Dân Ô Loan Bắt Hàu Ở Cầu Đà Nông
Những ngày qua, nhiều người sống quanh đầm Ô Loan (Tuy An) đổ xô vào cầu Đà Nông thuộc thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa) để bắt hàu. Sở dĩ có chuyện nghịch lý này là vì tôm nuôi chết hàng loạt; còn cá, cua, hàu sống tự nhiên trong đầm hiện cũng không còn nhiều.
HÀU ÍT DẦN
Sáng sớm, mỗi ngày đoàn người từ 7 đến 10 đôi vợ chồng đi xe máy mang theo các vật dụng hành nghề, cơm nước đi thẳng vào khu vực cầu Đà Nông bắt hàu. Phụ nữ dò dẫm trên những bờ đá mò bắt trong cạn, còn cánh đàn ông dàn hàng ngang lặn xuống nước bắt hàu. Hàu thường bám trên những hòn đá to, người bắt chỉ cần moi đá lên rồi dùng rựa cùn dạt tách hàu bỏ bao. Ông Phan Hoàng ở thôn Tân Long, xã An Cư (Tuy An), cho hay: Hiện thương lái mua 50.000 đồng/kg hàu. Một ngày ngâm mình ròng rã dưới nước mò bắt, trừ chi phí xăng xe thì kiếm 200.000 đồng. Tuy vậy hàu chỉ bắt được vào những ngày nước ròng, còn nước lớn thì chịu thua”.
Tại nhà chị Nguyễn Thị Phượng, cũng ở thôn Tân Long, có 4 người đang miệt mài tách vỏ hàu. Người thì đập vỏ hàu vỡ ra, người dùng dao tách lấy thịt, phân loại trong thau nhôm. “Trước thương lái mua sa cạ, nay bắt phải phân loại ra, loại nhỏ chỉ còn 30.000 đồng/kg. “Đi bắt hàu khổ đã đành, về nhà nhọc công mới cho sản phẩm, nhưng miễn có hàu bán là mừng rồi”- chị Phượng nói.
Vợ chồng chị Phượng có một hồ nuôi tôm ở trong đầm Ô Loan. Những năm nuôi tôm thất bát, vợ chồng chị gỡ gạc bằng cách đi bắt hàu, cua trong đầm. Theo chị Phượng, hàu là loài dễ sống nhất ở đầm Ô Loan nhưng nay cũng vắng bóng nên nhiều người chấp nhận đi xa đến tận cầu Đà Nông để bắt hàu kiếm thêm thu nhập.
Nhiều người dân sống quanh đầm Ô Loan cho hay, cách đây 5 năm, hàu ở trong đầm rất nhiều. Dọc theo bờ đá các hồ nuôi tôm, hàu bám dày. Những cây dùng đóng chấn để lâu ngày dưới đầm, hàu bám không còn chỗ trống. Chị Trần Thị Hiểu, nhà ở cạnh đầm cho biết: “Mấy năm trước, sáng sớm bước chân qua khỏi con đường trước nhà nhìn xuống bờ đá đã thấy hàu bám rất nhiều, nay tìm một con làm thuốc cũng không có”.
Thời điểm hàu sinh sản nhiều, người dân các xã An Cư, An Ninh Đông, An Hải… bơi sõng ra giữa đầm bắt hàu. Mỗi ngày thu nhập khoảng 300.000 đồng, có khi lên đến 400.000 đồng. Năm nay, hàu ở đầm Ô Loan cạn kiệt nên nhiều người dân phải vất vả đi xa.
TÔM CHẾT, CÁ KHÔNG NHIỀU
Sáng nào ông Phan Văn Bảo, ở thôn Tân Long cũng mang lưới thả dưới đầm Ô Loan, gần trưa ra gỡ nhưng chỉ được một mớ cá bống, vài con cá cháo. Ông Bảo than: “Gần đây cá trong đầm đi đâu hết mà ngày nào tôi đi đánh cũng được ít cá lắm. Giờ thì ráng thức khuya dậy sớm ra đầm đánh bắt may ra mới đủ tiền cho con ăn học”. Còn ông Trương Văn Tuấn ở xã An Cư, một người chuyên đi mua cua thì cho hay, gần đây rảo quanh các xã ven đầm mà mỗi ngày ông chỉ gom được 4kg cua thì có khi không đủ chi phí. “Ngoài việc thu mua hải sản, gia đình tôi có hồ tôm, nhưng vừa rồi thả nuôi 50 vạn con tôm sú, 14 ngày sau tôm trồi đầu lên chết không còn một con, lỗ hết 11 triệu đồng tiền giống”, ông Tuấn nói.
Đầm Ô Loan có diện tích mặt nước gần 1.250ha. Người dân 5 xã ven đầm (An Cư, An Ninh Đông, An Hải, An Hòa và An Hiệp) hằng năm thả nuôi trên 360ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng, nhưng hiện không còn nuôi tôm được nữa. Rất nhiều người nuôi tôm ở đầm Ô Loan lâm nợ vì các khoản chi phí đầu tư. Ông Huỳnh Kim Long ở thôn Tân Long (xã An Cư), đầu vụ bỏ ra hơn 20 triệu đồng để cải tạo hồ, mua 10 vạn con giống, bây giờ trong hồ không còn con nào kể cả tôm đất. Mấy ngày qua ông phải vào tận cầu Đà Nông để bắt hàu. “Ở đây có 100 hồ thả tôm nuôi sau hơn một tuần thì 99 hồ bị mất trắng. Nghề nuôi tôm ở đây giờ coi như dẹp rồi. Cả xóm rủ nhau đi bắt hàu ở Đà Nông về bán” - ông Long buồn rầu.
Theo nhiều người dân, nguyên nhân tôm cá, cua, hàu chết là do cửa biển An Hải không thoát nước làm đầm Ô Loan bị ô nhiễm. Trao đổi về chuyện này, ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: “Năm vừa qua do không có lũ lớn, cửa biển An Hải không mở nên nước trong đầm không thoát được. Hiện đã có dự án khai thông cửa đầm, đang chờ triển khai thực hiện”.
Related news
Mặc dù thời điểm này đang là vụ chính đánh bắt cá ngừ ở Phú Yên, song hầu hết các chủ tàu đánh bắt xa bờ buộc phải chuyển hướng làm ăn...
Đã hơn 1 năm trôi qua kể từ khi Quyết định 580 về chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu ở ĐBSCL có hiệu lực nhưng tiền hỗ trợ vẫn chưa đến được với nông dân.
Theo kế hoạch đến năm 2016, các DN do Bộ NN-PTNT quản lí về cơ bản sẽ gần như không còn DN 100% vốn nhà nước.
Hà Giang hiện lên trước mắt chúng tôi là dặc dài núi đồi lô nhô với đá tai mèo rợn sắc. Đất canh tác khan hiếm, nước chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên.
Việt Nam – Lào có truyền thống hợp tác, gắn bó lâu đời không chỉ trong thời chiến mà khi bước sang thời kỳ đổi mới, phát triển, mối tình hữu nghị, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước lại càng thắt chặt.