Đàn Gà Nghe Nhạc Giao Hưởng Ở Đồng Nai

Gần 10 chiếc loa đều đều phát ra những bản nhạc giao hưởng liên tục từ sáng sớm đến chiều tối phục vụ đàn gà ở trại sản xuất trứng gà Omega-3 của anh Nguyễn Duy Thiên Ân, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên sản xuất và thương mại Omega Minh Ân ở xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom (Đồng Nai).
Trên thị trường gần đây xuất hiện loại trứng gà Omega-3 làm nhiều người tiêu dùng chú ý. Loại trứng này do đàn gà được nuôi dưỡng bằng một chế độ đặc biệt để có hàm lượng Omega-3 cao hơn trứng thường.
* Cho gà nghe nhạc
Khi theo học ngành công nghệ sinh học, anh Ân làm đề tài tốt nghiệp nghiên cứu nâng cao sản xuất trứng gà Omega-3 mà trước đó Viện Sinh học nhiệt đới đã nghiên cứu bước đầu. Khi tốt nghiệp, anh mua luôn bản quyền quy trình sản xuất trứng này của viện về để sản xuất trứng gà Omega-3 thương phẩm. Đầu tư cho một trại gà 5 ngàn con, anh phải bỏ ra số vốn 2 tỷ đồng - khoản tiền không nhỏ với một sinh viên mới ra trường. Để có tiền, anh Ân huy động khắp nơi để thực hiện cho bằng được dự án. Rồi trại gà của anh được xây dựng trong khuôn viên khá rộng rãi của một nhà dòng ở xã Hố Nai 3 với diện tích xây dựng gần 1 ngàn m2. Trong trại gà của anh Ân luôn được duy trì nhiệt độ khá mát mẻ từ 25 - 26 độ C.
Một ngày của trại gà công nghệ cao khá thú vị, 4 giờ sáng đèn được bật (tự động) để đánh thức đàn gà dậy, sau đó nhạc cũng được mở. Lúc này công nhân vào trại quét dọn, thay cám mới. Đến 5 giờ chiều, nhạc được tắt và 9 giờ tối thì đèn cũng tắt để đàn gà đi ngủ.
Giải thích về việc cho gà nghe nhạc, anh Ân nói: “Cho gà nghe nhạc không lời để chúng tập trung không bị những tiếng động mạnh bên ngoài làm giật mình, ảnh hưởng đến việc đẻ trứng. Những ngày đầu, chưa cho nghe nhạc, khi bên ngoài có tiếng động mạnh, cả đàn giật mình và lượng trứng ở những ngày đó giảm hẳn. Thử cho nghe nhạc có lời thay cho nhạc giao hưởng, lượng trứng cũng bị thay đổi”.
* Trứng gà Omega-3
Để sản xuất ra loại trứng gà Omega-3 thì chế độ thức ăn của gà rất quan trọng. Trại gà của anh Ân không sử dụng loại cám do các nhà máy sản xuất mà phải tự pha trộn theo công thức đã được nghiên cứu. Anh Ân cho hay, trong hàm lượng thức ăn của gà có nhiều loại hạt chứa tinh dầu và đặc biệt là có tảo biển, đồng thời được bổ sung dầu cá. Đây là nguồn nguyên liệu rất quan trọng để tạo ra Omega-3 trong trứng. Kết quả phân tích sản phẩm trứng gà Omega-3 của công ty khá khả quan với hàm lượng Omega-3 đạt tới 250mg, trong đó DHA có đến 90mg. Ngoài ra, các chỉ số về vitamin A, B1, B12, protein cũng tăng đáng kể. “Trứng gà Omega-3 ở nước ngoài đã được sử dụng lâu rồi, riêng trong nước hiện nay vẫn còn khá mới nên nhiều người chưa biết dù rất tốt cho sức khỏe”, anh Ân bộc bạch.
Do quy trình chăn nuôi phức tạp và chi phí đầu vào nhiều nên giá trứng gà Omega-3 bán ra khá cao, giá bán lẻ ngoài thị trường gần 5 ngàn đồng/trứng. Mỗi tháng, trung bình anh Ân xuất ra thị trường 140 ngàn trứng với trọng lượng từ 55 - 60 g/trứng. Chỉ công đoạn thu hoạch trứng cũng được công nhân ở đây thực hiện khá cẩn thận, trứng gà khi lấy từ trại ra được làm sạch bằng Ozon rồi đóng dấu, sau đó chiếu tia cực tím để diệt khuẩn xong mới được đóng vỉ. Anh Ân cho biết, hiện tại sản phẩm trứng gà Omega-3 của công ty phần lớn cung cấp cho các nhà trẻ và trường mầm non. Ngoài ra, còn có 3 đại lý ở TP.Biên Hòa (248 Phạm Văn Thuận, phường Thống Nhất), TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận tiêu thụ.
Related news

Bơ không phải là cây trồng chủ lực của Lâm Đồng, nhưng đã góp phần tăng thu nhập, tăng hiệu quả đầu tư cho nông dân trên một đơn vị diện tích và nhất là không tốn nhiều diện tích đất, có thể trồng tận dụng đất quanh nhà, trồng xen với cây chè hay cà phê…

Ngày 30/7, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III Nha Trang - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) tổ chức hội thảo kỹ thuật nuôi cua biển xanh thương phẩm tại xã Lợi An.

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), sau một thời gian dài được kiểm soát, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện trở lại tại tỉnh Hòa Bình

Khóm Cầu Đúc là một trong những đặc sản của tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, thu nhập của người trồng khóm chưa được đảm bảo, do giá cả bấp bênh. Vì vậy, cần có giải pháp để nâng cao giá trị cho loại nông sản này, góp phần cải thiện điều kiện kinh tế cho người trồng khóm.

Với nhiều người dân các xã Khả cửu, Đông cửu và Thượng Cửu của huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, thu nhập chính vẫn là từ trồng sắn. Vì vậy, năm 2011 nhiều gia đình ở đây đã đăng ký tham gia dự án trồng sắn nguyên liệu phục vụ nhà máy ethanol. Thế nhưng, hiện tại nhà máy này đang hoạt động rất cầm chừng khiến người dân rơi vào cảnh khó khăn, không biết sắn trồng ra có bán được hay không.