Đầm Nha Phu Đang Suy Kiệt

Viện Hải dương học Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vừa hoàn thành đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học bảo vệ đa dạng sinh học đầm Nha Phu”, qua đó đánh giá nguồn lợi thủy sản đang suy kiệt nghiêm trọng.
Cụ thể, nguồn lợi cá của đầm này đã giảm hơn 50%, thân mềm giảm 60%, giáp xác giảm 90% so với 5 năm trước. Một số loài thân mềm không còn thấy xuất hiện ở đây như: mực nang, mực lá, sò huyết, ốc sút…
Đầm Nha Phu tiếp giáp với 6 xã trong khu vực, gồm 5 xã thuộc thị xã Ninh Hòa và 1 xã thuộc TP Nha Trang. Đây là một trong những đầm lớn nhất tỉnh Khánh Hòa về đa dạng sinh học. Tuy nhiên, tác động lớn từ việc phá rừng ngập mặn để nuôi tôm, sử dụng nhiều loại công cụ mang tính hủy diệt đã làm mất cân bằng sinh thái, mất nơi quần cư, sinh sản của sinh vật và giảm chức năng lưu giữ trầm tích từ đất liền. Cùng với đó là sự suy giảm chất lượng môi trường, tiềm ẩn suy giảm đa dạng sinh học và những thiệt hại trong khai thác, nuôi trồng thủy sản.
UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ khai thác nguồn lợi thủy sản phối hợp với thị xã Ninh Hòa xây dựng đề án nhằm bảo tồn và phát triển đầm Nha Phu trên cơ sở xây dựng một chương trình tổng thể, can thiệp sâu rộng vào các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, tạo sinh kế cho người dân… Tuy nhiên, đề án tổng thể vẫn còn đang trong giai đoạn soạn thảo, đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn.
Related news

Người nuôi cá tra tại ĐBSCL vẫn phải tiếp tục chịu lỗ, dù diễn biến trên thị trường đang có lợi họ, đặc biệt khi nguồn cung nguyên liệu đang sụt giảm và thị trường nhập khẩu dần “ấm” lên. Viễn cảnh trên cho thấy người nuôi cá tra thật sự đã hết cơ hội với nghề này.

Thời gian gần đây, giá heo tại Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, vùng Đông Nam bộ nói chung, đã tăng mạnh do thương lái ồ ạt thu mua heo mỡ. Giá heo tăng làm cho người chăn nuôi phấn khởi sau một thời gian dài lỗ nặng, tuy nhiên cũng tiềm ẩn không ít rủi ro nếu như thương lái ngừng mua.

Hải Lăng (Quảng Trị) có diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn với hơn 500 ha diện tích ao hồ. Trong đó diện tích nuôi tôm trên cát ven biển ở hai xã Hải An và Hải Khê chiếm gần 100 ha. Nhiều năm qua nhờ phát triển nuôi tôm nên nhiều hộ gia đình đã trở nên giàu có, tuy nhiên do nằm sát với bờ biển nên rất dễ bị thiên tai tàn phá. Trước thực trạng đó, để đảm bảo an toàn ao hồ nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão năm 2013, huyện Hải Lăng đang tiến hành triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm giúp người nuôi tôm bảo vệ tốt tài sản của mình.

Những năm gần đây, nuôi ngao thực sự là nghề “nóng” của người dân ven biển huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), bởi nó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên hiện nay, giá bán ngao thương phẩm đang giảm mạnh, thị trường tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Người dân phát triển nuôi ngao ồ ạt, tự phát, không theo quy hoạch sẽ khó tránh khỏi những hệ lụy xấu...

Đã qua rồi thời hỗn loạn, người thì nuôi, kẻ khai thác tranh giành nguồn lợi từ con nghêu của bãi bồi Đất Mũi (Cà Mau). Sau khi sắp xếp lại một cách toàn diện, vùng nuôi nghêu bãi bồi đang dần đi vào ổn định.