Lợn ở nhà tầng, đi thang máy
Trang trại đang trở thành một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn Thủ đô.
Xây “chung cư” cho… lợn
Nghe có vẻ khó tin, nhưng đó là điều đang hiện hữu tại trang trại chăn nuôi lợn của HTX Hoàng Long. Trên diện tích khoảng 2,1ha, HTX đã quy hoạch thành 2 khu nuôi tách biệt. Một khu được xây dựng theo thiết kế chuồng một dãy. Đối diện là khu chuồng nuôi gồm 4 dãy, trong đó có 3 dãy 2 tầng và một dãy 3 tầng, trông không khác một “chung cư” mini.
Đặc biệt, “chung cư” này được lắp đặt hệ thống thang máy để có thể dễ dàng vận chuyển lợn úm từ các tầng trên cao xuống khu nuôi thương phẩm. Đồng thời, vận chuyển thức ăn chăn nuôi từ dưới lên các tầng trên. Điều này không chỉ giúp HTX tận dụng tối đa diện tích trang trại, mà còn giảm đáng kể công chăm sóc...
“Chung cư” cho lợn kể trên là thành quả sau hơn 8 năm nỗ lực gây dựng của ông Nguyễn Trọng Long và tập thể thành viên HTX. Ông Long nhớ lại, năm 2007, với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông đã vận động bà con xứ đồng Thanh Mai (thôn Tri Lễ, xã Tân Ước) góp đất nông nghiệp và số vốn khoảng 500 triệu đồng để xây dựng trang trại chăn nuôi lợn.
Xác định làm nông nghiệp cần phải có kiến thức nền tảng, 10 thành viên HTX mỗi người phải tự mày mò, đi học chuyên môn nghiệp vụ về quản lý kinh doanh, thú y, thức ăn gia súc, giống vật nuôi tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu giống Thụy Phương, Viện Đại học Mở Hà Nội… Cũng nhờ nền tảng kiến thức có được, HTX Hoàng Long hiện có thể chủ động kiểm soát phần lớn những vấn đề phát sinh trong quá trình chăn nuôi.
Thu tiền tỷ mỗi năm
Đến nay, HTX Hoàng Long đang trong giai đoạn phát triển khá bền vững. Hiện, trang trại đang nuôi khoảng 400 lợn nái và trên 3.000 lợn thịt, mỗi năm cung ứng cho thị trường khoảng 800 tấn thịt lợn thương phẩm; doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Không chỉ làm giàu cho xã viên, thành viên HTX, mô hình chăn nuôi lợn của HTX Hoàng Long còn đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 30 nhân công với mức thu nhập trung bình mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng/người.
Một điều đáng khích lệ là sản phẩm thịt lợn thương phẩm của HTX Hoàng Long đang ngày càng chiếm được sự tin tưởng của người tiêu dùng khắp nơi. Ông Long cho biết, riêng làng nghề giò, chả ở thôn Ước Lễ (xã Tân Ước) đã tiếp nhận và tiêu thụ trên 30% khối lượng thịt lợn do HTX sản xuất mỗi ngày. Việc tiêu thụ 70% khối lượng thịt còn lại là tương đối dễ dàng, chủ yếu thông qua các mối hàng buôn. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của HTX trong nhiều năm qua.
Hướng tới quy trình sản xuất sạch
Theo ông Long, một trong những mục tiêu mà HTX hướng tới là xây dựng quy trình sản xuất sạch nhằm đảm bảo các tiêu chí về VSMT và phát triển bền vững. Do đó, ngay từ khi quy hoạch chuồng trại, dù quỹ đất khá hạn hẹp nhưng HTX vẫn dành diện tích lớn để xây dựng hệ thống biogas. Hiện, 100% khối lượng chất thải trong quá trình chăn nuôi của HTX đã được xử lý đảm bảo vệ sinh. Trong đó, 80% phế thải được chế biến thành phân bón hữu cơ cho cây trồng, và 20% thành khí sinh học phục vụ đời sống.
Một điều hết sức đặc biệt mà ít HTX chăn nuôi trên địa bàn TP cũng như trên cả nước làm được như HTX Hoàng Long, đó là khả năng tự nhân giống (một phần) và sản xuất tới 97% thức ăn sinh học cho chăn nuôi. Ông Long cho biết, trên thực tế, việc sử dụng thức ăn sinh học tại HTX không giúp lợn tăng trọng nhanh hơn so với dùng thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, khách hàng giờ không chỉ hướng tới ăn ngon, mà việc sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng cũng rất được quan tâm. Đó là lý do HTX kiên định với việc tự chế tạo thức ăn sinh học. “Dù chi phí có cao hơn, nhưng việc sử dụng thức ăn sinh học ít chứa kháng sinh, sẽ an toàn hơn rất nhiều cho vật nuôi trong quá trình chăm sóc…” - ông Long cho hay.
Nhằm đảm bảo chất lượng thịt lợn thương phẩm tới tay người tiêu dùng, HTX Hoàng Long đang gấp rút xây dựng hệ thống giết mổ khép kín, với sự hỗ trợ về vốn của Dự án Lifsap (Sở NN&PTNT Hà Nội). Quy trình khi đi vào vận hành được kỳ vọng sẽ mang đến cho thị trường những sản phẩm thịt lợn đảm bảo chất lượng với giá thành hợp lý.
Related news
Với hơn 500ha được Sở NNPTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn (RAT) thuộc 7 xã, huyện Mê Linh đang hình thành vùng rau sạch quy mô lớn, với quy trình sạch từ sản xuất đến người tiêu dùng…
Mới đây, Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi Bộ NNPTNT về việc hướng dẫn nhập khẩu đất vào Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, có một đề xuất nhập khẩu đất như vậy.
Đoàn chuyên gia đến từ Hà Lan có TS Peter Prins-chuyên gia kết nối thúc đẩy đầu tư và ông Gé Van Den Eertwegh-chuyên gia quản lý tài nguyên nước. Các buổi làm việc liên quan đến xác định phương hướng, chương trình hợp tác đầu tư các dự án về nước tại tỉnh Ninh Thuận trong thời gian sắp tới.