Cty Thức Ăn Chăn Nuôi Dùng Chất Cấm Đã Có Gậy, Nhưng Ai Xử?
Dân gian có câu, “đánh rắn, phải đánh dập đầu”. Thế nhưng cách xử lí vi phạm đối với hành vi sử dụng chất cấm trong SX, kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TĂCN) ở ta hiện nay còn khá lúng túng.
Báo NNVN những ngày gần đây đã có nhiều bài phản ánh về việc Cty TNHH Liên kết đầu tư LIVABIN (Cty LIVABIN, Hưng Yên) bị phát hiện sử dụng chất cấm Salbutamol trong sản xuất TĂCN. Cụ thể mới đây, Sở NN-PTNT Thanh Hóa trong quá trình thanh kiểm tra, đã lấy mẫu TĂCN do Cty LIVABIN sản xuất đang lưu hành tại thị trường tỉnh này gửi đi phân tích.
Tới ngày 9/8 vừa qua, cả hai đơn vị mà Sở NN-PTNT Thanh Hóa gửi mẫu phân tích đều đã có kết quả cụ thể. Theo đó, ba mẫu TĂCN do Cty LIVABIN sản xuất đều phát hiện dương tính với chất cấm Salbutamol, hàm lượng lần lượt là 1,43 mg/kg; 1,2 mg/kg và 0,8 mg/kg.
Trao đổi với NNVN hôm qua (12/8), ông Trịnh Minh Đô – Phó trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN-PTNT Thanh Hóa) cho biết, căn cứ vào các chứng cứ vi phạm, Sở NN-PTNT Thanh Hóa đã hoàn tất hồ sơ và có văn bản trình Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị kinh doanh TĂCN bị phát hiện có chất cấm trên địa bàn tỉnh, với khung xử phạt 70 – 100 triệu đồng, đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tiêu hủy toàn bộ các lô TĂCN bị phát hiện có chất cấm.
Như vậy đến thời điểm này, có thể nói Sở NN-PTNT Thanh Hóa đã xử lí hoàn tất một cách khá nhanh chóng và quyết liệt đối với hành vi kinh doanh TĂCN chứa chất cấm của các đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, điều mà cả ông Trịnh Minh Đô lẫn dư luận rất chờ đợi, đó là Cty LIVABIN, DN sản xuất ra TĂCN có chất cấm sẽ bị xử lí ra sao, cơ quan nào xử lí vi phạm Cty này vẫn đang là dấu hỏi.
Trao đổi với PV, ông Đô băn khoăn: Theo Nghị định 119/NĐ-CP ngày 9/10/2013 của Chính phủ (Nghị định 119) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TĂCN, Sở NN-PTNT và UBND các tỉnh chỉ có quyền xử phạt đối với các đơn vị, DN vi phạm trong SX, kinh doanh TĂCN tại địa bàn tỉnh đó.
Như vậy căn cứ vào Nghị định 119, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ có thể xử phạt đối với các đại lý, DN kinh doanh TĂCN của Cty LIVABIN đóng tại địa bàn tỉnh này. Đối với Cty LIVABIN, việc xử lí DN này ra sao lại thuộc thẩm quyền của Cục Chăn nuôi hoặc UBND tỉnh nơi Cty này đặt nhà máy, cụ thể là UBND tỉnh Hưng Yên.
Nghị định 115 của Chính phủ đã trao cho Cục Chăn nuôi và UBND tỉnh Hưng Yên một “cái gậy”, họ có quyền xử phạt Cty LIVABIN từ 70- 100 triệu đồng, có quyền tạm đình chỉ DN này từ 1-3 tháng, có quyền tước giấy phép hoạt động... của DN này.
Liệu 2 đơn vị này, ai sẽ là người “vung gậy” để xử lí Cty LIVABIN, liệu có đủ mạnh để răn đe về tình trạng sử dụng chất cấm trong TĂCN hay không? Dư luận đang chờ sớm có câu trả lời.
Theo ông Đô, trước đây, không chỉ đối với vi phạm về sử dụng chất cấm mà đối với nhiều vi phạm khác trong SX, kinh doanh TĂCN, nếu tỉnh nào phát hiện vi phạm thì bên cạnh xử lí đơn vị kinh doanh trên địa bàn, tỉnh đó sẽ có quyền truy ngược và triệu tập DN sản xuất ra sản phẩm vi phạm đó để xử phạt, kể cả DN ấy ở tỉnh khác.
Tuy nhiên từ khi Nghị định 119 ra đời, quy định này không còn được áp dụng nên gây rất nhiều khó khăn cho việc xử lí vi phạm vì buộc phải có sự phối hợp giữa các tỉnh với nhau cũng như với Cục Chăn nuôi. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị Cục Chăn nuôi sửa đổi quy định này, tuy nhiên chưa biết sắp tới Nghị định 119 có được sửa đổi hay không” – ông Đô cho biết.
Về quy trình xử lí vi phạm rối rắm này, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam ngao ngán phân tích: Nhẽ ra khi phát hiện TĂCN có chất cấm, đối tượng phải tập trung xử lí thật mạnh tay trước tiên phải là DN sản xuất ra TĂCN có chất cấm. Nhưng thay vì như thế, người ta lại đang tập trung xử phạt trước đối với người buôn bán TĂCN có chất cấm ấy.
“Đánh rắn thì phải đánh dập đầu! Anh DN sản xuất ra TĂCN thì phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm ấy trước tiên, và phải chịu tội to nhất thì không lo xử, lại đi xử anh buôn bán. Mấy anh đại lí buôn TĂCN thì biết gì về chất cấm, mà biết đi nữa cũng làm gì có máy móc mà kiểm tra xem có hay không” – ông Lịch gay gắt.
Liên quan vấn đề này, được biết, Cty Sao Khuê, một trong những DN phân phối TĂCN cho Cty LIVABIN tại Thanh Hóa vừa bị kiểm tra TĂCN có chất cấm mới đây đã khổ sở kêu trời rằng, họ chỉ là đơn vị đi buôn bị “vạ lây”. Bởi Cty LIVABIN khi bán hàng cho Cty cũng đã có cam kết là hàng có xuất xứ, không vi phạm pháp luật, chứ bản thân DN kinh doanh thì làm sao biết TĂCN đó có chất cấm hay không?
Trong khi đó, trao đổi với PV hôm qua về hướng xử lí vi phạm đối với Cty LIVABIN, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Hiện tại, Cục Chăn nuôi vẫn đang chờ báo cáo của Sở NN-PTNT Thanh Hóa sau khi UBND tỉnh Thanh Hóa xử lí xong vi phạm. Sau khi có báo cáo của Sở NN-PTNT Thanh Hóa, Cục Chăn nuôi mới cân nhắc tiếp theo việc xử lí vi phạm đối với Cty LIVABIN.
“Theo Nghị định 119, cả UBND tỉnh Hưng Yên và Cục Chăn nuôi đều có quyền xử lí vi phạm đối với Cty LIVABIN. Tuy nhiên, tinh thần của chúng tôi là để cho UBND tỉnh Hưng Yên xử lí. Chúng tôi cũng sẽ theo dõi xem UBND tỉnh Hưng Yên có xử lí thỏa đáng hay không” – ông Dương cho biết.
Related news
Từ đầu năm đến nay, giá mủ cao su liên tục giảm khiến nhiều hộ dân trồng cao su ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) thất thu lớn. Hiện tại, giá mủ cao su nước bán tại vườn chỉ còn 13.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3 giá các năm trước.
Cùng với việc canh tác cây lúa, huyện Châu Phú (An Giang) có khá nhiều vùng chuyên canh rau màu, chủ yếu tập trung ở các xã: Khánh Hòa, Mỹ Đức, Bình Thủy. Khi thị trường nội địa không thể tiêu thụ hết sản phẩm của nông dân thì việc đưa rau màu Châu Phú “xuất khẩu” sang Campuchia đang là hướng đi cho hiệu quả khả quan.
Những tháng đầu năm 2013, cơ cấu kinh tế của huyện Đầm Dơi (Cà Mau) chuyển dịch đúng hướng và tăng trưởng khá. Các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất được đẩy nhanh tiến độ, diện tích nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm quảng canh cải tiến ngày càng được mở rộng, nên sản xuất nuôi trồng thủy sản có dấu hiệu phục hồi.
Tình hình vi phạm công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Về xã Yên Hồ (Đức Thọ - Hà Tĩnh) trong những ngày cuối thu, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND xã dẫn đi “mục sở thị” hiệu quả của mô hình nuôi tôm càng xanh trong ao đất của anh Lê Thanh Hà - một điển hình của công đoàn xã trong phát triển kinh tế.