCN, chăn nuôi, chế biến thực phẩm và cửa hàng tiện lợi như trên, có thể nói, trong các doanh nghiệp chăn nuôi có nguồn vốn nội địa 100% ở Đông Nam bộ, Sagrifood đang là đơn vị tiên phong sản xuất theo quy trình khép kín từ con giống – thức ăn chăn nuôi – kỹ thuật chăn nuôi – giết mổ - chế biến – bảo quản – phân phối sản phẩm ra thị trường.
Theo bà Lê Ngọc Phượng, GĐ Sagrifood, hiện nay, sản lượng thực phẩm chế biến của Cty này còn chưa nhiều, mới khoảng 500 tấn/năm. Tuy nhiên, Sagrifood vẫn quyết tâm đầu tư sâu vào chế biến thực phẩm, bởi đây là giải pháp quan trọng để Cty giảm được áp lực cạnh tranh với thịt đông lạnh NK khi Việt Nam tham gia vào TPP. Mặt khác, thực phẩm chế biến đang có những thuận lợi về thị trường khi mà nhu cầu của người dân đang ngày càng tăng lên, nhất là với các sản phẩm sạch. Sagrifood có thuận lợi là nguồn nguyên liệu heo, gà đều đã có chứng nhận VietGAP nên phải tận dụng ưu thế này để đẩy mạnh sản xuất thực phẩm sạch, đưa ra thị trường.
Một thuận lợi khác nữa mà Sagrifood cũng đang chú trọng đẩy mạnh, đó là thương hiệu Nam Phong. Bởi trước khi trở thành thành viên của Sagrifood, Xí nghiệp Chế biến Thực phẩm Nam Phong đã là một thương hiệu được biết đến rộng rãi ở TP.HCM từ trước 1975. Bởi vậy, Sagrifood đang chuẩn bị thay thế các bao bì, nhãn mác cũ bằng những bao bì, nhãn mác mới mà trong đó thể hiện rõ trong Sagrifood có Nam Phong.
Xu hướng chuyển thành Cty thực phẩm
Nhiều Cty chăn nuôi lớn nhỏ cũng đang rục rịch hay chuẩn bị những điều kiện cần thiết để trở thành Cty thực phẩm trong tương lai không xa. Trong đó, có một cái tên đáng chú ý là Japfa Việt Nam.
Trong ngành chăn nuôi hiện nay, Japfa Việt Nam là một trong 3 doanh nghiệp lớn nhất. Thành lập từ năm 1996, đến nay, Japfa Việt Nam đã phát triển hệ thống sản xuất TĂCN rộng khắp cả nước, gồm 5 nhà máy đặt tại Vĩnh Phúc, Long An, Hòa Bình, Thái Bình và Bình Thuận.
Tổng công suất của 5 nhà máy này là 136.000 tấn/tháng. Japfa Việt Nam đang tích cực đưa ra thị trường những sản phẩm thức ăn chăn nuôi chất lượng cao, đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm. Để đạt được điều đó, tất cả các khâu từ nhập nguyên liệu, chế biến đến khi thành phẩm… đều được phân tích, đánh giá, kiểm soát nghiêm ngặt trước khi cung ứng ra thị trường. Công ty còn tiếp tục đầu tư vào chất lượng con giống với những cải tiến liên tục để ngang bằng với tiến bộ di truyền trên thế giới…
Hiện tại, Japfa đang sở hữu trại heo giống cụ kỵ quy mô hiện đại bậc nhất Việt Nam. Đây là cơ sở để tạo ra thế hệ heo giống ông bà tốt nhất, từ đó có thể phát triển chất lượng con giống ở Việt Nam lên một tầm cao mới, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt heo ngày càng cao cả về lượng và chất của thị trường trong và ngoài nước. Riêng đối với ngành kinh doanh gia cầm, Japfa có nhà máy ấp trứng ở Thái Bình, Đồng Nai; trại gà giống cấp bố mẹ ở Vĩnh Phúc, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng triệu con giống gà gồm gà ta thả vườn, gà thịt công nghiệp, gà đẻ được thị trường đánh giá cao.
Với nguồn TĂCN và con giống như trên, trong nhiều năm qua, Japfa Việt Nam đã tổ chức hệ thống chăn nuôi trang trại theo mô hình sản xuất, kinh doanh khép kín, từ trại giống ông bà, trại giống bố mẹ, con giống đến chăn nuôi gia công. Đến thời điểm này, Japfa Việt Nam đã xây dựng được hệ thống khoảng 200 trang trại nuôi heo gia công cho Cty tại các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước. Bên cạnh đó là 20 trang trại nuôi gà gia công cho Cty, với tổng công suất của mỗi lứa nuôi tới 800.000 con.
Không dừng lại ở đó, Japfa Việt Nam đang tiến hành tập trung củng cố các nguồn lực, tạo nền tảng vững chắc ở hai mảng là thức ăn chăn nuôi và trang trại chăn nuôi để chuẩn bị sẵn sàng cho việc giới thiệu ngành thực phẩm trong 3 năm tới. Theo chiến lược phát triển từ 2010-2025, thì từ 2015–2018, Japfa Việt Nam sẽ tập trung xây dựng nhà máy giết mổ và chế biến thịt với mục tiêu xuất khẩu thịt heo vào năm 2018, đến năm 2020 sẽ hoàn chỉnh việc tích hợp ngành kinh doanh heo và gia cầm.
Về chế biến thực phẩm, Japfa Việt Nam đã có sẵn những kinh nghiệm quý từ hoạt động chế biến, kinh doanh thực phẩm của tập đoàn Japfa ở Indonesia. Ở Indonesia, hoạt động chế biến gia cầm của Japfa được xếp hạng là một trong những doanh nghiệp lớn nhất nước. Japfa Indonesia sở hữu nhà máy chế biến ở Tangerang, Lampung và Surabaya.
Các nhà máy này đều có khả năng xử lý 6.000 con gia cầm mỗi giờ. Những con gà để chế biến có nguồn gốc từ nông dân, trại chăn nuôi gia công và trang trại của Japfa. Bằng cách sử dụng công nghệ chế biến hiện đại, Japfa Indonesia có thể đáp ứng nhu cầu nghiêm ngặt của khách hàng về chất lượng ổn định, sự tươi mát và đảm bảo VSATTP.
Công ty có hệ thống kiểm soát toàn bộ hoạt động của dây chuyền lạnh nhằm tăng cường chất lượng thịt và tối đa hóa thời gian sử dụng. Hiện nay, Japfa Indonesia đã xây dựng thành công chuỗi cung ứng sản phẩm gồm các hệ thống nhà hàng thức ăn nhanh và các siêu thị - là nơi tiêu thụ khoảng 70% tổng sản lượng thực phẩm của Cty.
Related news
Nhận thấy ở địa phương có điều kiện thuận lợi phát triển đàn gia súc, nhất là nuôi dê, đầu năm 2011, anh Nguyễn Trí Thường, thôn Tuấn Sơn, xã Biên Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) quyết định học hỏi kinh nghiệm nuôi dê từ một số mô hình trong, ngoài tỉnh.
Từ giữa tháng 02/2014, trong tỉnh Trà Vinh đã xảy ra dịch cúm gia cầm tại địa bàn 17 xã thuộc 04 huyện, thành phố: Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè và thành phố Trà Vinh, với tổng số 28.262 con gia cầm mắc bệnh.
Trước tình trạng hàng chục tỉnh, thành phố trên cả nước xuất hiện dịch cúm trên đàn gia cầm gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và ngành chăn nuôi, tỉnh Bắc Giang đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp tích cực bảo vệ đàn gia cầm và người sản xuất, kiên quyết không để xảy ra dịch trên địa bàn...
Dịch cúm gia cầm tại tỉnh Đắk Lắk đã cơ bản được khống chế, nỗi lo dịch bệnh tạm lắng xuống, nhưng thay vào đó, thị trường đầu ra của gia cầm quá chậm chạp cộng với chi phí đầu vào tăng thêm từ 20-25% so với trước đây.
Chi cục Thú y vừa phối hợp với Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa tổ chức triển khai công tác quản lý nuôi chim yến theo Thông tư 35 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tại địa bàn tỉnh Khánh Hòa.