Đẩy Mạnh Phát Triển Đàn Lợn Nái Móng Cái Ở Bạch Thông (Bắc Kạn)

Năm 2011 Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) đã triển khai mô hình chăn nuôi lợn nái Móng Cái tại xã Quân Bình và Cẩm Giàng. Qua đánh giá cho thấy mô hình bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực.
Mô hình chăn nuôi lợn nái Móng Cái sinh sản được triển khai với mục tiêu giúp người chăn nuôi chủ động sản xuất con giống bảo đảm chất lượng, an toàn về dịch bệnh, giảm chi phí ban đầu mua con giống cho người dân, từng bước tạo thành vùng chăn nuôi lợn nái sinh sản để chủ động cung ứng con giống cho các hộ dân chăn nuôi lợn thịt trên địa bàn huyện.
Theo đó, mô hình được triển khai từ tháng 9/2011 đến tháng 9/2012 với quy mô gồm 60 hộ tham gia, số lượng lợn nái giống được hỗ trợ là 60 con (mỗi xã 30 con/30 hộ). Tham gia thực hiện mô hình các hộ dân được hỗ trợ 60% chi phí mua lợn giống, 40% chi phí mua thức ăn cám đậm đặc. Ngoài ra, các hộ còn được tập huấn quy tình kỹ thuật chăn nuôi lợn nái sinh sản. Những hộ được lựa chọn tham gia thực hiện mô hình này là hộ có nhu cầu chăn nuôi lợn nái, có nhân lực lao động và có khả năng đóng góp đối ứng.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đến nay mô hình đã đạt hiệu quả khá, đàn lợn nái sinh trưởng đạt tỷ lệ 66,6%, số lợn nái đã sinh sản lứa 1 là 33 nái, số lợn con được sinh sản là 337 con. Trung bình 1 nái sinh sản được 10 con/lứa. Số lợn con được chăm sóc nuôi dưỡng đến 70 ngày tuổi là 312 con, trọng lượng đạt từ 13 - 18 kg. Từ lứa lợn thứ hai trở đi đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Tại xã Quân Bình việc triển khai thực hiện mô hình này có nhiều thuận lợi do người dân địa phương đã có truyền thống chăn nuôi lợn nên ít nhiều có kinh nghiệm. Mặt khác, các hộ tham gia được lựa chọn kỹ có điều kiện về chuồng trại, có tinh thần trách nhiệm, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nên đàn lợn nái sinh sản phát triển tốt, đạt tỷ lệ 73%. Mô hình đã đem lại thu nhập cho người chăn nuôi, thực tế cho thấy mỗi một lứa lợn, trừ hết chi phí người dân sẽ thu lãi từ 4 - 5 triệu đồng.
Gia đình ông Vương Văn Thắng ở thôn Thái Bình là một trong những hộ được lựa chọn tham gia mô hình, hiện tại gia đình ông nuôi 2 con lợn nái theo dự án. Trong bình mỗi nái sinh sản được 11 con, trừ chi phí ông thu lãi 4 triệu đồng/lứa lợn. Sau một năm thực hiện đàn lợn của gia đình ông Thắng không gặp rủi ro nào do luôn tuân thủ đúng theo quy tình kỹ thuật trong chăn nuôi, chuồng trại vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát. Lợn con được xuất bán đi các xã lân cận trong địa bàn huyện.
Đồng chí Đàm Mạnh Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Quân Bình cho biết: Hiện nay thế mạnh của Quân Bình là phát triển chăn nuôi lợn, do đó việc thực hiện mô hình nuôi lợn nái sinh sản có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình đẩy mạnh phát triển chăn nuôi của địa phương. Mô hình được triển khai thành công đã giúp cho người dân được tiếp cận và làm quen với đối tượng chăn nuôi mới là lợn nái Móng Cái, nhằm thực hiện chủ trương Móng Cái hoá đàn lợn, chủ động con giống cho chăn nuôi lợn thịt trên địa bàn, không phải phụ thuộc vào nguồn giống bên ngoài để hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí mang lại nguồn thu nhập cao hơn cho các hộ gia đình. Hơn nữa qua mô hình này bà con nông dân đã biết cách tổ chức, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế, góp phần xoá đói, giảm nghèo.
Hiện nay việc phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện Bạch Thông vẫn chủ yếu là theo quy mô nhỏ lẻ tại hộ gia đình, ở những xã vùng cao nhiều gia đình còn chăn nuôi theo hình thức thả rông, chuồng trại sơ sài, không đảm bảo vệ sinh, chăn nuôi không đúng theo quy trình kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế thấp, nguồn giống lại chủ yếu được nhập từ bên ngoài nên không tránh khỏi rủi ro về dịch bệnh.
Do vậy việc thực hiện thành công mô hình nuôi lợn nái sinh sản tại hai xã Quân Bình và Cẩm Giàng là cơ sở để huyện tiếp tục thực hiện nhân rộng trên địa bàn hướng tới việc chủ động được nguồn giống tốt, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi. Huyện Bạch Thông phấn đấu đến năm 2015 phát triển tổng đàn lợn lên 28.600 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng bình quân đạt 1.460 tấn/năm. Theo đó, chủ trương của huyện là tập trung phát triển chăn nuôi ở những vùng có điều kiện, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có năng lực, có khả năng phát triển chăn nuôi với quy mô lớn theo hướng chăn nuôi tập trung, phát triển thành trang trại, liên doanh, liên kết trong chăn nuôi.
Đối với mô hình nuôi lợn nái Móng Cái tại hai xã Quân Bình và Cẩm Giàng, huyện đã chỉ đạo các hộ dân cần tiếp tục duy trì và áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh cho các năm tiếp theo. Đồng thời, phổ biến kinh nghiệm để tiến tới đẩy mạnh phát triển đàn lợn nái trên địa bàn huyện.
Related news

Theo ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, mấy ngày gần đây cá cơm, cá nục xuất hiện dày đặc trên ngư trường của tỉnh. Hiện có khoảng 4.000 phương tiện tham gia đánh bắt hải sản với khoảng 20.000 ngư dân đang tập trung khai thác vụ cá Nam.

Tận dụng ưu thế của địa phương có luồng lạch, cửa biển, nhiều hộ gia đình ở Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã triển khai xây dựng mô hình nuôi cá Chẽm bằng lồng. Kết quả kinh tế từ loại hình nuôi trồng thủy sản này cho thấy, nếu được đầu tư bài bản, đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm, nuôi cá Chẽm bằng lồng sẽ mở hướng thoát nghèo cho bà con nông dân vùng biển cửa.

Đó là khẳng định của ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ NNPTNT tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm diễn ra chiều ngày, 17/9.

Có thể nói, hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản năm nay của ngư dân thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) không thuận lợi vì chi phí đánh bắt tăng cao dẫn đến đời sống của ngư dân khai thác và sơ chế thủy sản gặp không ít khó khăn.

Thạc sĩ Phan Phương Loan, Khoa Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên (Trường đại học An Giang) vừa thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá trê vàng”. Đề tài triển khai thực nghiệm tại ấp Bình Hòa 2, xã Mỹ Khánh (TP.Long Xuyên) bằng hai hình thức sử dụng 100% thức ăn là cá tạp và 50% cá tạp, kết hợp 50% thức ăn công nghiệp.