Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Đánh liều vay 2 tỷ đồng nhập hệ thống lạnh để nuôi... lợn Mỹ

Đánh liều vay 2 tỷ đồng nhập hệ thống lạnh để nuôi... lợn Mỹ
Author: Kim Oanh
Publish date: Friday. March 11th, 2016

Vay 2 tỷ đồng nuôi lợn

Dẫn chúng tôi tham quan trại lợn có quy mô khá lớn, được lắp đặt hệ thống lạnh và không có mùi hôi, anh Tuấn cho biết, hệ thống chuồng trại được làm khép kín, các quy trình xử lý khoa học nên hầu như không có mùi hôi đặc trưng trong chăn nuôi lợn, giúp lợn tăng trưởng nhanh.

Tại Giải thưởng Lương Định Của năm 2015 do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, anh Nguyễn Duy Tuấn là 1 trong 150 nhà nông tiêu biểu trẻ được tuyên dương vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ, kỹ thuật, công nghệ phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.

Nói rồi, anh xoa hai bàn tay vừa cười, vừa bảo, chỉ có ai liều lĩnh mới làm thế này, nếu làm không được coi như trắng tay. “Cũng may tôi nhận được sự ủng hộ của người thân trong gia đình, cho mượn 10 sổ đỏ để thế chấp vay ngân hàng gần 2 tỷ đồng. Tháng 7.2013, tôi bắt đầu xây dựng chuồng trại và cuối năm 2013 bắt đầu nuôi lợn” - anh Tuấn chia sẻ.

Nghiệp chăn nuôi lợn của anh Tuấn bắt đầu từ năm 2007, khi ấy anh nuôi lợn thịt thông thường với khoảng 30-40 con. Thời đó, lãi cũng được vài chục triệu đồng. Có lời, anh tiếp tục bỏ thêm vốn nuôi lên 100 con lợn.

Mỗi ngày, anh tranh thủ buổi sáng sớm, trưa, chiều tối chở 30-40 thùng nước cơm tận dụng từ các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn về nuôi lợn. Năm 2010, từ tiền lãi nuôi lợn, anh đầu tư 40 triệu đồng xây dựng chuồng trại và tiếp tục mở rộng đàn lợn lên trên 100 con, nhưng cũng năm đó, đàn lợn của anh bị dịch bệnh chết hàng loạt, anh mất luôn cả vốn lẫn lời.

“Do mình nuôi lợn thủ công nên nguồn thức ăn lấy từ các nhà hàng về bị nhiễm khuẩn, việc nấu thức ăn cho lợn vừa tốn công, vừa mất nhiều kinh phí, nguy cơ rủi ro cao.  Sau thất bại đó, tôi tìm hiểu về mô hình nuôi lợn công nghiệp khép kín, và tin rằng mô hình này sẽ thành công” -  anh Tuấn chia sẻ tiếp.   

Thất bại không làm anh nản chí. Đến năm 2011, anh nghiên cứu chuyển đổi mô hình từ nuôi lợn thủ công sang nuôi công nghiệp. Sau đó, anh lang thang khắp trong Nam, ngoài Bắc, chỗ nào có trang trại nuôi lợn là đến xin học hỏi kinh nghiệm. Được bạn bè giới thiệu mô hình trang trại lợn ở tỉnh Đồng Nai, thuộc Tập đoàn C.P Thái Lan với quy mô 10.000 con do Trung tâm Lợn giống thành phố Hồ Chí Minh đầu tư, anh liền tìm đến học hỏi. Anh Tuấn tâm sự: “Đến đây, mình thấy họ đầu tư rất quy mô, nhưng để học hỏi kinh nghiệm không dễ, mình phải tham quan rồi lân la hỏi chuyện những người chăm sóc mới học được đôi chút quy trình chăn nuôi”.

Sau chuyến đi đó, anh lên mạng tìm tòi, học hỏi thêm mô hình nuôi lợn theo hướng này. Tới năm 2012, anh đầu tư 200 triệu đồng xây dựng trước một khu và bắt đầu nuôi thử nghiệm. Với 20 con lợn giống được mua về từ Thái Lan (giá 3 triệu đồng/con 5kg), nuôi đến 1 năm thấy lợn không đẻ, anh mới biết mình bị lừa. Lần đó, anh gần như mất tinh thần, nhưng không chịu bỏ cuộc mà tiếp tục tìm hiểu về giống lợn.

Rồi tình cờ đọc trên mạng thấy có giống lợn nhập từ Mỹ về Việt Nam nuôi, chất lượng thịt ngon hơn giống của Thái Lan, anh đã đánh liều đặt hàng từ Mỹ về Việt Nam để nuôi.

Nuôi lợn Mỹ theo công nghệ Mỹ

Trên diện tích 250m2, anh đầu tư xây dựng chuồng trại đúc sàn, và lắp đặt hệ thống lạnh. Đến tháng 3.2014, anh bắt đầu nhập 20 con lợn đầu tiên của Mỹ về nuôi.

Anh Duy Tuấn cho biết, năm đó anh là người tiên phong trong việc nhập lợn từ Mỹ và hệ thống lạnh này được áp dụng đầu tiên  tại Việt Nam, vì giống lợn Mỹ chỉ thích hợp với nhiệt độ từ 19-29 độ C, nhiệt độ nóng quá lợn sẽ chết. Để xây dựng hệ thống lạnh nuôi lợn, anh phải đặt hàng một công ty ở Thái Lan lắp đặt hết 500 triệu đồng.


Sau khi ăn lợn tự uống nước bằng hệ thống chảy tự động. Ảnh: I.T

“Lúc đó, mình đánh liều làm, chứ trong tay không có lấy một đồng. Khi đi vay vốn ngân hàng do chưa có quy mô đầu tư nên cũng không được vay vốn, rất may được Ngân hàng Agribank chi nhánh Hòa Vang tạo điều kiện. Đến hệ thống chuồng trại mình phải nợ nhân công cả năm trời mới trả” - anh Tuấn chia sẻ.

Anh Tuấn cũng cho biết, tôi đã tìm hiểu, thấy giống lợn của Mỹ thịt thơm ngon, được các siêu thị lựa chọn nhiều nên quyết định đầu tư. Mỗi con lợn giống đặt hàng từ Mỹ có giá 10 triệu đồng/con, mỗi con 40kg. Muốn nuôi được giống lợn này, phải đảm bảo kỹ thuật chăn nuôi theo hệ thống sàn lạnh. Sàn được thiết kế cách mặt đất 40 – 60cm để tránh bị bệnh do hơi ẩm. Luôn đảm bảo sàn khô, không ẩm, không giữ nước, xây trại kín cách ly với bên ngoài, tránh lây bệnh cho lợn.

Chia sẻ về công nghệ chăn nuôi lợn bằng hệ thống sàn lạnh, anh Tuấn cho biết, không phải nhập lợn giống về là đưa lên sàn ngay, mà phải nuôi trong chuồng đạt đến 300kg mới đưa lên sàn nuôi phối giống.

Mỗi tháng lãi hàng chục triệu đồng

Hiện tại, lợn nái trong trang trại của anh, mỗi con đẻ trung bình từ 12-18 con. Với lợn giống đẻ ra, anh xây thêm 200m2 chuồng nuôi, đem nuôi lấy thịt khoảng 5 tháng, đạt từ 110-120kg/con thì xuất chuồng. Chỉ với 20 con lợn giống, sau 5 tháng anh đã có 360 con lợn thịt xuất chuồng và hiện anh xuất trên 700 con lợn thịt/năm, trừ chi phí lãi 400 triệu đồng. Năm đầu tiên, anh thu được 500 triệu đồng tiền lời.

Theo anh Tuấn, nuôi lợn bằng hệ thống sàn lạnh này rất khỏe, không tốn công chăm sóc, mỗi ngày chỉ cho lợn ăn 2 lần, dùng máng ăn tự động để cho lợn ăn. Hàng ngày, cứ 6 giờ sáng là bắt đầu bỏ thức ăn vào máng. Đến chiều, khi hết thức ăn thì bỏ tiếp vào. “Tuy nhiên, cần chăm đúng với trọng lượng để lợn tăng trưởng tốt nhất. Với lợn có trọng lượng từ 8 đến 15kg, cho ăn nửa kg bột trong ngày. Từ 15-30kg ăn 1kg bột. Từ 30–60kg thì mỗi ngày ăn từ 2,2kg bột, từ 60-120kg thì ăn từ 2,2 đến 2,5kg bột. Đây là giai đoạn lợn phát triển nhanh nhất. Bình quân mỗi ngày lợn tăng trọng từ 1,1kg” - anh Tuấn lưu ý.

“Sắp tới, mình sẽ tiếp tục đầu tư nâng diện tích nuôi lên 5ha với 200 con lợn giống” - anh Tuấn chia sẻ dự định.

Ông Trần Văn Mười - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Khương đánh giá, đây là mô hình độc nhất trên địa bàn với kỹ thuật nuôi tiên tiến áp dụng kỹ thuật của Mỹ được đầu tư trên cả tỷ đồng. “Với mô hình nuôi lợn của anh Tuấn, rất nhiều xí nghiệp, công ty, sở ban ngành các tỉnh thành đã về tham quan học hỏi”- ông Mười nói.


Related news

Làm giàu từ nuôi gà đồi Làm giàu từ nuôi gà đồi

Với lợi thế đồi rừng, bãi chăn thả rộng, hộ gia đình anh Vũ Hùng Phương, thôn Hoa Sơn, xã Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) đã chú trọng phát triển chăn nuôi gà đồi theo quy mô trang trại với số lượng lớn, hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Thursday. March 10th, 2016
Đàn gia súc trước nguy cơ thiếu nước ngọt Đàn gia súc trước nguy cơ thiếu nước ngọt

Chưa bao giờ hạn, mặn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề đối với việc sản xuất của nhân dân huyện Ba Tri (Bến Tre) như năm nay. Độ mặn từ 3 - 4%o xâm nhập sâu vào nội đồng làm lúa, rau màu và một số cây trồng bị chết hàng loạt. Các vật nuôi chủ lực của huyện như bò, heo cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiếu nước uống và thức ăn. Hiện nông dân đang nỗ lực tìm nguồn nước ngọt để giữ đàn gia súc, chống chịu qua đợt hạn, mặn này.

Thursday. March 10th, 2016
Đại gia Việt đua nuôi bò Đại gia Việt đua nuôi bò

Những dự án quy mô hàng nghìn tỷ đồng, áp dụng công nghệ cao đã ra đời trong bối cảnh chăn nuôi bị đánh giá là một trong những ngành chịu thua thiệt nhất khi Việt Nam tham gia sân chơi TPP. Phong trào nuôi bò thịt, bò sữa đang dâng cao trong cộng đồng doanh nghiệp Việt. Chưa bao giờ, ngành chăn nuôi lại được các đại gia ưu ái với hàng tỷ đôla vốn đầu tư.

Thursday. March 10th, 2016