Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đấu Giá Đất Bãi Triều Phát Triển Nuôi Ngao Ở Thái Bình

Đấu Giá Đất Bãi Triều Phát Triển Nuôi Ngao Ở Thái Bình
Publish date: Monday. May 7th, 2012

Trong khi đất vùng bãi triều ven biển giáp ranh với xã Thái Đô, Thái Thượng bị một số người dân cố tình lấn chiếm để cắm vây, nuôi ngao trái phép thì ngày 24/4/2012, xã Thụy Trường (huyện Thái Thụy - Thái Bình) phối hợp với Công ty CP Dịch vụ đấu giá Hợp Nhất tổ chức thành công phiên đấu giá quyền sử dụng 287 ha đất bãi triều ven biển để phát triển nuôi ngao, mở ra hướng đi mới, hứa hẹn tạo bước đột phát cho nghề nuôi trồng hải sản của địa phương.

Là một trong những hộ dân tham gia đấu giá thành công quyền sử dụng đất vùng bãi triều ven biển của xã Thụy Trường vừa qua, anh Hà Văn Tuấn (xóm 12, thôn Trường Xuân) tỏ ra vui mừng khôn xiết, chia sẻ với chúng tôi: “Xuất phát từ nhu cầu làm kinh tế của gia đình, năm 2011 tôi đã tự ý cắm vây thả ngao trên diện tích 2 ha tại vùng bãi triều của xã. Nhưng sau khi địa phương có quy hoạch, cán bộ đến tuyên truyền, vận động, tôi nhận thấy việc làm của mình chưa đúng nên chấp hành nghiêm việc lập biên bản và xử phạt hành chính của cơ quan chức năng, nộp đơn tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. May mắn, tôi cùng 4 anh em khác đã trúng thầu 10 ha, dự kiến sau khi nộp tiền thuê đất, nhận bãi sẽ dồn ngao đã nuôi thành vùng tập trung, đồng thời đầu tư làm chòi, quây vây thả tiếp ngao giống. Nếu mọi việc thuận lợi, khoảng cuối năm lứa ngao đầu tiên sẽ được thu hoạch, lúc đó gia đình không chỉ có nguồn thu nhập đáng kể mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động khác”. Chung niềm vui với anh Tuấn, nhiều người dân ở Thụy Trường sau khi đấu giá thành công quyền sử dụng đất vùng bãi triều cũng tỏ ra rất tin tưởng, hồ hởi, phấn khởi. Họ đang tính đến chuyện đầu tư nuôi ngao thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Vũ Tiến Thiện cho biết: Thụy Trường có khoảng 4.000 ha diện tích bãi triều ven biển. Đây là tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển nói chung, nuôi trồng hải sản nói riêng, nhưng chưa thực sự được đầu tư khai thác một cách bài bản, khoa học, theo quy hoạch. Vì vậy, khi tỉnh có Đề án phát triển nuôi ngao vùng bãi triều ven biển, Quy hoạch tổng thể phát triển nuôi ngao của Thái Bình giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, địa phương xác định đây là chủ trương đúng, trúng, rất hợp lòng dân. Đảng bộ xã đã thành lập BCĐ, các tổ công tác, xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện, họp Đảng uỷ, Đảng bộ, các tổ chức đoàn thể và nhân dân công bố quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết phát triển nuôi ngao.

Từ cuối năm 2011 đến nay, xã đã tổ chức nhiều hội nghị, phát trên loa truyền thanh, huy động các ban, ngành, đoàn thể, các thôn, khu dân cư vào cuộc tuyên truyền các chủ trương, cơ chế chính sách của tỉnh, huyện thông báo các quy chế, quy định của địa phương, lợi ích của việc phát triển nuôi ngao để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu, đồng lòng thực hiện. Khi tuyên truyền, nêu rõ những thuận lợi, khó khăn, lộ trình thực hiện đề án, quy hoạch phát triển nuôi ngao ven biển để người dân dự tính, chuẩn bị trước các yếu tố về: nguồn vốn, kỹ thuật, lao động, thị trường, thậm chí cả những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình nuôi...

Trong tháng 3/2012, Thụy Trường đã tổ chức các hội nghị thông qua quy chế đấu giá đất, tiến hành điều tra, xác định số hộ có nhu cầu nuôi ngao của địa phương chuẩn bị cho công tác đấu thầu và giao đất ngoài thực địa. 2 tổ bảo vệ an ninh chính trị gồm các lực lượng an ninh, ban quân sự, tổ bảo vệ rừng của xã, bộ đội biên phòng đóng trên địa bàn, công an phụ trách xã thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát, nắm bắt tình hình trên biển, quản lý mặt bằng đất bãi triều không cho các tổ chức, cá nhân lấn chiếm trái phép; xuống cơ sở thôn nắm bắt tình hình, tư tưởng của nhân dân, tham mưu cho BCĐ giải quyết những khó khăn vướng mắc, lập phương án bảo vệ việc tổ chức đấu thầu đất bãi triều…

Cũng do xây dựng kế hoạch cụ thể, tập trung chỉ đạo quyết liệt để thực hiện đề án, quy hoạch nuôi ngao, cán bộ và nhân dân đồng thuận, nên trong quá trình triển khai việc đấu giá quyền sử dụng đất, tình hình an ninh trật tự trên vùng bãi triều của Thụy Trường ổn định. 3 hộ dân tự ý lấn chiếm đất, cắm vây nuôi ngao trái phép đã bị xã lập biên bản xử phạt, ký cam kết di dời khi các cơ quan chức năng yêu cầu. Toàn xã có 362 hộ nộp đơn xin tham gia đấu giá vùng đất vùng bãi triều ven biển để nuôi ngao. Ngày 24/4/2012, phiên đấu giá diễn ra công khai, dân chủ tại trụ sở UBND xã trước sự chứng kiến của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Kết quả, toàn xã có 142 hộ trúng thầu, mỗi hộ 2 ha và tất cả đều là người dân sinh sống ở địa phương, trong đó hộ bỏ thầu cao nhất 5.310 đ/m2, hộ bỏ thầu thấp nhấp là 2.200 đ/m2.

Theo Quy hoạch, khu vực bãi triều nuôi ngao của Thụy Trường thuộc tiểu vùng 1.1. Tổng diện tích quy hoạch là 323,28 ha, trong đó diện tích thực nuôi là 287 ha, chia làm 142 vây, diện tích bình quân 2 ha/vây… Tổng số tiền thu được từ việc đấu giá quyền sử dụng đất vùng bãi triều đã quy hoạch đạt 8,338 tỷ đồng. Theo quyết định của UBND tỉnh thì 70% nguồn thu này sẽ để lại cho xã và được sử dụng cho việc đầu tư, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng nông thôn mới. Như vậy, việc tổ chức đấu giá đất bãi triều ven biển của Thụy Trường lần này không chỉ tạo cơ hội cho nhiều gia đình đầu tư phát triển kinh tế một cách chính đáng mà còn góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương, bảo đảm quyền lợi hưởng thụ cho đại đa số người dân.

Hiện nay, xã cắt cử lực lượng thường trực, thường xuyên tuần tra, kiểm soát bảo vệ an ninh trật tự tại khu vực bãi triều, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao đất cho dân ở ngoài thực địa. Lần đầu tiên tổ chức nuôi ngao trên quy mô, diện tích lớn nên sau khi đấu giá thành công, mong muốn của xã cũng như những hộ dân là sớm được các cấp có thẩm quyền giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hỗ trợ giống, vốn, tập huấn KHKT... để yên tâm đầu tư nuôi ngao, có thể làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Related news

Loại Thuốc Làm Chín Trái Vẫn Được Phép Sử Dụng Loại Thuốc Làm Chín Trái Vẫn Được Phép Sử Dụng

Trước vụ thu hoạch sầu riêng năm nay bà con ở Khánh Sơn (Khánh Hòa) lại phập phồng lo lắng. Thông tin sử dụng thuốc làm chín trái trong vụ thu hoạch năm ngoái đã khiến người trồng lao đao vì giá bán xuống thấp, nguy cơ thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn bị mất dần.

Thursday. July 17th, 2014
Giảm Dần Lúa “Ngoại”, Tăng Lúa “Nội” Giảm Dần Lúa “Ngoại”, Tăng Lúa “Nội”

Ông Phạm Đồng Quảng cũng khẳng định: “Xu hướng chung hiện nay là tỷ lệ lúa lai đang giảm dần, mặc dù đây là giống cho năng suất cao và dễ trồng, có khả năng chống chịu bệnh, phù hợp thời tiết, khí hậu nhưng giá trị không cao bằng các giống lúa thuần. Bà con đang chuyển dần sang trồng các giống lúa Bắc Thơm 7, BC 15, nếp thơm…”.

Friday. December 5th, 2014
Bước Đột Phá Trong Cải Tạo Giống, Phát Triển Đàn Trâu Của Huyện Vị Xuyên Bước Đột Phá Trong Cải Tạo Giống, Phát Triển Đàn Trâu Của Huyện Vị Xuyên

Với mục đích quy hoạch vùng chăn nuôi trâu tập trung theo hướng hàng hoá, chú trọng phát triển con giống và tăng nhanh số lượng tổng đàn, trong giai đoạn từ tháng 5.2013 đến hết năm 2015, huyện Vị Xuyên chủ trương thực hiện cải tạo, phát triển đàn trâu tại xã Trung Thành. Đến nay, bước đầu đã mang lại những kết quả khả quan cho người chăn nuôi trâu trên địa bàn xã.

Thursday. July 17th, 2014
Thu Nhập Cao Từ Mô Hình Nuôi Chồn Thu Nhập Cao Từ Mô Hình Nuôi Chồn

Anh Nhi cho biết: “Sau khi đi tham quan tận mắt mô hình của người dân trong huyện và thấy được hiệu quả của loài vật nuôi này nên tôi quyết định mua về 6 con chồn bố mẹ, với nguồn vốn ban đầu gần 20 triệu đồng. Thời điểm đó, mỗi ký chồn bố mẹ có giá 950.000 đồng”.

Friday. December 5th, 2014
Nông Dân Đắk R’tíh Sản Xuất Theo Hướng Đa Cây, Đa Con Nông Dân Đắk R’tíh Sản Xuất Theo Hướng Đa Cây, Đa Con

Điển hình như trang trại của gia đình ông Nông Văn Phùng ở thôn Doãn Văn gồm hơn 10 ha với đủ loại cây trồng đang đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Theo như lời ông kể thì trước đây toàn bộ diện tích này, gia đình ông chỉ trồng cà phê, điều, cao su, nhưng năng suất còn thấp.

Thursday. July 17th, 2014