Đầu tư thiết bị hiện đại vào sản xuất

DNTN Trang Thủy ứng dụng hệ thống băng chuyền cấp đông IQF 500 vào chế biến thủy sản.
Được sự hỗ trợ kinh phí của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), DNTN Trang Thủy (KCN An Phú, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) vừa đầu tư hệ thống băng chuyền cấp đông IQF 500 vào quy trình chế biến thủy sản xuất khẩu.
Hệ thống này có nhiều ưu điểm giúp doanh nghiệp tối ưu hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Từ đầu năm 2015, do nhu cầu của thị trường ngày càng lớn, DNTN Trang Thủy đã đầu tư nâng cấp nhà xưởng, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất chế biến thủy sản xuất khẩu với tổng vốn đầu tư trên 10 tỉ đồng; trong đó, hệ thống băng chuyền cấp đông IQF 500 trị giá gần 4,3 tỉ đồng.
Đây là hệ thống chuyên dùng cho cấp đông nhanh các sản phẩm nông sản, thủy hải sản dạng rời hoặc đóng gói hút chân không với hiệu suất cao.
Qua băng chuyền, sản phẩm đông nhanh, đều, đảm bảo chất lượng thành phẩm ở trạng thái tốt nhất.
Nhờ băng chuyền vận hành tự động, công suất máy đạt 500 kg/giờ, doanh nghiệp rút ngắn thời gian cấp đông từ 6 đến 7 giờ xuống chỉ còn 4 phút (đối với sản phẩm tôm) và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Tùng Trang, Giám đốc DNTN Trang Thủy, cho biết: Từ đầu năm đến nay, bên cạnh thị trường truyền thống, doanh nghiệp đã tìm kiếm thêm một số đối tác ở các nước Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và nhận được nhiều đơn hàng có giá trị.
Nhờ vậy trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt trên 1,6 triệu USD, doanh thu đạt gần 35,7 tỉ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2014.
Tuy nhiên, hiện các đối tác ngành thủy sản ngày càng có nhiều yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm cũng như các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Do vậy, doanh nghiệp liên tục cải tiến công nghệ, đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ông Trang cho biết thêm, bên cạnh các dòng sản phẩm cấp đông, một số dòng hải sản ăn liền của công ty bước đầu cũng được thị trường Mỹ chấp nhận và đã có những đơn hàng đầu tiên trị giá trên 200.000 USD.
Đây là dòng sản phẩm có giá trị kinh tế cao và có nhiều tiềm năng phát triển.
Trong thời gian tới, DNTN Trang Thủy sẽ tiếp tục đầu tư thêm một số thiết bị hiện đại như hệ thống đông cồn, hệ thống sấy khô tự động bằng băng chuyền...để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Dự kiến, trong năm tới, doanh nghiệp sẽ mở một xưởng sản xuất mới, giải quyết việc làm cho gần 500 lao động.
Ông Nguyễn Hải Triều, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, cho biết: Năm 2015, trung tâm đã hỗ trợ DNTN Trang Thủy 100 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương để đầu tư hệ thống băng chuyền cấp đông IQF 500 vào sản xuất.
Đây là một công nghệ mới, hiện đại, giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm thời gian, công lao động.
Trong thời gian tới, trung tâm sẽ hỗ trợ thêm về các khâu xúc tiến thương mại, tiếp xúc với đối tác có nhu cầu nhập khẩu thủy sản ở các nước trong khu vực để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Related news

Giống cá tầm nhập ngoại tỷ lệ sống thấp (chỉ đạt 40%) do cá bột chưa quen với môi trường, khí hậu, nguồn nước, sức đề kháng kém. Nhiều lứa cá tầm, Công ty nuôi hơn 3 tháng vẫn chết do không thích nghi được với môi trường mới. Để chủ động giống, lãnh đạo Công ty đã đến Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I (Hà Nội) tìm hiểu kỹ thuật ươm cá bột.

Năm nay 44 tuổi, anh Nguyễn Ngọc Huy đã có 11 năm gắn bó với nghề nuôi tôm hùm. Sinh ra và lớn lên ở thôn Bình Ba Tây, xã Cam Bình, một hòn đảo nhỏ nằm trong vịnh Cam Ranh được bao bọc bởi sóng và gió, thuở thiếu thời của anh Huy là những tháng ngày lênh đênh trên biển.

Hệ thống sông, suối, ao, hồ, đập, hồ chứa hệ thống công trình thủy điện, thủy lợi được xác định là nguồn tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi trồng và tái tạo nguồn lợi thủy sản, từng bước nâng cao tỷ trọng lĩnh vực thủy sản trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

Phú Yên là một trong 3 tỉnh được chọn triển khai thí điểm khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Ngành Nông nghiệp đang khởi động các chương trình để thực hiện mô hình này thành công, nhất là đầu tư đồng bộ từ khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ, đến xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá…

Ông Huỳnh Thanh Hồng (ngụ xã Khánh An) có thửa đất rộng khoảng 5.000m2, phía trước trồng kiểng, phía sau đào ao nuôi cá, trong đó có hơn 100 con cá hô đất. Chỉ tay xuống ao đầy bông súng, anh Hồng cho biết, ban đầu chỉ thả vài ba con cá sặc, cá rô phi và cá chép.