Cuối mùa, giá cà phê vẫn bất lợi
Biểu đồ 1: Giá cách biệt giữa giá arabica và robusta (nguồn: ICO)
Giá xuống mức thấp nhất của niên vụ
Giá cà phê nội địa đầu tháng Chín, tháng cuối cùng của niên vụ 2014-15 đã để mất mốc tâm lý quan trọng là 35 triệu đồng/tấn. Theo đà xuống trên sàn kỳ hạn, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên tuần qua có lúc chỉ còn 34,5 triệu đồng/tấn, là mức thấp nhất trong niên vụ này. Đến sáng nay 5-9, giá cà phê tại nhiều nơi ở Tây Nguyên quanh mức 35 triệu đồng/tấn, mua bán rất chậm.
Như vậy, giá nội địa càng về cuối mùa càng xa mức cao 41 triệu đồng/tấn lập trong tháng 10-2015.
Xuất khẩu không đạt mục tiêu
Dù nay đang là tháng cuối cùng của niên vụ 2014-15, báo cáo mới đây của Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho rằng mục tiêu xuất khẩu cà phê của niên vụ do ngành đặt ra là 1,4 triệu tấn xem ra rất khó đạt. Dựa trên báo cáo thống kê của BNN&PTNT, trong 10 tháng đầu niên vụ, cả nước chỉ mới xuất khẩu được 1,05 triệu tấn. Với tình hình giá cả tiếp tục xấu như thế này, có thể cả niên vụ này Việt Nam chỉ xuất khẩu chưa đến 1,2 triệu tấn cà phê.
Theo nhận định của một quan chức trong ngành, xuất khẩu không đạt mục tiêu là “do giá cà phê chưa có dấu hiệu phục hồi, nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu không mặn mà bán ra mà chỉ găm hàng chờ giá. Vì thế lượng tồn kho ngày càng lớn, gây áp lực rủi ro lên tiêu thụ cà phê vụ mới”.
Sở dĩ có tình trạng này vì đồng nội tệ của nhiều nước sản xuất sụt giảm mạnh so với đồng đô la Mỹ, một mặt cà phê nước ta bị các nước sản xuất khác cạnh tranh, mặt khác tiền đồng Việt Nam tuy có giảm giá nhưng so với đồng nội tệ các nước khác vẫn chưa thấm vào đâu và… niên vụ này cà phê Việt Nam mất mùa do thời tiết thất thường, vị quan chức phát biểu.
Giá kỳ hạn tiếp tục bất lợi
Trên sàn kỳ hạn cà phê robusta London, giá càng về cuối niên vụ càng xuống sâu. Nếu như trong tháng 10-2014 có lúc giá niêm yết trên sàn robusta đạt trên mức 2.200 đô la Mỹ/tấn, thì trong những ngày này giá đã xuống dưới mức 1.600 đô la/tấn.
Biểu đồ 2: Diễn biến tỷ giá cặp BRL/USD (nguồn: Anh Phan)
Thật vậy, đồng real Brazil (BRL) đã không ngừng phá giá. Tính đến hết tháng 8-2015, BRL so với đô la Mỹ đã về mức thấp nhất tính từ 12 năm nay. Qua mấy ngày đầu tháng 9-2015, đồng BRL tiếp tục phá giá, tính đến hôm qua 4-9-2015 BRL đã cận mức 1 đô la Mỹ ăn 3,8 BRL (xin xem biểu đồ 2).
Đồng BRL trong 8 tháng đầu năm nay đã mất trên 36% so với đồng đô la Mỹ, trên thị trường đầy rẫy cà phê Brazil, không chỉ arabica là mặt hàng chủ lực của Brazil mà nước này còn bán mạnh robusta, là món hàng chủ lực của Việt Nam do đồng tiền nước ta vẫn còn quá mạnh so với đồng BRL bị phá giá.
Biểu đồ 3: Diễn biến giá đóng cửa trên sàn kỳ hạn robusta London (nguồn: theice.com)
Đóng cửa phiên cuối tuần 4-9, giá kỳ hạn robusta London chốt mức 1.599 đô la/tấn, giảm 12 đô la Mỹ/tấn (xin xem biểu đồ 3), sàn arabica New York xuống 119.15 xu/cân Anh (cts/lb), giảm 4.9 cts/lb hay mất 108 đô la/tấn so với tuần trước.
Hàng tốt vẫn bán không chạy
Do sẵn hàng và giá rẻ, các nhà nhập khẩu đã sang Brazil để gom hàng trong khi cà phê robusta của Việt Nam khó bán được.
Đối với các nhà rang xay, cam kết cung ứng đều đặn và lâu dài là yếu tố quan trọng để giữ chân họ vì nếu nguồn của phê thất thường sẽ gây ảnh hưởng cho hoạt động sản xuất và chế biến của họ.
Mặt khác, đối với các nhà kinh doanh kinh nghiệm trên thị trường cà phê, khi quyết định mua hàng, họ còn dùng các thông số kỹ thuật thị trường quan trọng khác chứ không chỉ dùng giá niêm yết trên sàn kỳ hạn.
Giá cách biệt giữa loại cà phê arabica và robusta (arbitrage) là một chỉ số kỹ thuật thường được dùng để so sánh giá cà phê loại nào mắc, loại nào rẻ để quyết định mua hàng. Khi giá cách biệt giữa hai loại cà phê này càng gần nhau, người ta hiểu rằng giá arabica rẻ và quay sang mua loại ấy. Khi giá hai loại này giãn ra xa, chứng tỏ arabica mắc hơn và người ta lại thích mua robusta.
Nếu như đầu vụ vào tháng 10-2015, giá cách biệt này có lợi cho robusta vì bấy giờ giá cách biệt giữa hai sàn kỳ hạn arabica và robusta lên trên mức 125 cts/lb hay 2.750 đô la/tấn, thì trong tuần qua, mức chênh lệch này chỉ còn 47 cts/lb hay chừng 1.030 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 1).
Bình thường, khi giá cách biệt giãn ra, các hãng rang xay thích mua robusta chất lượng cao để thay thế cho arabica quá mắc. Bấy giờ, robusta chất lượng cao như các loại chế biến ướt, đánh bóng… được ưa chuộng.
Do giá cách biệt đang có lợi cho cà phê arabica nên cà phê robusta loại tốt và chất lượng cao vẫn kẹt trong kho khó bán. Người trữ robusta loại tốt lại càng lỗ lớn do phải tốn phí chế biến cao hơn so với loại bình thường.
Nên chăng phải tìm một cách kinh doanh cà phê hàng hóa theo một hướng khác chứ không thể cứ mỗi khi giá xuống, người người đánh tiếng mất mùa rồi đua nhau ôm hàng đợi giá lên để rồi doanh nghiệp thua lỗ và thị phần cà phê ngày càng mất vào tay nước khác?
Related news
Chúng tôi thật ấn tượng khi đến thăm trại nuôi bồ câu Pháp của nữ cử nhân Trương Thị Thùy Nhung (32 tuổi), trú tại thôn 2A, xã Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn (Quảng Nam).
Cuối năm, hàng chục chiếc tàu nườm nượp kéo về cảng sau chuyến đi khơi dài ngày. Trong đó, có nhiều tàu trĩu nặng với những mẻ tôm hùm còn tươi nhay nháy mang lại thu nhập cao gấp 4-5 lần so với các loại hải sản khác.
Trong 10 năm qua, tổng đàn bò sữa của cả nước đã tăng gấp 4 lần, sản lượng sữa tăng gấp 5 lần. Nuôi bò sữa đang có sức hút với người nông dân với mức thu nhập cao, nhưng không dễ làm giàu nếu vẫn chăn nuôi theo lối cũ.
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản, hiện toàn tỉnh Bến Tre có 118 cơ sở nuôi cá lồng bè với số lượng 441 bè, trong đó nuôi ngoài qui hoạch 91 cơ sở với 321 bè. Nuôi nhiều nhất tập trung tại Sơn Định, Thị trấn Chợ Lách, Long Thới, Vĩnh Bình, Phú Phụng (Chợ Lách); Phú Đức, Phú Túc, An Khánh, Tân Thạch (Châu Thành).
Bệnh tai xanh là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với đàn lợn. Nguyên lý gây bệnh của tai xanh là mặc dù tấn công vào hệ thống miễn dịch của cơ thể lợn nhưng chỉ gây tỷ lệ lợn chết từ 1-5%.