Đại gia Việt đua nuôi bò
Từ siêu dự án tại Việt Nam đến nuôi bò xuyên biên giới
Công ty cổ phần Bình Hà gần đây cho biết đã hoàn thành giai đoạn I của dự án chăn nuôi bò lớn nhất Việt Nam tại Hà Tĩnh. Công trình có vốn đầu tư lên tới 4.582 tỷ đồng, nằm trên diện tích 5.000 ha với khoảng 3.000 lao động. Dự kiến đến năm 2017, tổng đàn bò tại đây là 217.000 con. Mục tiêu dự án là phát triển chăn nuôi bò giống và bò thịt theo quy trình công nghệ cao, phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Sau khi hoàn thành, trang trại này sẽ đem lại khoảng 1.000 - 1.500 tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm.
Đại gia Việt đổ xô nuôi bò thịt, bò sữa.
Bình Hà là công ty chuyên hoạt động lĩnh vực chăn nuôi, với 2 cổ đông sáng lập là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn An Phú. Trước đó, Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức cũng gây sốc khi dành tới 6.300 tỷ đồng vào dự án chăn nuôi bò sữa và bò thịt với tổng đàn 236.000 con, trong đó có 120.000 con bò sữa.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cấp phép cho Công ty TNHH Phú Lâm thực hiện dự án chăn nuôi bò thịt và bò giống có quy mô 1.000 ha, vốn đầu tư 2.258 tỷ đồng.
Trước đó, Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng đẩy mạnh phát triển đàn bò để nâng cao sản lượng sữa thu hoạch. Hiện Vinamilk có khoảng 110.000 bò sữa, ngoài ra còn hợp tác với 7.200 hộ trang trại, thu mua 60% sữa sản xuất trong nước. Theo dự định, đến năm 2020, doanh nghiệp này sẽ nâng số lượng đàn bò lên 200.000 con, đáp ứng 40% sữa nguyên liệu cho các nhà máy trong nước.
Không chỉ đầu tư mạnh vào chăn nuôi nội địa, nhiều ông lớn còn đem hàng nghìn tỷ đồng đầu tư ra nước ngoài. Tháng 1/2016, Thủ tướng đã chấp thuận cho Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (Tập đoàn TH True Milk mua lại năm 2013) đầu tư 11.250 tỷ đồng (500 triệu USD) vào dự án tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Liên bang Nga. Hiện TH có 45.000 con bò và muốn nâng tổng đàn lên 203.000 con vào năm 2020.
Ngoài những trường hợp nêu trên, Tập đoàn Đức Long Gia Lai cũng công bố đầu tư 11.000 tỷ đồng cho trang trại quy mô 80.000 con bò sữa và 45.000 bò thịt. Một số ngân hàng cũng mở rộng gói tín dụng cho các dự án chăn nuôi bò tiềm năng, như BIDV với kế hoạch dành hơn 1 tỷ USD cho hỗ trợ đổi mới công nghệ, gia tăng quy mô ngành nuôi bò.
Những thương vụ đầu tư mạo hiểm
Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, đến năm 2020, đàn bò thịt cả nước sẽ đạt khoảng 12,5 triệu con và 500.000 bò sữa, tăng trưởng mỗi năm 11%.
Riêng năm 2015, cả nước sản xuất 1,9 tỷ lít sản phẩm quy sữa tươi, và dự kiến tăng lên 2,6 tỷ lít vào năm 2020 và 3,4 tỷ lít vào năm 2025. Trong khi đó, mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 21 lít sữa năm 2015. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 27 lít năm 2020 và 34 lít năm 2025.
Hiện sản xuất sữa trong nước mới đáp ứng khoảng 35% nhu cầu tiêu dùng. Dự báo đến năm 2025 sản xuất cũng chỉ đáp ứng khoảng 40%, còn lại phải nhập khẩu nguyên liệu sữa từ nước ngoài.
Về bò thịt, mỗi ngày Việt Nam tiêu thụ khoảng 3.000 con trong khi nguồn trong nước chỉ đáp ứng được 20 - 30%, còn lại là nhập khẩu từ Australia, Campuchia, Thái Lan, Lào… Như vậy, các dự án chăn nuôi bò sữa và bò thịt vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Tuy vậy, việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đặt ra bài toán lớn với chăn nuôi Việt Nam. Nhiều quan chức, chuyên gia nhận định với quy mô sản xuất như hiện nay, "TPP sẽ là thảm họa" hay "ngành chăn nuôi phải hy sinh", "chăn nuôi sẽ tối như đêm 30"… bởi thuế suất với thịt bò, các loại sữa sẽ về 0% khi hiệp định này có hiệu lực.
Khi đó, sản phẩm sữa, thịt bò chất lượng cao của các nước có thế mạnh trong TPP là Mỹ, Australia, New Zealand... được dự báo sẽ tràn vào Việt Nam. Hiện thuế suất các loại thịt bò vẫn ở mức 14 - 30% nhưng số lượng thịt nhập vào Việt Nam đã tăng mạnh. Dù có 10 năm để chuẩn bị nhưng giới chuyên gia vẫn tỏ ra lo lắng với kế hoạch đầu tư mạo hiểm của các đại gia Việt.
Ngay cả đối với người trong cuộc, sự lo lắng cũng luôn hiện hữu. "Đến năm 2018, giá nguyên liệu và các sản phẩm sữa sẽ giảm 5 - 10% so với hiện nay. Đây là rủi ro lớn nhất cho ngành chăn nuôi bò sữa trong nước. Nếu không có sự chuẩn bị tốt thì hàng loạt trang trại sẽ phá sản vì giá bán sữa tươi nguyên liệu không thể cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài", ông Trịnh Quốc Dũng - Giám đốc Điều hành phá triển vùng nguyên liệu của Vinamilk nhận định trong một hội thảo về chăn nuôi bò.
Hành động hay là "chết"
Nuôi bò công nghệ cao, quy mô lớn mới có thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài
Trao đổi với VnExpress, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai cho biết khi người nông dân Việt vẫn còn chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, thiếu chuyên nghiệp, sản phẩm làm ra giá thành cao thì TPP là điều đáng sợ. Ngược lại, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, đây lại là cơ hội lớn.
"Nuôi bò công nghệ cao thì không ngại TPP. Chúng tôi là một doanh nghiệp bước vào chăn nuôi khá muộn, vì thế trước khi làm đã tính toán kỹ. Hiện nay công nghệ nuôi bò của Hoàng Anh Gia Lai với Australia, New Zealand là giống nhau, con giống cũng tương đồng. Tuy nhiên, thị trường 80 triệu dân của ta đã hơn hẳn họ. Nếu chịu làm thì cơ hội thắng sẽ trong tầm tay", Bầu Đức chia sẻ.
Theo đó, chi phí vận chuyển bò từ Australia sang Việt Nam chiếm tới 30% giá thành (giá bò ở Australia là 2 USD một kg nhưng sang Việt Nam thì bán giá 3,1 USD), chưa kể bò chở sang Việt Nam trong thời gian chờ giết mổ còn bị hao hụt. Vì vậy, chăn nuôi bò trong nước sẽ có lợi thế sân nhà so với bò ngoại nhập khẩu. Sắp tới, nếu tự túc được về giống thì lợi thế này sẽ được tăng lên đáng kể. Bầu Đức cho biết năm 2016 này sẽ cho ra mắt thương hiệu thịt bò riêng.
Trong khi đó, ông Trần Quốc Dũng cũng cho biết Vinamilk đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi theo hướng tăng trưởng nhanh đàn bò, đáp ứng cho nhu cầu chế biến các sản phẩm sữa của công ty trong bối cảnh TPP đang đến rất gần.
"Bản thân người chăn nuôi, doanh nghiệp chế biến sữa phải có thực lực nội tại để chống lại sự cạnh tranh của các nước khác tham gia TPP. Khi bản thân đủ mạnh mẽ thì mới bảo vệ được ngành sản xuất sữa trong nước. Nếu không, chúng ta sẽ trở thành người làm công cho nước ngoài trên chính mảnh đất của mình", ông Dũng nói.
Related news
Sau hơn 8 năm gây dựng, phát triển, trang trại chăn nuôi lợn của HTX Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội) hiện cho doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động.
Qua Tết, thời tiết đã ấm áp hơn là điều kiện thuận lợi để các hộ chăn nuôi tái đàn giúp chủ động nguồn cung thực phẩm trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay cũng đang là thời điểm thuận lợi cho dịch bệnh gia súc, gia cầm bùng phát nên ngoài việc nhanh chóng ổn định, khôi phục đàn vật nuôi, các hộ chăn nuôi cần tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh.
Chưa bao giờ hạn, mặn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề đối với việc sản xuất của nhân dân huyện Ba Tri (Bến Tre) như năm nay. Độ mặn từ 3 - 4%o xâm nhập sâu vào nội đồng làm lúa, rau màu và một số cây trồng bị chết hàng loạt. Các vật nuôi chủ lực của huyện như bò, heo cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiếu nước uống và thức ăn. Hiện nông dân đang nỗ lực tìm nguồn nước ngọt để giữ đàn gia súc, chống chịu qua đợt hạn, mặn này.