Đầy Ắp Tôm Cá Sau Chuyến Biển Tết Ở Cà Mau

Dong thuyền ngay con trăng đầu tiên trước thềm năm mới, hàng ngàn ngư dân bỏ lại niềm vui ngày Tết ở quê nhà để thu được những mẻ lưới đầy ắp hải sản. Những ngư dân ấy vừa cho tàu cập bến trong niềm hân hoan thắng lợi đầu năm mới…
“Điềm hên” đầu năm
Ngay từ mùng bốn Tết Giáp ngọ, con ruốc xuất hiện dập dìu ven bờ biển Gành Hào, sớm hơn mọi khi hơn một tháng. Không bỏ lỡ thời cơ hiếm hoi, ngư dân trong vùng vừa ăn Tết, vừa buông những mẻ lưới khởi sự đầu năm, mỗi ghe thu được từ 300-500 kg ruốc tươi mỗi ngày.
Nếu bán tươi cho thương lái với giá 10.000 đồng/kg, mỗi ghe bắt ruốc thu lời từ 2-4 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí. Không ít hộ bỏ công, tranh thủ nắng tốt phơi bán ruốc khô với giá từ 40.000-45.000 đồng/kg, chuẩn bị chuyển một lượng hàng lớn cho các đầu nậu tại TP Hồ Chí Minh.
Qua điện thoại, anh Nguyễn Trường Hận, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải (Cà Mau), vui mừng cho hay, con ruốc xuất hiện sớm, ngư dân thu lời nhiều là “điềm hên” đầu năm mới, hứa hẹn một năm đánh bắt bội thu.
“Điềm hên” cũng đến với ngư dân Cà Mau khi những ngày qua, tàu cá tấp nập vào bờ chở theo một lượng lớn hải sản sau chuyến biển Tết.
Ngay tại Sông Đốc-cửa biển lớn nhất Cà Mau, gần 100 tàu khai thác hải sản ì ạch chở hàng vào bờ khi nền trời đêm vừa nhú trăng non. Có mặt tại nhà ngư dân Trần Văn Đáng, đông đảo bạn tàu tụ hội về nhà ông chung vui, tiệc tùng. Ông Đáng cho hay đang tổ chức ăn Tết muộn vì 3 tàu khai thác nhà ông kẹt chuyến biển Tết.
Bù lại niềm vui ngày Tết, 3 tàu cá của ông Đáng thu lời gần 200 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí và ăn chia với ngư phủ. Gần đó, hàng xóm là ông Nguyễn Minh Lâm cũng tiệc tùng rôm rả vì vừa thu về trên 30 tấn hải sản sau chuyến biển Tết.
Ông Lâm phấn khởi: “Tàu vừa tới bờ thương lái túc trực sẵn tranh mua hàng, hổng bị ép giá như thường lệ. Đầu năm gặp hên vầy chắc năm nay làm ăn khấm khá!”. “Đầu xuôi-đuôi lọt”
Tâm tình cùng chúng tôi, cả ông Đáng và ông Lâm cho biết, ngay khi bán hết hải sản đã cho bổ sung nhiên liệu và các nhu yếu phẩm cần thiết, sẵn sàng ra khơi trong những ngày sắp tới, chậm lắm là trong ngày 16 tháng Giêng âm lịch.
Niềm vui khởi sự đầu năm suôn sẻ còn đến với ngư dân miền biển Khánh Hội (huyện U Minh), Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân), Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) của tỉnh Cà Mau.
Chủ 3 tàu cá ở cửa biển Khánh Hội-ông Lê Thanh Tuấn tiết lộ, không riêng gì tàu nhà ông mà hầu hết các tàu cá trên địa bàn đều trúng chuyến biển Tết này, hộ vài chục, có hộ vài trăm triệu đồng tùy vào công suất, trang thiết bị và lực lượng ngư phủ theo tàu.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Tuấn hồ hởi: “Ngay khi vào bờ, tôi cho ngư phủ về thăm vợ con liền, sau đó tập hợp lại nhà để ăn Tết muộn, chuẩn bị chuyến biển mới sắp tới. Ngay chuyến khởi sự đầu năm, bạn tàu được chia mỗi người từ 5-7 triệu đồng nên ai cũng phấn chấn”.
Cùng niềm vui ấy, thuyền trưởng Trần Văn Đoàn cho hay, chuyến biển Tết là chuyến biển kỳ vọng khởi sự cho cả năm nhưng may mắn là thắng đậm nên cả năm chắc “thuận buồm xuôi gió”.
Tỉnh Cà Mau có gần 5.000 tàu khai thác, khoảng 50% tàu công suất lớn. Với các tàu nghề lưới, câu mực, chong đèn… cận Tết hằng năm ngư dân thường ra khơi để đón lộc đầu năm và năm nay cũng không ngoại lệ.
Chưa có thống kê chính thức nhưng có không dưới 500 tàu khởi hành chuyến biển Tết. Riêng tại thị trấn Sông Đốc, có gần 100 tàu. Ông Từ Văn Hiền, Phó Chủ tịch thị trấn Sông Đốc cho biết, các tàu đánh bắt chuyến biển Tết bắt đầu cập bến hồi mùng 5 âm lịch, phần lớn đều thắng lợi, thu được nhiều tôm, cá, mực...
Mỗi tàu đầu tư gần 100 triệu đồng cho chuyến biển Tết nhưng tổng thu trên 300 triệu đồng, trừ chi phí và ăn chia với ngư phủ mỗi tàu còn lời từ vài chục đến hơn 100 triệu đồng.
Trong năm 2014, tỉnh Cà Mau phấn đấu đạt sản lượng khai thác biển khoảng 200.000 tấn. Còn quá sớm để khẳng định mục tiêu đạt hay không những chuyến biển Tết vừa qua, ngư dân khai thác hiệu quả, khởi sự tốt cho cả năm, như cách nói của ông bà xưa “đầu xuôi thì đuôi lọt”. Những đoàn tàu sau khi ăn Tết muộn tiếp tục rẽ sóng xa khơi mang đầy niềm tin và kỳ vọng trong mùa khai thác mới…
Related news

Theo Hiệp hội thủy sản huyện Châu Thành, mức giá cá tra thương phẩm cung cấp cho các nhà máy chế biến thủy sản đang ổn định ở mức 24.500 đồng/kg, do thị trường cuối năm xuất khẩu mạnh nên giá cá tra có chiều hướng tăng lên, tuy nhiên cũng không cao hơn so với mặt bằng giá chung do các nhà máy chế biến thu mua.

Theo bà con trồng khoai lang, mấy ngày gần đây giá khoai lang tím đột ngột tăng cao trở lại, trên 700 ngàn đồng/tạ, cao hơn thời điểm trước đó vài tháng từ 500 ngàn đến 550 ngàn đồng/tạ. Nguyên nhân là do khoai lang tím đang trong giai đoạn thu hoạch trên địa bàn huyện và các vùng lân cận không còn nhiều, thị trường tiêu thụ khan hiếm nên giá khoai lang tím tăng trở lại.

Hiện nay, tình trạng xuống giống tự phát, không đồng loạt đang diễn ra phổ biến ở một số xã trên địa bàn huyện Hồng Ngự. Việc sản xuất cùng một cánh đồng nhưng nhiều trà lúa khi xuống giống không đồng loạt đã gây khó khăn trong công tác quản lý của địa phương cũng như phòng trừ dịch bệnh.

Theo các thương lái, nguyên nhân giảm giá do chỉ tiêu thụ nội địa, việc xuất khẩu sang một số nước như các năm trước đã bị giảm số lượng. Ngoài ra, hiện nay đang vào mùa của nhiều loại trái cây nên người tiêu dùng phần nào hạn chế ăn mít mà chuyển sang măng cụt, chôm chôm, thanh long, sầu riêng…

Mới chớm mùa Đông, nhiều nơi trên địa bàn huyện Quản Bạ có nhiệt độ lạnh về đêm, thường xuyên có sương muối dày đặc vào buổi sáng, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất; trong đo, việc bảo vệ đàn trâu, bò luôn là mối quan tâm của đồng bào nơi đây. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, huyện đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc và vật nuôi.